Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hàng loạt cây trồng ở ngoại thành bị đổ, ngập úng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ tối 27/7, áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 1 tiếp tục gây mưa lớn trên diện rộng khiến nhiều diện tích canh tác cây trồng ngoại thành ngập trong nước. Đặc biệt, gió lớn giật cấp 10 – 11 đã ảnh hưởng lớn đến năng suất cây trồng vụ Mùa.

Trưa 28/7, khi cơn mưa chưa dứt và gió vẫn tiếp tục thổi mạnh, nhiều người nông dân ở xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức đã xuống đồng kiểm tra diện tích canh tác của gia đình.

 
Nhiều diện tích cây trồng trên địa bàn huyện Hoài Đức bị gãy đổ do mưa to gió lớn ngày 28/7.
Nhiều diện tích cây trồng trên địa bàn huyện Hoài Đức bị gãy đổ do mưa to gió lớn ngày 28/7.
Cầm lên đặt xuống những gốc ngô nếp đổ rạp, anh Nguyễn Hữu Hà (thôn Tiền Lệ) ngậm ngùi: “Không đến nỗi mất hẳn nhưng sẽ mất thời gian để phục hồi”. Theo anh Hà, so với đợt mưa cuối tháng 5/2016, trận mưa tối qua không quá lớn bằng và ảnh hưởng cũng ít hơn. Tuy nhiên, đã nhiều năm qua người dân nơi đây mới hứng chịu một trận gió lớn đến vậy. Vụ Mùa 2016, gia đình anh Hà gieo trồng 2 sào ngô nếp. Toàn bộ diện tích này đều bị đổ rạp sau diễn biến mưa to gió lớn từ chiều tối qua… Không chỉ hộ anh Hà mà nhiều hộ sản xuất nông nghiệp ở xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ mưa to gió lớn.
Hàng loạt cây trồng ở ngoại thành bị đổ, ngập úng - Ảnh 1
Ông Nguyễn Văn Hiến – Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức cho biết, vụ Mùa 2016, địa phương gieo trồng trên 2.000ha lúa, và khoảng 1.000ha rau màu (chủ yếu là ngô, sắn, rau sạch…). Trong đó, diện tích vùng bãi ven sông Đuống qua địa phận các xã Tiền Yên, Song Phương… thường xuyên bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Những năm gần đây, bà con đã chủ động đầu tư nâng nền đất canh tác nông nghiệp, giảm thiểu thiệt hại sản xuất mỗi khi ngập úng.     

Theo thống kê sơ bộ khoảng 10 giờ ngày 28/7, huyện Chương Mỹ có 88,5ha lúa bị ngập; 166,2ha hoa màu và 33 ha cây ăn quả bị hưu hỏng, 230 cây có đường kính 20cm trở lên bị đổi , 30 cột điện hạ thế, 355m tường bao bị đổ, 1 người bị thương nhẹ do giải tỏa giao thông bị cây đổ vào người.
Hàng loạt cây trồng ở ngoại thành bị đổ, ngập úng - Ảnh 2
Huyện đang tích cực triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả do bão số 1 gây ra. Đồng thời tiếp tục theo dõi diễn biến của thời tiết, phân công cán bộ thường trực 24/24, tiếp tục thống kê diện tích hoa màu, lúa bị thiệt hại, các công trình bị hư hưởng do bão số 1 gây ra.

Trước đó, ngày 27/7, UBND huyện-BCH phòng chống thiên tai huyện đã có công điện khẩn về việc chủ động các biện pháp đối phó, xử lý kịp thời có hiệu quả với mọi diễn biến bất lợi của bão số 1.
Thiệt hại hoa màu tại Chương Mỹ
Thiệt hại hoa màu tại huyện Chương Mỹ.
Theo báo cáo nhanh của Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT Hà Nội), lượng mưa đo được từ 19 giờ tối qua (27/7) tới khoảng 6 giờ sáng nay (28/7) bình quân là 56,44mm. Trong đó, lượng mưa lớn nhất đo được tại huyện Ứng Hòa là 92mm. Hầu hết các địa phương khác trên địa bàn TP có lượng mưa cao. Ngoài Ứng Hòa, các huyện: Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Hoài Đức, Thanh Trì và các quận Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Tây Hồ đều có lượng mưa trên 70mm. Với lượng mưa lớn, nhiều diện tích gieo trồng của bà con các địa phương nơi đây cũng đang rơi vào tình trạng ngập trong nước.

Nhằm chủ động tiêu thoát nước chống úng ngập, sáng nay, Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội đã vận hành trạm bơm Thịnh Liên (3 máy, công suất 2.500m3/h). Các công ty thủy lợi Hà Nội khác đang tiếp tục rà soát các điểm úng ngập để bố trí vận hành các trạm bơm. Ông Nguyễn Văn Hưng – Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì cho biết, dù là địa phương có lượng mưa lớn. Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác tiêu nước đệm nên đến đầu giờ chiều nay (28/7), hầu như không có diện tích nào bị ngập úng sâu. Dù vậy, ảnh hưởng từ gió lớn khiến nhiều cây trồng bị gãy đổ.
Hàng loạt cây trồng ở ngoại thành bị đổ, ngập úng - Ảnh 3
Đáng lưu ý, trong quá trình chuẩn bị sẵn sàng vận hành, tại các huyện Phú Xuyên, Thường Tín, Ứng Hòa, Hoài Đức đã xảy ra sự cố mất điện. Do vậy, Sở NN&PTNT đề nghị Công ty Điện lực Hà Nội sớm khắc phục sự cố nêu trên. Cùng với đó, đề nghị các công ty thủy lợi, các địa phương tiếp tục theo dõi diễn biến mưa và tình hình ngập úng để có biện pháp úng cứu kịp thời khi có sự cố thiên tai.
Hàng loạt cây trồng ở ngoại thành bị đổ, ngập úng - Ảnh 4
Cũng theo thông tin cập nhật mới nhất của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai TP Hà Nội, mưa to gió lớn đã khiến 1 người ở huyện Phú Xuyên thiệt mạng. Cùng với đó, trên 4.200 cây xanh các loại và nhiều diện tích cây trồng vụ Mùa 2016 thuộc ngoại thành bị gãy đổ. Hiện, công tác khắc phục hậu quả mưa gió đang được các địa phương tích cực triển khai.

Nhiều diện tích cây trồng trên địa bàn huyện Hoài Đức bị gãy đổ do mưa to gió lớn ngày 28/7.