Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Hàng mi" sắt của Hà Nội đầu thế kỷ XX

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sinh năm 1970, vị giảng viên Đại học Mỹ thuật tự nhận mình thuộc thế hệ cuối được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Hà Nội trước khi nó bị nhấn chìm trong làn sóng thương mại hóa toàn cầu.

Tác giả Trần Hậu Yên Thế ngợi ca vẻ đẹp của những món đồ sắt thép trang trí công trình kiến trúc Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX.

Hà Nội - chốn "rong chơi" của một chuyên gia kinh tế Uruguay

Cuốn sách "Song xưa phố cũ" là công trình nghiên cứu của Trần Hậu Yên Thế về những chấn song, hoa sắt trên tường rào, ban công, cửa ra vào, cửa sổ, ô gió...

Sinh năm 1970, vị giảng viên Đại học Mỹ thuật tự nhận mình thuộc thế hệ cuối được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Hà Nội trước khi nó bị nhấn chìm trong làn sóng thương mại hóa toàn cầu. Chứng kiến những công trình đẹp bị đập phá, những tấm biển quảng cáo khổ lớn tràn lan, che khuất vẻ đẹp kiến trúc như một thứ bệnh dịch, vị giảng viên đã tìm tòi, sưu tầm tư liệu, nghiên cứu trong suốt 15 năm. 
Sách "Song xưa phố cũ".
Sách "Song xưa phố cũ".
Anh tìm hiểu từ những công trình kiến trúc lớn của Hà Nội trong giai đoạn 1920-1945 ngày nay vẫn còn như Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Nhà hát Lớn Hà Nội, Đại học Tổng hợp... Các ngôi nhà của thị dân, của trí thức, quan lại cũng được Trần Hậu Yên Thế nghiên cứu. 

Tác giả đưa ra nhiều ảnh, hình vẽ về các song sắt đẹp của Hà Nội. 365 hình vẽ của Trần Hậu Yên Thế là những nghiên cứu công phu về phong cách kiến trúc và vẻ đẹp của sắt mỹ nghệ. Với mỗi ban công, cánh cửa… tác giả thường "scan" lại hình dáng, phân tích cấu trúc, chỉ ra nét cuốn hút của chúng. 
Sách gồm những hình ảnh, hình vẽ, phân tích và kiến thức về sắt mỹ nghệ trong các công trình kiến trúc Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX.
Sách gồm những hình ảnh, hình vẽ, phân tích và kiến thức về sắt mỹ nghệ trong các công trình kiến trúc Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX.
Không chỉ là tác phẩm thuần về mỹ thuật, kiến trúc, Song xưa phố cũ còn chứa đựng một lượng kiến thức về lịch sử, văn hóa. Trong khi tìm hiểu cửa sắt, ban công và trang trí kiến trúc sắt rèn, gò, tác phẩm thể hiện những mong muốn, kiến thức văn hóa và phong cách của gia chủ. Những cánh cổng, cánh cửa vừa trang hoàng cho ngôi nhà, vừa nói lên mong muốn sống của chủ nhân theo mô tuýp phương Đông hay phương Tây. Lồng ghép vào sự tìm hiểu, phân tích, tác giả đưa ra khối lượng lớn về nghề rèn sắt của thế giới, ở phương Tây; đặc biệt là ở Hà Nội. 

Đọc Song xưa phố cũ, có thể phần nào hình dung ra được sử tỉ mỉ, kiên trì và tinh thần tìm hiểu khoa học của Trần Hậu Yên Thế. Đây là công trình nghiên cứu có tính hệ thống về di sản sắt mỹ nghệ trang trí kiến trúc Thủ đô. Để có được cái nhìn khách quan, người viết đã dành thời gian tìm hiểu sắt mỹ nghệ ở Nam Định, Huế và cả Paris. Trong vòng 15 năm, tác giả đã rong ruổi khắp các con phố, ngõ nhỏ của Hà Nội để tiến hành chụp ảnh, ghi chép, phân loại, tiến hành các bản đạc họa và phỏng vấn gia chủ. 

Anh chia sẻ: "15 năm nghiên cứu cũng là khoảng thời gian chạy đua với những biến đổi khốc liệt của đô thị. Nhưng cũng từ đó, tôi nhận thấy cách sống chậm đã tạo ra tinh thần hiểu biết và trân trọng hơn các giá trị xưa của thế hệ người Hà Nội trước đây".

Trước Song xưa phố cũ, Trần Hậu Yên Thế từng xuất bản những cuốn sách nghiên cứu về mỹ thuật, kiến trúc khác như: Dịch đồ - cách tiếp cận từ thị giác, Đồ án trang trí mỹ thuật ở đền vua Đinh - Lê.