Hàng loạt vấn đề về “sức khỏe” nền kinh tế, lãng phí đầu tư công, ô nhiễm môi trường và năng lực đội ngũ cán bộ, công chức đã được các đại biểu (ĐB) thẳng thắn nêu lên.
Tái cơ cấu còn hình thức
Hầu hết các ý kiến đều đồng tình cho rằng, việc tái cơ cấu nền kinh tế qua 5 năm thực hiện đã có những đóng góp tích cực, giúp kinh tế Việt Nam vượt qua được giai đoạn khó khăn đứng trên bờ vực suy thoái. Việc chọn 3 khâu đột phá là đầu tư công, DN Nhà nước (DNNN) và các tổ chức tín dụng để tái cơ cấu có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là tiền đề cho việc tiếp tục thực hiện những bước tiếp theo của quá trình tái cơ cấu.
Tuy nhiên, theo ĐB Phùng Văn Hùng (đoàn Cao Bằng), mặc dù vậy, tái cơ cấu vẫn chưa đạt được những mục tiêu đề ra, còn nhiều yếu kém, hạn chế. ĐB đã chỉ ra nguyên nhân đầu tiên là chưa tạo được nhận thức đầy đủ từ T.Ư xuống địa phương về tầm quan trọng của tái cơ cấu nền kinh tế. Điều này thể hiện ở việc dù nhiều bộ, ngành và địa phương có xây dựng đề án tái cơ cấu nhưng còn mang nặng tính hình thức, triển khai rất chậm, đặc biệt là ở địa phương.
Đánh giá cao kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, tuy nhiên, ĐB Lê Quân (đoàn Hà Nội) cho rằng, kế hoạch chưa phân tích đầy đủ về những tác động tái cơ cấu kinh tế đối với chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu thu nhập, rộng hơn là đời sống của người dân. Trong khi đời sống và hạnh phúc của người dân mới là mục tiêu cao nhất của tái cơ cấu kinh tế. Kế hoạch cũng chưa thấy đề cập đủ và đúng mức quan điểm về phát triển nhân lực, đào tạo, bố trí sắp xếp công ăn việc làm, quan điểm phát triển thị trường lao động, tái cấu trúc khu vực đào tạo, đào tạo nghề và các chính sách xã hội hóa trong các lĩnh vực này. “Trong bối cảnh cả DN tư nhân và DNNN nếu vẫn chạy theo đầu cơ ngắn hạn như thời gian qua thì sẽ không có chuyển dịch cơ cấu về mặt thực chất. Kịch bản của Chính phủ đưa ra khi lựa chọn phương án tái cơ cấu cơ bản, quyết liệt ở một số khâu và cần phải chỉ rõ hơn các khâu quan trọng để giúp giải phóng nguồn lực trong dân" - ĐB kiến nghị
Lãng phí đầu tư công
Tham gia thảo luận, ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) đã thẳng thắn bày tỏ sự chưa hài lòng về những dự án lớn do tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thực hiện chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, làm thất thoát vốn Nhà nước. Đơn cử như Dự án Gang thép Thái Nguyên đội vốn từ 3.843 tỷ đồng lên 8.104 tỷ đồng. Thời gian thi công từ 30 tháng lên 9 năm, đến nay vẫn chưa xong. Hiện chưa thấy chỉ ra "ai phải chịu trách nhiệm" và còn nhiều dự án khác nữa chưa được nêu ra.
ĐB cho rằng, nhiều sai lầm, khuyết điểm được trình bày như điều đương nhiên, nghe rất quen thuộc như “nhà thầu hạn chế năng lực, giá và thị trường diễn biến không thuận lợi, xa vùng nguyên liệu, chất lượng sản phẩm không ổn định”... Do đó, phải có cơ chế giám sát chặt quá trình triển khai dự án, thi công nghiệm thu để kịp thời chấn chỉnh, ứng phó các vấn đề phát sinh. Nếu cần, mạnh dạn "trảm tướng" hay là "thay tướng" - ĐB góp ý. Đồng thời cho rằng, vốn đầu tư công muốn hiệu quả phải triệt để chống tham nhũng, kiên quyết nói không với những dự án có mùi lợi ích nhóm.
Bàn về nội dung này, ĐB Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) nêu câu hỏi: "Chúng ta có Luật Đầu tư công, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, nhưng vì sao còn tồn tại thực trạng này? Trách nhiệm của những người có trách nhiệm ra sao? Đề nghị Chính phủ công khai địa chỉ vi phạm, không nêu chung chung và xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân".
Báo cáo Chính phủ nêu số lượng DN được cổ phần hóa lớn nhưng tỷ lệ vốn bán ra đạt thấp. Đây là biểu hiện cụ thể của việc có tiêu cực, có thất thoát tài sản của Nhà nước trong quá trình cổ phần hóa DN Nhà nước. Người dân đồng tình, ủng hộ khi Thủ tướng khẳng định Chính phủ tiết kiệm từng đồng thuế của dân, vậy rất nhiều tỷ đồng thất thoát trong quá trình cổ phần hóa được xem xét giải quyết như thế nào? ĐB đề nghị Chính phủ thanh tra làm rõ để xử lý vi phạm, thu hồi lại tiền của dân bị thất thoát...
Cán bộ vi phạm cả năm không xử lý được
Bày tỏ bức xúc về tình trạng nhũng nhiễu hiện nay, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) phát biểu: "Nhiều DN nhỏ có nói với tôi: Chính quyền địa phương, kể cả các cơ quan chức năng đóng trên địa bàn việc gì không biết chứ có bao nhiêu DN sản xuất gì trên địa bàn họ biết hết. Thăm hỏi thường xuyên. Thăm hỏi không phải để kiểm tra hay chấn chỉnh vấn đề gì, mà để xin kinh phí hỗ trợ. Trước kia chỉ “xin” vào dịp Tết Nguyên đán, nay dịp gì cũng xin, lễ cũng xin, nghỉ hè cũng xin, tổ chức hội nghị cũng xin. Nếu không cho thì chuốc lấy phiền toái”.
Ông Cương còn cho rằng, dù cho bộ máy Nhà nước tự thân không tạo ra bức xúc cho xã hội, nhưng bộ máy đó lại được tạo bởi các công chức và viên chức. "Cứ xảy ra rồi chính quyền mới lập cập đến tuyên bố sẽ rà soát xử lý các cơ sở vi phạm. Lẽ ra điều đó phải làm lâu rồi chứ không phải chờ đến lúc xảy ra rồi mới đến. Trong lúc công chức đông, tinh giản biên chế dậm chân tại chỗ, số lượng công việc nhiều. Việc công không được giải quyết thì cán bộ công chức làm gì?" - ĐB Cương đặt vấn đề.
Liên quan đến nội dung này, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) cho rằng: Lãnh đạo cấp trên từ tỉnh đến các thành viên Chính phủ đã chuyển động rất mạnh mẽ, quyết liệt nhưng bộ máy thực thi công vụ chuyển động chậm chạp, kỷ luật kỷ cương hành chính chưa nghiêm. Theo ĐB, phải ban hành quy chế xử lý kỷ luật ngắn gọn, thông thoáng, nghiêm minh, chấm dứt ngay tình trạng cán bộ vi phạm cả năm không xử lý được. Đi kèm với quy chế, là phải áp dụng chế tài, mạnh tay, kể cả đuổi việc một số trường hợp để răn đe, giáo dục làm gương cho mọi người.
Đồng tình quan điểm trên, ĐB Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) nêu ý kiến: “Cần cải cách chế độ tiền lương, xây dựng cơ chế kiểm tra, kiểm soát, giám sát cán bộ, công chức… để những kẻ bất tài vô hạnh không thể, không muốn và không dám chạy chức, chạy quyền, không dám tham nhũng". ĐB cho rằng phải tạo lập môi trường bình đẳng, minh bạch để thi tuyển, lựa chọn cán bộ, công chức, tìm ra người có năng lực phẩm chất thực sự; lựa chọn hiền tài phải thực tâm, chí thành.