Nhiều ý kiến cho rằng, Dự Luật còn nhiều quy định khiến việc quản lý hoạt động hội bị “hành chính hóa” song lại “bỏ ngỏ” vấn đề giám sám, phản biện xã hội của các hội, tổ chức xã hội.
Theo thống kê, ngoài 6 tổ chức chính trị xã hội (MTTQ Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên, Hội LHPN Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam) không thuộc đối tượng áp dụng của Dự án Luật về Hội, cả nước có hơn 52 nghìn hội, trong đó có 8.792 Hội có tính chất đặc thù được Nhà nước đảm bảo về nhân sự, kinh phí, cơ sở vật chất. Chỉ 10 năm trở lại đây, số lượng Hội tăng trung bình gấp 2 lần so với 30 năm trước. Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc, đây thực sự là “nguồn lực xã hội” cần được huy động có hiệu quả. Nhưng hoạt động của Hội cũng có những hạn chế như chưa phát huy đầy đủ chức năng, vai trò, bị “hành chính hóa”, hạn chế khả năng thu hút quần chúng. Chưa thực hiện nghiêm 3 nguyên tắc tổ chức hoạt động tự nguyện, tự trang trải và tự chịu trách nhiệm. Một con số được đưa ra là ước tính vào thời điểm cuối năm 2015 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, nếu tính đủ cả chi phí kinh tế - xã hội, chi phí toàn hệ thống của các tổ chức hội đoàn thể dao động 45.600 -68.100 tỷ đồng/năm (tương đương 1 - 1,7% GDP). Cùng với đó, các cơ chế pháp lý quy định việc tư vấn, phản biện, giám sát của các hội chậm được quy định nên hiệu quả trên các lĩnh vực này còn bị hạn chế. Đưa ra xu hướng phát triển của các tổ chức xã hội, GS.Nghiêm Vi Khải, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng cho rằng: Dù chưa có Luật về Hội nhưng các hội, các tổ chức phi chính phủ vẫn thành lập và hoạt động bình thường nhưng “không chính danh”. Do đó, nhiều nhà khoa học của Liên hiệp các Hội KH-KT Việt Nam kiến nghị phải sớm hoàn thiện Luật về Hội với việc làm rõ ràng ngay cả những khái niệm liên quan, để các tổ chức xã hội có thể chính danh hoạt động trong khung pháp lý. Đồng thời, một số ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật về Hội hiện còn có nhiều vấn đề cần giải quyết thấu đáo như quyền lập hội của Nhân dân bị hạn chế đáng kể với các quy định áp đặt mô hình tổ chức và hoạt động hội theo kiểu “một doanh nghiệp cổ phần”, gây ra khó khăn, rườm rà và làm mất động lực. Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo, TS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển (Liên hiệp các Hội KH-KT Việt Nam) nhận định: Dự thảo Luật về Hội đã được Chính phủ trình và Quốc hội Khóa XIII cho ý kiến lần đầu, nhìn vào quy định thủ tục xin thành lập Hội, các chuyên gia và các đại biểu Quốc hội đánh giá là thủ tục rườm rà, rất phức tạp, hạn chế quyền tự do lập hội của người dân. Theo quy định thủ tục xin thành lập Hội có mấy bước như nộp hồ sơ phải tương đối đầy đủ, trong đó có ban vận động thành lập Hội, có điều lệ Hội…. Giả sử hồ sơ được chấp nhận thì bước tiếp theo là phía bên xin thành lập Hội phải tổ chức đại hội thành lập Hội, bỏ phiếu bầu ra ban lãnh đạo… Rõ ràng ở đây nó có mấy vấn đề ảnh hưởng và hạn chế đến quyền lập Hội của người dân như xem xét hồ sơ xin thành lập Hội, giả sử cơ quan quản lý nhà nước mà không đồng ý, Dự Luật chỉ quy định một câu rất ngắn gọn là giải thích tại sao không đồng ý, không có quy định rõ ràng. Tiêu chí để cơ quan quản lý nhà nước xem xét chấp nhận hay không chấp nhận một hồ sơ xin thành lập hội không hề có…
Toàn cảnh hội thảo. |