Hàng Việt chất lượng tốt, giá cạnh tranh không lý gì sử dụng hàng nhập khẩu cùng loại - đó là ý kiến của bà Lê Thị Kim Oanh - Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam TP Hà Nội.
Hàng nội vẫn gặp khóKhông phải đến bây giờ vấn đề ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của DN trong nước mới được nhắc đến mà ngay từ năm 2009, sau khi Bộ Chính trị đưa ra Kết luận 264 - TB/TW, ngày 31/7/2009 về tổ chức Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP Hà Nội đã định hướng, gợi ý các đơn vị sử dụng mua sắm trang thiết bị công mua và sử dụng các trang thiết bị do Việt Nam sản xuất. Ngoài ra, Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội đã định hướng để các DN trong quá trình sản xuất nên sử dụng nguồn nguyên vật liệu trong nước và của chính bản thân các DN Việt Nam để tạo ra các sản phẩm hàng hóa 100% là hàng Việt. Nhờ đó, trong những năm qua, tỷ lệ các cơ quan, đơn vị của Hà Nội sử dụng hàng Việt trong quá trình mua sắm thiết bị công được nâng lên đáng kể.Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm giầy Bitis tại Hội chợ hàng tiêu dùng Việt |
Tuy nhiên, đánh giá về hoạt động này, báo cáo của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" cũng thẳng thắn chỉ rõ, kết quả không như mong muốn. Nghị định 63/2014/CP của Chính phủ hướng dẫn thực thi Luật Đấu thầu quy định rõ cần có ưu tiên đối với sản phẩm sản xuất trong nước. Song, nhiều chủ đầu tư trong công tác đấu thầu có sự phân biệt đối xử với sản phẩm sản xuất trong nước, dù sản phẩm được đánh giá đạt chất lượng, khiến hàng hóa sản xuất trong nước gặp bất lợi. Nhiều loại hàng gần như bị loại ngay vòng sơ tuyển khi tham gia đấu thầu vào các công trình ngay cả khi công trình đó sử dụng vốn ngân sách.
Chủ động thay vì trông chờHàng Việt đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của hàng ngoại nhập cùng chủng loại, trong khi hiện nay, hầu như chưa có hàng rào kỹ thuật, nhất là các tiêu chuẩn liên quan đến bảo vệ sức khỏe người sử dụng. Ngoài ra, năng lực của các DN cung cấp hàng hóa trong nước mặc dù có chuyển biến, song vẫn còn nhiều hạn chế. Phản ánh của một số DN sử dụng nguyên liệu Việt trong quá trình sản xuất cho thấy, một số máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu sản xuất trong nước có chất lượng chưa bằng các sản phẩm cùng loại do nước ngoài sản xuất, nên dẫn đến chi phí sửa chữa, bảo trì, thay thế trong quá trình vận hành tăng cao.Theo bà Lê Thị Kim Oanh, điều đầu tiên đó là phải tăng cường quản lý Nhà nước về đấu thầu theo hướng ban hành quy định cụ thể, nêu rõ các cơ quan, đơn vị khi xây dựng kế hoạch đầu tư bằng vốn ngân sách phải ưu tiên sử dụng các mặt hàng, dịch vụ của DN trong nước. Với các dự án có nhà thầu quốc tế tham gia đấu thầu, thì những nhà đầu tư này phải có cam kết sử dụng các thiết bị mà Việt Nam sản xuất. Đồng thời Nhà nước phải có biện pháp quản lý chặt chẽ hàng nhập khẩu, đặc biệt là các hàng nhập khẩu có biểu hiện bán phá giá; Xử lý nghiêm các trường hợp làm hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến uy tín DN Việt. Đồng thời cần phải có quy định rõ ràng về tiêu chí, như thế nào mới được công nhận là hàng sản xuất trong nước. Và hàng hóa, dịch vụ đó phải đáp ứng những tiêu chuẩn gì mới được ưu tiên sử dụng trong các dự án sử dụng vốn ngân sách. Điều này xuất phát từ thực tế thời gian qua một số DN nước ngoài đang đầu tư sản xuất hàng hóa tại Việt Nam chẳng hạn tivi Sony, điện thoại Samsung… đã được dán nhãn “Made in Vietnam”.Mới đây, Thủ tướng đã có Chỉ thị số 13/CT-TTg về việc tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn ngân sách. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương đã cùng vào cuộc giúp tiêu thụ hàng Việt song những giải pháp này sẽ không thể mang lại hiệu quả như mong muốn nếu bản thân từng DN trong nước không tiếp tục hoàn thiện mình để đưa ra được thị trường những mặt hàng chất lượng, dịch vụ tốt, giá cả cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Đồng thời các DN sản xuất, dịch vụ và phân phối phải tăng cường liên kết nhằm tăng sức cạnh tranh, tự tin tham gia vào các dự án đấu thầu lớn.