KTĐT - Lúc ấy, chị mới 20 tuổi, đang là sinh viên năm thứ hai Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Còn anh đã 35 tuổi, kỹ sư xây dựng, vẻ ngoài phong trần và già dặn sau bao nhiêu năm bôn ba kiếm sống.
Sự chênh lệch tuổi tác không còn là rào cản để họ đến với nhau, gây dựng một mái ấm và tìm thấy hạnh phúc đích thực.
"Thú thực với anh chị, em lớn tuổi rồi mà vẫn chưa vợ con gì cả".
"Thế để tôi giới thiệu chú vài đám trong xóm. Thấy chú chịu khó làm ăn và biết lo nghĩ cho gia đình, tôi cũng thương".
Thấy bố mẹ nhiệt tình với chuyện lập gia đình của anh Nguyễn Hữu Huyền, chị Đoàn Khánh Hải cũng nhanh nhảu bảo: "Để cháu giới thiệu cho chú một chị cuối xóm, "cực" xinh mà lại giỏi nữa nhé!".
Tình yêu ngay trước mắt
Lúc ấy, chị mới 20 tuổi, đang là sinh viên năm thứ hai Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Còn anh đã 35 tuổi, kỹ sư xây dựng, vẻ ngoài phong trần và già dặn sau bao nhiêu năm bôn ba kiếm sống. Lần ấy, anh hỏi mua miếng đất của bà ngoại chị để xây nhà. Thế là họ biết nhau và anh trở nên thân thiết với gia đình chị.
Cả nhà chị rất quý anh bởi tính tự lập, một mình từ Hưng Yên lên làm ăn. Ai cũng ra sức tìm người "nâng khăn sửa túi cho anh", nhưng sau mấy tháng tìm vợ, anh vẫn chưa chọn được ai. Trong khi đó, anh và chị ngày càng gần gũi nhau hơn.
Một hôm, trong lúc ngồi uống nước cùng bố mẹ chị, anh nói: "Cháu chưa có gia đình nên xét về mặt xã hội, cháu phải gọi là cô chú mới đúng, suy ra em Hải phải gọi cháu là anh để cháu còn kiếm vợ nữa chứ".
Chị phì cười với cái lập luận chẳng ăn nhập vào đâu của anh. Mọi người thầm hiểu lý do anh chuyển đổi cách xưng hô bất ngờ như vậy. Kết quả là không tìm được vợ cho anh, chị tự nguyện lấy mình để "bù đắp".
Đám cưới diễn ra khi chị đang học năm thứ tư đại học. Bên cạnh chú rể lớn tuổi, trông chị thật bé nhỏ.
Tuy nhiên, gia đình chị không khỏi lo lắng: "Chênh lệch nhau hơn một con giáp, thật khó đồng cảm và sẻ chia mọi chuyện". Gia đình anh cũng nghi ngại không kém: "Con bé còn nhỏ quá, liệu có chu toàn nhiệm vụ làm vợ, làm mẹ hay không?". Chị cười thật tươi trấn an: "Bố mẹ yên tâm, mọi chuyện sẽ đâu vào đấy".
Thay đổi chồng "hai lúa"
Sau đám cưới, anh bắt tay vào công trình dở dang bên Lào, chị gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Tuần trăng mật đành gác lại. Những ngày đầu sống chung, chị Hải nói với chồng: "Em đến với anh không phải vì anh có nhà cả, sự nghiệp lớn mà chỉ đơn giản vì tình yêu. Dù em chưa thể làm ra tiền nhưng em sẽ chu toàn hết công việc trong gia đình. Do đó, cả hai chúng ta phải luôn có sự tôn trọng nhau, không ai có quyền lấn lướt người kia".
Anh Huyền gật đầu: "Tất nhiên rồi, vợ chồng phải bình đẳng mới sống với nhau lâu dài. Chúng ta cần xóa dần cách biệt tuổi tác, nghĩa là anh sẽ trẻ trung hơn, còn em sẽ phải chín chắn hơn một chút, em nhé!".
Chị Hải cười, nghĩ thầm: "Nói dễ, nhưng biết có làm được không?" và chị đã bất ngờ trước những điều anh làm cho gia đình.
"Từ trước đến nay, tôi chỉ biết anh chịu thương, chịu khó, một mình xây dựng cơ nghiệp. Khi tôi còn tung tăng, anh đã có sự nghiệp ổn định. Khi lấy nhau, chúng tôi đã có ngôi nhà nhỏ. Điều này ít bạn nam cùng tuổi với tôi có được", chị tâm sự.
"Không những thế, anh rất hòa đồng, gần gũi với người thân, bạn bè của tôi", chị tự hào nói. Anh luôn hào hứng tham gia những buổi gặp gỡ của gia đình, họ hàng bên chị. Bạn bè chị cũng trò chuyện rất thoải mái với anh, cứ như những người bạn cùng trang lứa. Điều này quả là hiếm thấy ở một người đàn ông 6X.
Chị Hải nhớ lại: "Những ngày đầu về sống chung, mình thường chê chồng "hai lúa" vì anh không lãng mạn cũng chẳng biết nói lời hoa mỹ. Anh thú nhận: "Anh chỉ biết nói những gì mình nghĩ".
Chị hơi thất vọng vì người chồng "khô như ngói". Nhưng bù lại, anh cố gắng thể hiện tình yêu với chị bằng hành động thực tế. Biết chị thích đi chơi, anh thường đưa chị đi khắp các ngõ phố Hà Nội, từ Hồ Gươm, Hồ Tây đến chợ đêm, quán cóc, ốc nóng...
Anh thường tìm mua những món ăn ngon cho chị. Thấy vợ mới bị cảm nhẹ, anh đã cuống lên đưa đi khám bệnh, mua thuốc. chị vừa ra trường, anh chạy đôn chạy đáo tìm việc. Nhờ có sự quen biết, chị nhanh chóng vào làm giáo viên trong một trường cấp 3 tại Hà Nội.
Anh không bao giờ tự quyết định những vấn đề của gia đình mà không có ý kiến của vợ, kể cả việc mua sắm vật dụng trong nhà. anh bảo: "Anh chọn về kỹ thuật, em chọn về mỹ thuật, phải bổ sung cho nhau mới có sự hoàn thiện chứ!".
Do tính còn trẻ con, đôi khi chịu làm những việc bốc đồng hay giận hờn vô cớ. Anh chỉ nửa đùa nửa thật: "Người lớn không chấp trẻ con".
Sau vài lần bị mắng "trẻ con", chị "lớn lên" thấy rõ. Chị dường như trưởng thành hơn trong cả hành động lẫn suy nghĩ, nhất là đối với những việc có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.
Việc sinh con của chị gặp nhiều khó khăn. Ba lần sẩy thai liên tiếp khiến chị vô cùng đau đớn. Những lúc ấy, anh luôn là người an ủi, sẻ chia cùng chị mặc dù bản thân anh cũng buồn không kém.
Rèn luyện vợ trẻ con
Chị nghĩ: "Tính cách của mình làm sao thay đổi được?". Tuy nhiên, từ ngày lấy chồng, chị đã thay đổi. Chị luôn học hỏi, rèn luyện nữ công gia chánh từ mẹ, chị chồng và những người phụ nữ lớn tuổi khác. Chị học từ cách muối cá, nấu canh cho đến những món phức tạp. Chị cho biết: "Bữa cơm ngon là bí quyết để giữ người đàn ông. Với những người lớn tuổi, yêu cầu của họ càng cao hơn".
Chị tự hào khoe: "Nhờ lấy chồng, từ một cô gái chỉ biết tung tăng như mình đã trở thành bà nội trợ "hơi bị được" đấy!".
Ngoài học làm bếp, chị còn học cách giữ và tiêu tiền. Chị chia sẻ: "Giữ tiền đã khó, tiêu tiền càng khó hơn. Người phụ nữ phải kiếm tiền dựa trên sức mình mới biết cách tiêu tiền hợp lý". Trước đây, chị tiêu tiền mạnh tay và không lo nghĩ nhiều.
Nhưng từ khi đi làm, chị biết xót của do chồng làm ra. Từ đó, chị luôn đắn đo, suy tính thật kỹ trước khi quyết định mua một món hàng nào đó. Anh ngày càng yên tâm khi giao cho vợ chức vụ "tay hòm chìa khóa".
Giống như bao cô gái 8X khác, chị Hải cũng thích nghe những lời có cánh, những hành động lãng mạn, thích được chiều chuộng, vui chơi cùng bạn bè...
Nhưng lấy anh, một người chồng của thế hệ khác, chị đã tự điều chỉnh những thói quen, sở thích. Chị tâm sự: "Ai cũng muốn thỏa mãn sở thích của mình nhưng cứ giữ những gì mình muốn, không quan tâm đến người khác, hôn nhân chắc chắn sẽ tan vỡ".
"Đừng cho là mình đang hy sinh", chị nói tiếp, "Đó là vì hạnh phúc của gia đình và chính bản thân".
Hạnh phúc nở hoa
Sau gần sáu năm cưới nhau, căn nhà của anh chị có thêm hai thiên thần nhỏ. Hai bé gái sinh đôi Huyền Châu và Huyền Nhi nay đã gần bảy tháng tuổi.
Anh phong tặng chị danh hiệu "hậu phương vững chắc" khi vẫn chu toàn việc gia đình những lúc chồng đi công tác. Tuy được sự giúp đỡ của mẹ nhưng chị vẫn tất bật luôn tay, từ việc trường đến việc nhà. Chị chỉ thật sự nghỉ ngơi từ mười giờ đêm, khi hai con gái đã yên giấc.
Chị cho biết: "Nhờ tình yêu chân thành và sự cảm thông lẫn nhau, chúng tôi có được hạnh phúc như hôm nay".
Chị nói thêm: "Cũng như bao phụ nữ Á Đông khác, tôi rất dễ cảm thông và chia sẻ với chồng. Chỉ cần bớt ích kỷ một chút, chồng có lớn hơn 20-25 tuổi cũng là chuyện nhỏ. Chăm sóc gia đình bằng cả tấm lòng là cách tốt nhất để hình tượng của mình luôn đẹp trong mắt chồng. Hơn nữa, cuộc sống vợ chồng cần nhất là phải luôn tôn trọng nhau".
Giờ đây, trong ngôi nhà 136 Khu tập thể vật tư thủy lợi, Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội, của chị Đoàn Khánh Hải và anh Nguyễn Hữu Huyền luôn tràn ngập tình yêu và tiếng cười.