KTĐT - Sáng nay, hồ thủy điện Đại Ninh (huyện Đức Trọng) chính thức xả lũ. Trong khi đó, hồ thủy điện Đồng Nai 3 (huyện Di Linh) thông báo dự kiến đến ngày 11/11 sẽ tháo van xả lũ.
Do mưa vẫn kéo dài, nhiều công trình thủy lợi lớn và hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hôm nay xin phép được xả lũ. Các nhà máy thủy điện ở tỉnh Phú Yên cũng có động thái tương tự.
Theo báo cáo nhanh từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng, do mưa kéo dài nên mực nước ở các sông suối vẫn tiếp tục dâng cao. Ảnh hưởng của vùng áp thấp nhiệt đới gần bờ, kết hợp với gió Đông Bắc mạnh và nhiễu động trong đới gió Đông trên cao, từ tối qua đến sáng nay, Lâm Đồng tiếp tục có mưa. Nhiều vùng trũng thấp vẫn bị nước lũ cô lập.
Sáng nay, hồ thủy điện Đại Ninh (huyện Đức Trọng) chính thức xả lũ. Trong khi đó, hồ thủy điện Đồng Nai 3 (huyện Di Linh) thông báo dự kiến đến ngày 11/11 sẽ tháo van xả lũ.
Lượng mưa ở Phú Yên và khu vực miền Trung tiếp tục tăng cao, các nhà máy thủy điện ở Phú Yên cũng liên tiếp có thông báo xả lũ. Đến 11h trưa nay, tổng lượng nước xả lũ ở Phú Yên là 6.100 m3 một giây.
Dự báo, nếu tối nay khu vực Tây Nguyên tiếp tục mưa lớn nước về các hồ nhiều, thì mức xả lũ sẽ tăng lên.
Khi các hồ thủy điện xả lũ, người dân dưới vùng hạ du sẽ gánh chịu hoàn toàn thiệt hại. Như trước đó, hồ thủy điện Đa Nhim (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) xả lũ từ ngày 1/11, nước dâng cao đã làm 5 căn nhà sập hoàn toàn, hàng trăm căn nhà và hàng nghìn hecta hoa màu của các huyện Đơn Dương, Đức Trọng bị ngập sâu trong nước.
Cách đây 2 ngày, nhà máy thủy điện sông Ba Hạ (Phú Yên) xả lũ vượt mức cho phép mà không thông báo với địa phương, gây khó khăn trong việc chủ động điều hành phòng tránh lũ, khiến UBND tỉnh Phú Yên đã phải có công văn yêu cầu chấn chỉnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Yên có 3 nhà máy thủy điện đang hoạt động là: Thủy điện Sông Hinh, Sông Ba Hạ và K’rông Năng, tổng công suất 356 MW. Các hồ thủy điện khi xây dựng đã phải sử dụng một diện tích đất rất lớn, trong đó chủ yếu là diện tích rừng bị phá đi, hạn chế khả năng ngăn lũ. Đó là chưa kể những thủy điện ở tầng trên thuộc các tỉnh Tây Nguyên.
Theo tính toán của một số chuyên gia, để có 1 MW điện thì phải lấy đi 10 ha rừng. Với cách tính này, chỉ riêng 3 nhà máy thủy điện đang vận hành đã lấy đi của Phú Yên 3.560 ha rừng. Đó là chưa kể 2 công trình thủy điện đang triển khai tại huyện Đồng Xuân, một huyện miền núi phía Bắc tỉnh Phú Yên, nơi chưa có thủy điện xả lũ nhưng chỉ riêng nước đầu nguồn đổ về đã gây ngập lụt.
Sông miền Trung thường ngắn và dốc, do vậy lưu tốc rất lớn. Nếu còn rừng, tốc độ lũ sẽ chậm hơn. Một khi rừng đã bị phá trụi, dòng chảy sẽ nhanh gấp nhiều lần.
Trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Phú Yên Trịnh Thị Nga từng phát biểu: Nếu một người đầu có tóc và một người đầu trọc, thì khi đổ một lượng nước từ trên xuống thì ở anh đầu trọc nước chắc chắn chảy xuống nhanh hơn, nhiều hơn. Bà Nga là người phản đối nhiều nhất về chuyện không nên xây dựng thủy điện nhiều ở Phú Yên.
Theo bà Nga, thủy điện vào mùa khô thì ưu tiên tích nước hồ nên đồng bằng thiếu nước phải “năn nỉ” trả lại nước. Chính phủ phải lệnh thì thủy điện mới chịu xả nước để cứu lúa. Còn đến mùa lũ, nước tràn hồ, ưu tiên số một là phải bảo đảm an toàn cho đập, bởi nếu vỡ đập thì tai họa khôn lường. Do đó, dù mùa nắng hay mưa, đối tượng phải gánh chịu thiệt hại do thủy điện vẫn là người dân vùng hạ lưu.
"Một điều oan trái cho các địa phương có nhiều thủy điện là mùa nắng thiếu điện kinh niên, thì nhà ngay dưới chân trụ điện vẫn bị cắt như thường, còn mùa mưa lại ưu tiên hứng lũ", một chuyên gia về môi trường ở Phú Yên nhận xét.