Hàng lậu, hàng giả trên sàn thương mại điện tử: Bịt lỗ hổng chính sách pháp luật

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 bùng phát cũng là lúc việc mua bán hàng hóa qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT) "lên ngôi". Tuy nhiên, bên cạnh những gian hàng làm ăn uy tín vẫn có rất nhiều đối tượng lợi dụng các sàn TMĐT để bán hàng giả, hàng nhái.

Trong khi đó, cơ chế xử lý vi phạm chưa theo kịp thực tế, đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan quản lý.
Sàn thương mại điện tử dung túng hàng giả
Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt-First News vừa chính thức khởi kiện sàn giao dịch TMĐT Lazada vì cho rằng Lazada có hành vi tiếp tay tiêu thụ sách giả, đánh lừa bạn đọc Việt Nam. Giám đốc Công ty Phát hành sách First News Nguyễn Văn Phước thông tin: Lazada đã cho phép một số gian hàng bán cuốn sách "Muôn kiếp nhân sinh" của GS. Nguyên Phong in lậu với giá rẻ hơn 45 -50% so với sách gốc. Ngoài ra nhiều sách khác do First News ấn hành như: Nghĩ lớn để thành công, Vị tu sĩ bán chiếc Ferrari, Thói quen thứ 8, Đi tìm lẽ sống, Người bán hàng vĩ đại nhất thế giới... cũng bị làm giả và bán trên Lazada.
 Nhiều vụ hàng giả, không xuất xứ được phát hiện trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Thanh Hải
"Để ngăn chặn tình trạng này First News nhiều lần lên tiếng, gửi bằng chứng và công văn…nhưng Lazada vẫn không có động thái chấn chỉnh tình trạng buôn bán sách giả" - ông Phước cho biết. Không chỉ First News mới lâm vào tình trạng này mà trước đó NXB Trẻ từng phát hiện cuốn Tiếng Nhật cho mọi người xuất hiện bản in lậu trên Tiki. Thực tế cho thấy, đây không là lần đầu tiên các sàn giao dịch TMĐT bị tố cáo dung túng cho hành vi bán hàng lậu, hàng giả. 
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), hiện Lazada.vn là website bị nhiều khách hàng khiếu nại về chất lượng, xuất xứ hàng hóa. Ngoài Lazada.vn nhiều website giả mạo DN uy tín để bán hàng giả, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người tiêu dùng, DN.
Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông L’Oréal Việt Nam Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh than phiền: Thời gian qua, L’Oréal Việt Nam đã phát hiện một số trang website rao bán các sản phẩm giả nhãn hiệu L’Oréal với giá chỉ bằng 1/10 so với giá hàng chính hãng. Không chỉ L’Oréal Việt Nam lâm vào tình trạng này mà một số hãng khác như: Chanel, Versace, Louis Vuitton... cũng đang phải đối mặt việc một số người kinh doanh trên sàn TMĐT bán sản phẩm nhái nhãn mác, thương hiệu với giá rẻ chỉ vài trăm nghìn đồng/sản phẩm.
Thông tin từ Cục TMĐT & Kinh tế số (Bộ Công Thương): Trong thời gian diễn ra cách ly xã hội do dịch Covid-19, lực lượng chức năng qua kiểm tra đã yêu cầu các sàn TMĐT Shopee.vn, Chotot.com, Lazada.vn, Tiki.vn... xử lý khoảng 16.200 gian hàng và 32.880 sản phẩm vi phạm kinh doanh trên môi trường mạng.
Sửa luật để xử lý triệt để
Thực tế, công tác chống hàng giả, gian lận thương mại trên các sàn TMĐT và mạng xã hội Zalo, Facebook thời gian qua, mặc dù lực lượng chức năng đã đẩy mạnh ngăn chặn nhưng việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do hành lang pháp lý để xử lý vi phạm TMĐT chưa theo kịp thực tế, điều này đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh Luật TMĐT sao cho phù hợp thực tế.
Nói về những quy định pháp luật quản lý TMĐT chưa theo kịp sự phát triển loại hình kinh doanh này, Phó Tổng Giám đốc Công ty Sen Đỏ (Sendo.vn) Lê Anh Huy cho rằng: Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2013/NĐ-CP đáp ứng yêu cầu về quản lý TMĐT tại thời điểm ban hành, nhưng thị trường TMĐT thay đổi liên tục đặt ra nhiều vấn đề cần điều chỉnh.
Cụ thể, công nghệ số, Internet phát triển nhanh chóng dẫn đến nhiều mô hình TMĐT mới liên tục xuất hiện, không chỉ giới hạn ở 2 mô hình phổ biến là website TMĐT, website cung cấp dịch vụ TMĐT như trước đây.
Các giao dịch, dịch vụ cũng không còn ở phạm vi một quốc gia mà đã xuyên biên giới, đa dạng về chủ thể tham gia, phức tạp về cách thức hoạt động... Điều đó cho thấy cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP phù hợp thực tế.
Phản ánh về những khó khăn trong quá trình xử lý hành vi lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng lậu, hàng giả,Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết: Mặc dù đã quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn, nhưng số lượng các vụ việc phát hiện, xử lý còn thấp, trong khi hành vi lợi dụng hoạt động TMĐT để vi phạm pháp luật ngày càng tinh vi, phức tạp. Khó khăn lớn nhất mà lực lượng chức năng phải đối mặt trong việc ngăn chặn việc bán hàng giả thông qua TMĐT là các đối tượng không có cửa hàng, chỉ thông qua các website, mạng xã hội để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó các website được tạo ra và đóng lại trong thời gian ngắn, khiến lực lượng chức năng khó kiểm soát, xác định chứng cứ để đấu tranh, xử lý.
Từ thực tế đó, ông Kiên đồng tình cho rằng, cần phải thực hiện rà soát các Nghị định liên quan đến TMĐT. Đặc biệt, các nội dung liên quan tới điều kiện thiết lập các website và ứng dụng TMĐT để hoạt động kinh doanh theo hướng minh bạch hóa thông tin sản phẩm, các thông tin cụ thể cần phải đăng tải khi bán hàng, thông tin về người bán…
Những kiến nghị này cho thấy trong thời gian tới cơ quan quản lý cần khắc phục lỗ hổng về chính sách, nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bởi đây là những mắt xích quan trọng giúp TMĐT Việt Nam phát triển bền vững.

"Hiện tại, Cục TMĐT & Kinh tế số đang chủ trì xây dựng sửa đổi Nghị định số 52/2013/NĐ-CP. Trong đó chú trọng tới các nội dung liên quan tới điều kiện thiết lập các website và ứng dụng TMĐT để mua bán các mặt hàng hạn chế kinh doanh. Minh bạch hóa thông tin sản phẩm, đặc biệt là quy định về ghi nhãn hàng hóa hiện hành, kể cả nhãn phụ, nhãn gốc. Tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu các sàn giao dịch TMĐT trong quản lý hoạt động kinh doanh trên sàn." - Phó Cục trưởng Cục TMĐT & Kinh tế số (Bộ Công Thương)

Nguyễn Thị Minh Huyền

"Các bộ, ngành đang đề xuất, sửa đổi, bổ sung các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực TMĐT, đặc biệt với đối tượng cung cấp thông tin hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng cấm tại Nghị định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP. Đẩy mạnh xúc tiến làm việc với Facebook để hợp tác, xử lý nhanh các vấn đề liên quan tới bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với những phương thức kinh doanh rất mới như livestream." - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) Trần Hữu Linh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần