KTĐT - Được thể hiện vai Bác Hồ là niềm ao ước của hầu hết các diễn viên. Trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, có những người đã thể hiện thành công như diễn viên Tiến Hợi, NSƯT Trần Lực...
Mới đây nhất, vai Bác Hồ thời niên thiếu đã được giao cho Nguyễn Minh Đức, sinh viên năm thứ 3 của trường Đại học Sân khấu và điện ảnh Hà Nội.
“Bén duyên” với điện ảnh
Nguyễn Minh Đức sinh ngày 19/8/1988. Quê gốc Hà Tây nhưng lớn lên tại thành phố Vinh. Những ngày còn bé Đức đã tham gia các hoạt động văn nghệ của trường, rồi của phường. Chính những hoạt động này đã làm cho Đức ngày càng yêu những khoảnh khắc được diễn và muốn gắn bó với nó, chính vì thế mà sau khi tốt nghiệp THPT, Đức đã chọn thi vào trường ĐH Sân khấu và điện ảnh Hà Nội.
Hầu như ai bước chân vào điện ảnh đều mong mình được nổi tiếng, nhưng quả thực để đạt được hai từ đó không dễ chút nào. Khi được hỏi có sợ không đủ tài và sức theo nghề, Đức tâm sự: “Em chỉ biết mình đã và đang cố gắng từng bước vào nghề, mong sao mọi lựa chọn cho bước đi của mình sẽ thành công mà thôi, cứ đi rồi sẽ đến”. Những năm đầu bước vào trường, Đức đã tham gia một số vai phụ và cả vai quần chúng, bởi Đức nghĩ những vai diễn này giúp mình có kinh nghiệm trên con đường nghệ thuật. Ở trường, Đức luôn cố gắng phấn đấu học thật tốt để không phụ lòng của bố mẹ, của thầy cô và nhất là với những ước mơ của chính bản thân mình. Đức cũng nhận thấy, là một diễn viên phải diễn được nhiều vai, lúc thế này, lúc thế khác nên đòi hỏi người diễn viên phải có sự từng trải, chính vì vậy mà Đức luôn quan sát những gì đang diễn ra để hiểu biết sâu sắc cuộc sống, để có những nguyên mẫu sẽ đưa vào các vai diễn của mình.
Đức đã tham gia một số bộ phim truyền hình như: “Bạo lực học đường”, “13 nữ tù”, “Nhà có nhiều cửa sổ”, “Lập trình cho trái tim”…Có vai chính và có vai phụ. Nhưng vai diễn để lại trong Đức nhiều kỉ niệm đó là vai cậu bé Tuấn trong phim “Bạo lực học đường”, đây là vai diễn chính đầu tiên của Đức. Tuấn là cậu bé bị lũ bạn xấu luôn bắt nạt và thậm chí còn bắt cống nộp tiền hàng ngày để lũ bạn đi chơi game. Cậu bé rất lo lắng khi tiền quà sáng ngày nào cũng phải nộp cho chúng mà không dám nói với ai vì sợ bị đánh. Trong một lần ăn trộm tiền của bố để nộp cho lũ bạn, Tuấn thì bị bố bắt quả tang, rồi Tuấn kể chuyện ấy với bố và sau đó người bố đã giúp cậu giải quyết vân đề này. Vai diễn đúng với lứa tuổi của Đức và bối cảnh xã hội hiện tại nên khi vào vai Đức không mấy gặp khó khăn.
Hạnh phúc khi được vào vai Bác Hồ
Cũng như nhiều bạn khác, khi biết có dự án phim nhựa “Nhìn ra biển cả” nói về thời niên thiếu của Bác Hồ, Đức phải đến casting và trải qua các vòng loại như chụp hình, thể hiện năng khiếu diễn trước ống kính. Đức đã may mắn khi lọt vào mắt xanh của hội đồng và được nhận vai thầy giáo Nguyễn Tất Thành. Đạo diễn Vũ Châu đã nhận xét: “Đức có ánh mắt trong sáng và rất trẻ trung, nhìn vào là thấy sức sống và sự tươi mới”.
“Nhìn ra biển cả” là phim nhựa dài 90 phút. Địa điểm quay chủ yếu ở Huế, Hội An, Đà Nẵng. Phim bắt đầu từ khi hai con trai Thành - Đạt của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc theo học tại trường Quốc học Huế. Nguyễn Tất Thành tham gia phiên dịch cho nông dân trong cuộc biểu tình chống sưu cao thuế nặng nên bị đuổi khỏi trường. Người được cha gửi vào Phan Thiết dạy học trong trường Dục Thanh. Nhìn ra biển cả khắc họa hình ảnhcủa Bác trong thời kỳ này.
Trước khi nhận vai thầy giáo Nguyễn Tất Thành, Đức rất may mắn được đọc một số cuốn sách viết về Bác thời niên thiếu. Từ bé Đức đã được nghe bà và bố mẹ kể về Bác Hồ - một tấm gương vĩ đại của cả dân tộc, người mà biết bao thế hệ thần tượng và muốn học tập theo lời Bác dạy. Trong quá trình làm phim, Đức được các cô chú trong đoàn phân tích rất nhiều về quá trình Bác dạy học ở Dục Thanh. Ngoài việc tìm kiếm các nguồn tài liệu để làm dày cho nhân vật. Trong phim này, do yêu cầu nên Đức đã phải học thêm tiếng Pháp từ anh Vũ Huy - họa sĩ thiết kế của đoàn, học thư pháp từ đạo diễn Vũ Châu và võ cổ truyền từ thầy Thích Minh Đức - người Huế.
Khó khăn nhất đối với Đức khi vào vai diễn này là phải hiểu được tâm trạng của Bác lúc bấy giờ, đó tâm trạng của người thanh niên yêu nước trong thời kỳ đất nước đang rơi vào tay quân xâm lược. Đức đã cố gắng đọc thật kĩ kịch bản rồi ngẫm đi ngẫm lại những đoạn thể hiện cảm xúc cao nhất. Trong phim có rất nhiều đoạn hay như cảnh Bác đi biểu tình, cảnh Bác dạy học ở Dục Thanh, cảnh Bác lên thuyền đi vào Sài Gòn… Tất cả những đoạn trên Đức đã dành rất nhiều cảm xúc khi thể hiện.
Một diễn viên trẻ lần đầu tiên đóng phim nhựa, lại vào một vai đã có rất nhiều “cây đa cây đề” từng thể hiện, Đức không coi đó là khó khăn mà luôn tìm ra cách thể hiện của riêng mình, để mang đến cho khán giả những cảm xúc về hình tượng Bác Hồ mới qua cách thể hiện rất riêng biệt.