Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hành lang kinh tế châu Á và nước cờ mới của Nhật – Ấn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN chuẩn bị ra mắt vào cuối năm 2015, việc xây dựng, mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng sẽ thúc đẩy kinh tế khu vực Đông Nam Á nói riêng, châu Á nói chung phát triển hơn nữa, Nhật Bản và Ấn Độ - hai nền kinh tế lớn trong khu vực đã lên kế hoạch để tận dụng lợi thế này.

Đề án "Hành lang kinh tế châu Á" với nội dung chính là xây dựng mạng lưới giao thông vận tải nối khu vực Nam Á với Đông Nam Á vừa được Chính phủ Ấn Độ đề xuất, dự kiến sẽ được Thủ tướng Nhật Bản và Ấn Độ thảo luận, nhất trí thúc đẩy nhân chuyến thăm của Thủ tướng Shinzo Abe tới Ấn Độ trong tháng này. Theo đề án, Hành lang kinh tế châu Á bao gồm Hành lang Đông - Tây nối các nước Ấn Độ, Bangladesh, Myanmar, Thái Lan và Hành lang Nam - Bắc nối khu vực miền Nam Ấn Độ với Nepal, Bhutan.

 
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh.	Ảnh: AFP
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh. Ảnh: AFP

Theo các chuyên gia, Hành lang kinh tế châu Á ra đời sẽ đóng vai trò chiến lược quan trọng liên kết các quốc gia trong khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, đặc biệt là phát triển thương mại, du lịch và dịch vụ xuyên quốc gia. Đây là cơ hội để Nhật Bản, Ấn Độ tiếp cận tốt hơn các nguồn tài nguyên khoáng sản, hải sản và năng lượng phục vụ cho các ngành sản xuất và chế biến; phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa cho các thành phố, thị trấn nhỏ dọc hành lang, phát triển thương mại xuyên biên giới, thu hút đầu tư tại chỗ, khu vực và thế giới; phát triển các hoạt động kinh tế mới qua đó hình thành các khu vực kinh tế xuyên quốc gia; tạo điều kiện cho luồng hàng hoá thâm nhập vào các thị trường đầy tiềm năng của các nước thuộc hành lang.

Những điểm cộng và các lợi thế trên đã lý giải phần nào sự "hứng thú" của Nhật Bản đối với đề án này. Hiện, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản đã tiến hành khảo sát điều tra việc nâng cấp các tuyến đường sắt, xây dựng hệ thống cầu, cảng,... và nhanh nhất thì ngay cuối tài khóa 2014, Chính phủ Nhật Bản sẽ cung cấp các khoản vay bằng đồng Yen để thực hiện. Trong khi đó, dự kiến công tác khảo sát điều tra đối với hệ thống cảng biển cũng sẽ sớm được tiến hành. Theo các nhà quan sát, trong bối cảnh kinh tế hai nước còn đang gặp nhiều khó khăn, Hành lang kinh tế châu Á là nước cờ mới của Nhật Bản và Ấn Độ trong cuộc chơi tại khu vực, vừa giúp Tokyo và New Delhi củng cố sức mạnh kinh tế, vừa nâng cao vị thế chính trị trên chính trường, thị trường khu vực.