KTĐT - Trong vòng 1 tháng trở lại đây, đã có 6 lần lực lượng công an, quản lý thị trường tiến hành kiểm tra hàng hóa trên toa tàu hoặc trên đường vận chuyển vào sân ga, đều phát hiện hàng “có vấn đề”.
“Được ăn cả, ngã về không”
Trung tuần tháng 12-2010, tôi nhận được điện thoại của một trinh sát Đội QLTT số 1 - Chi cục QLTT Hà Nội, thông báo đơn vị đang kiểm tra một toa hàng “có vấn đề” tại khu vực ga B Hà Nội. Có mặt tại hiện trường, chúng tôi gặp liên ngành công an, quản lý thị trường đang phối hợp cùng đại diện ga Hà Nội và Trạm Cảnh sát ga lập hồ sơ, biên bản vi phạm đối với hàng chục bao tải hàng đã được xếp lên toa tàu số 232174.
Toa tàu này thuộc quản lý của Công ty CP Bao bì vận chuyển Hà Nội, hợp đồng vận chuyển hàng vào TP Hồ Chí Minh. Tổng cộng có đến 93 bao tải chứa giày, dép, quần áo, mỹ phẩm do nước ngoài sản xuất, nhưng đại diện chủ hàng chỉ xuất trình được 8 hóa đơn thông thường, 1 hợp đồng vận chuyển hàng hóa, phụ lục hợp đồng và 9 tờ vận đơn hàng hóa.
“Những giấy tờ đó không đủ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số hàng, nên cơ quan quản lý thị trường đã đề xuất cấp có thẩm quyền ra quyết định tịch thu toàn bộ số hàng trên. Trị giá số hàng hơn 900 triệu đồng và chúng được xem là hàng lậu”, ông Nguyễn Công San - Đội trưởng Đội QLTT số 1 khẳng định.
So với các phương tiện vận tải khác hàng lậu “đi” tàu hỏa dễ bị phát hiện nhất. Thế nhưng nếu trót lọt, lợi nhuận mà các đối tượng buôn lậu có được sẽ lớn gấp nhiều lần so với việc chở hàng bằng ô tô. Một sự khác biệt khác là hàng lậu “đi” tàu hỏa ít gặp “rủi ro” bị lực lượng chức năng kiểm tra trên hành trình vận chuyển như các phương tiện khác.
Chấp nhận tình huống “được ăn cả, ngã về không” này, không ít đầu nậu buôn lậu lớn đều chọn tàu hỏa để chở hàng. Ít ngày sau vụ việc ở ga B, vẫn Đội QLTT số 1 phối hợp cùng tổ công tác Đội Giao thông bưu điện - Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV đã bắt quả tang vụ bốc dỡ 69 kiện hàng lậu tại ga Yên Viên.
Số hàng này được chuyển từ Lạng Sơn về, và ngoài việc không đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc, suốt quá trình lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, các chủ hàng đã chối bỏ quyền sở hữu, bất hợp tác với đoàn kiểm tra liên ngành. Hiện tại, số hàng gồm linh kiện điện tử, đồ chơi trẻ em, quần áo, loa vi tính… trị giá hơn 900 triệu đồng này cũng đã bị lập biên bản tạm giữ.
Có khó kiểm soát hàng lậu?
Một cán bộ quản lý thị trường cho biết: “Có điều kiện thường xuyên bám theo các điểm nhận, tập kết hàng vào ga, thế nào cũng phát hiện thấy sự bất bình thường trong những kiện hàng hay những quy trình kiểm đếm trước khi hàng được xếp lên toa”.
Điều này minh chứng cho thực tế: hàng lậu đã và đang liên tục lên tàu hỏa! Theo quy định của ngành đường sắt, hàng hóa lên tàu phải được kiểm tra chủng loại, trọng lượng và phải có hóa đơn. Hóa đơn hợp lệ mới được cấp vận đơn để vận chuyển. Nhưng đúng như nhiều cán bộ quản lý ga thừa nhận, với số lượng quá lớn nên công tác kiểm soát mới chỉ chú trọng về trọng lượng.
Phía ngành đường sắt không đủ nhân lực và thời gian để mở từng kiện hàng kiểm tra. Trên danh nghĩa, hàng lậu chui được lên tàu sẽ thuộc trách nhiệm của nhà ga, ngành đường sắt. Song thực tế, chịu trách nhiệm chính ở đây lại là chủ hàng hoặc đơn vị đại diện các chủ hàng. Khi ký hợp đồng thuê toa tàu, họ phải ký hợp đồng với ít nhất một điều khoản: tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về số hàng vận chuyển! Và như thế, phía nhà ga sẽ “vô can”.
Có khó kiểm soát, phát hiện hàng lậu “chui” lên tàu? Câu hỏi này chúng tôi đặt ra với một số cơ quan hữu trách và nhận được hồi âm: vừa khó lại vừa… không khó. Bằng chứng của sự “không khó” là cả 6 lần lực lượng liên ngành kiểm tra các toa tàu, xe tải chở hàng vào ga trong 1 tháng qua, thì cả 6 lần đều bắt quả tang vi phạm.
Nhưng một cái khó là công tác kiểm tra nếu không nhận được sự hợp tác tích cực từ phía nhà ga, sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến hành trình của đoàn tàu. “Khi ấy, người ta ít thông cảm với lực lượng chức năng, mà thường suy diễn chúng tôi đang làm khó doanh nghiệp”, một cán bộ Đội QLTT số 4 cho biết.
Vấn đề khác ảnh hưởng đến công tác xử lý của lực lượng chức năng, là thái độ, phản ứng “cù nhầy” của nhiều chủ hàng. Khi bị kiểm tra, chủ hàng không ra mặt. Vài ngày sau, họ thuê các đối tượng đi xe ba bánh, đến tận trụ sở đơn vị thu giữ hàng, tự xưng là chủ hàng để “xin” lại hàng. Số này được trả “lương” công nhật và sẵn sàng “đeo bám” cơ quan công quyền cả tháng trời cho đến khi… được việc mới chịu rút. Tình trạng này vừa xảy ra ở một cơ quan QLTT có trụ sở tại quận Đống Đa.