Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hàng nào - giá đấy

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng một thời điểm, hai ngôi sao trẻ xuất sắc của bóng đá Việt Nam và Thái Lan là Công Phượng, Chanathip Songkrasin nhận được lời mời từ các đội bóng đến từ Nhật Bản.

Từ lời mời của các đối tác Nhật Bản, người ta thấy có những khác biệt rất lớn giữa Công Phượng và Chanathip. Âu đó cũng là điều tất yếu khi mà đang có một khoảng cách khá xa về trình độ giữa hai nền bóng đá.

Hai ngôi sao, hai ngã rẽ

Trong khi Công Phượng chỉ nhận được lời mời từ một đội bóng đang đá ở J-League 2 - tương đương với giải hạng Nhất tại Việt Nam, thì Chanathip Songkrasin được hai đại gia của J.League là Gamba Osaka và Sagan Tosu săn đón. Đáng nói, đội bóng của Công Phượng là Mito Hollyhock vốn đã vô danh lại đang đối diện với nguy cơ xuống hạng.
Chanathip Songkrasin (18) được hai đại gia của J.League là Gamba Osaka và Sagan Tosu săn đón.
Chanathip Songkrasin (18) được hai đại gia của J.League là Gamba Osaka và Sagan Tosu săn đón.
Sự khác biệt giữa hai ngôi sao trẻ còn đến ở việc, chế độ đãi ngộ mà các đội bóng Nhật dành cho họ quá khác xa nhau. Trong khi phí chuyển nhượng của Công Phượng chỉ 2 tỷ đồng, thì với Chanathip là gần 20 tỷ đồng.

Nhiều người cảm thấy buồn khi Công Phượng không được săn đón bằng Chanathip. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, lời mời từ Nhật đơn thuần là mang tính thương mại chứ chưa hẳn phục vụ cho chuyên môn của đội bóng. Nó cũng giống như việc Công Vinh sang Nhật vài năm trước để quảng cáo cho một thương hiệu bia đang muốn vào thị trường Việt Nam chứ không phải là sự bổ sung về lực lượng.

Thực tế phải thế

Có thời, bầu Đức bày tỏ niềm tin rằng vài cầu thủ của ông sẽ vươn đến tầm của những ngôi sao cấp châu lục. Họ sẽ có giá vài triệu đô và chỉ cần bán một, hai cầu thủ, HAGL sẽ có lãi. Vì thế, bầu Đức và bản thân các ngôi sao HAGL không muốn cộng tác với các đội bóng Nhật Bản mà muốn hướng đến những giải đấu cao cấp hơn. Thế nhưng, khi mà không có những lời mời hấp dẫn, họ buộc phải thay đổi và thậm chí là hài lòng với lời mời của đội bóng cận kề với nguy cơ xuống hạng.

Việc các cầu thủ Việt Nam nói chung và HAGL nói riêng chưa nhận được lời mời từ những thương hiệu lớn là thực tế. Nó cho thấy đẳng cấp của cầu thủ Việt Nam chưa đủ để thuyết phục các nhà tuyển trạch của các đội bóng hàng đầu. Các nhà quản lý của nền bóng đá không nên coi đó là nỗi thất vọng mà hãy chấp nhận để tìm ra cách để nâng tầm chất lượng cầu thủ Việt Nam.

Bóng đá Việt Nam luôn tự hào khi sở hữu những cầu thủ có tố chất kỹ thuật khéo léo. Nhưng, bóng đá hiện đại thì kỹ thuật thôi chưa đủ. Họ cần phải có thể lực, kinh nghiệm và tư duy chơi bóng hiện đại chứ không phải lối chơi đầy tính ngẫu hứng đến tự phát. Một khi các đội bóng, các cầu thủ không có được cái nhìn toàn diện về điểm mạnh, điểm yếu của mình, cánh cửa để bóng đá Việt Nam ra thế giới chẳng thể rộng mở. Vậy nên, ngay từ lúc này, công nghệ đào tạo cầu thủ của Việt Nam cần phải thay đổi. Các HLV cần được cập nhật kiến thức mới thay vì huấn luyện theo kiểu kinh nghiệm chủ nghĩa để rồi tạo ra những sản phẩm chẳng bao giờ hoàn hảo.