Mưa rất to từ ngày 12/10 đã khiến các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ ở Quảng Bình bị chia cắt, đến sáng 15/10, mưa đã giảm nhưng mực nước ngập tiếp tục dâng cao.
Quốc lộ 1A qua Quảng Bình bị ùn tắc ít nhất 9 vị trí, hàng nghìn xe nối đuôi nhau trên đường ở các điểm như: Cầu Ròn, Hưng Thủy, Cam Thủy, Lộc Ninh... Xe đường dài vào Quảng Bình đã được yêu cầu dừng chờ dọc quốc lộ tại các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh ở phía nam; Quảng Trạch, Ba Đồn ở phía bắc.Trong khi đó, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Quảng Bình đang ngập sâu trên 5 mét, dự kiến mất khoảng một tuần lễ mới có thể thông xe. Theo thống kê nhanh của nhà chức trách Quảng Trị, do ảnh hưởng của mưa lũ những ngày qua, đã có 5 người mất tích, 2 người chết, gần 20 tàu cá, sà lan trôi ra biển, 27.000 nhà bị ngập sâu.Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND Quảng Bình, chỉ đạo các ngành nỗ lực cao nhất đảm bảo an toàn cho nhân dân; cảnh sát biển, cảng vụ… tiếp tục cứu hộ, cứu nạn tàu cá, sà lan trôi.Ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở Giao thông Quảng Bình, yêu cầu đơn vị chức năng tập trung giúp đỡ tàu TN19 mắc kẹt ở ga Lệ Sơn với 132 hành khách, trong đó 96 khách quốc tế.Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình tổ chức lực lượng vận chuyển bằng đường sông lương thực và dầu chạy máy phát điện đến các vị trí cần ứng cứu.
Đường sắt Bắc - Nam bị tê liệt
Theo báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, trên phạm vi tỉnh Quảng Bình có mưa rất to, lũ trên sông Gianh lên nhanh gây sạt lở mái ta luy âm nền đường từ km456+000-km 456+090 (chiều sâu khoảng 12-18m). Khoảng cách từ mép điểm sụt đến mép ray ngoài cùng là 1,2m.
Ngay sau khi xảy ra sụt lở, để đảm bảo an toàn, Tổng công ty đã tiến hành phong tỏa khu gian Ngọc Lâm-Lạc Sơn 2 lần (lần 1 từ 17 giờ 25 phút đến 18 giờ 44 phút trả đường với tốc độ 5km/giờ; lần 2 từ 22 giờ 15 phút, tiếp tục phong tỏa khu gian Ngọc Lâm-Lạc Sơn và trả đường 5km/giờ vào 7 giờ 56 phút sáng nay ngày 14/10).
Tuy nhiên, đến chiều ngày 14/10, tại khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình tiếp tục xảy ra mưa lớn trên diện rộng và diễn biến phức tạp nên vùng sạt lở tiếp tục mở rộng, tính đến 19 giờ tối ngày 14/10, đã có 11 điểm sạt lở trong khu gian từ ga La Khê đến ga Ngọc Lâm.
Tại Ga La Khê, nước ngập trên mặt ray 10cm, đường ga số 1,3 phải phong tỏa; đường số 2 (chính tuyến) nước ngập 5cm phải dẫn đường với vận tốc 5km/giờ. Tại km396+625 đến km396+650, nước trôi đã nền đường dưới đáy tà vẹt phải phong tỏa lúc 16 giờ 45 phút...
Tại các ga Đồng Hới, Lệ Kỳ đã bị ngập hoàn toàn. Hiện, Tổng công ty Đường sắt đã tiến hành phong tỏa khu gian và dừng 10 đoàn tàu khách và 12 đoàn tàu hàng đang nằm dọc đường chờ thông tuyến.
Ngay sau khi có thông tin về đợt mưa lớn kéo dài, Tổng công ty đã chỉ đạo các đơn vị trong khu vực bị ảnh hưởng thường trực 24/24 giờ, sẵn sàng ứng phó với hậu quả do mưa lũ gây ra.
Đồng thời, các đơn vị trong khu vực đã điều động hàng trăm công nhân tham gia cứu chữa, khắc phục sự cố và theo dõi trực chốt tại các điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao.
Hiện, Tổng công ty Đường sắt đang tiếp tục bám sát diễn biến mưa lũ, chỉ đạo các đơn vị trong khu vực tập trung vật tư, nhân lực, phối hợp tổ chức vận chuyển vật tư, thiết bị và công tác cứu chữa đảm bảo thông tàu trong thời gian sớm nhất.