Từ chỗ Ban tổ chức chỉ nhận được khoảng 1.000 bài viết khi mới phát động (năm 2012), đến nay sau 5 năm tổ chức lượng bài thi đã lên tới hàng trăm nghìn bài viết với sự tham gia của hơn 360 tổ chức và hàng nghìn cá nhân. Điều đáng ghi nhận là ngoài các chuyên gia, nhà quản lý về giao thông đô thị, cuộc thi đã thu hút ngày càng đông số học sinh, sinh viên và người lao động tham gia. Đây cũng chính là đối tượng hàng ngày, hàng giờ đang trực tiếp tham gia giao thông, và tác động tới ý thức văn hóa của người tham gia giao thông ở Thủ đô và mọi miền đất nước.
Chăm chút về chất lượng
Với 111.482 bài viết dự thi năm 2016, trong đó nhiều bài viết đã đề xuất, ý tưởng sát thực tế thể hiện sự tâm huyết khi dành nhiều thời gian nghiên cứu. Cùng với đó là chọn tư liệu, sách báo, tranh ảnh liên quan đến từng chi tiết trong ý tưởng, bảo đảm chắc chắn, minh họa phù hợp cho bài viết thêm sinh động. Chất lượng bài viết năm nay vì thế tăng rõ rệt so với các năm trước, đa dạng, phong phú với các đề tài mới, lạ được các tác giả chú trọng khai thác. Từ đó, nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý Nhà nước, DN vận tải và người dân về ý thức chấp hành pháp luật về đảm bảo trật tự, ATGT; tăng cường trật tự, văn minh đô thị. Nhiều ý tưởng về giao thông của người dân đã giúp cho công tác bảo đảm an toàn giao thông của các cơ quan chức năng có tính thực tế, hiệu quả hơn.
Trong số hơn 70 bài viết chất lượng, được Ban tổ chức lựa chọn vào vòng chung khảo cuộc thi phải kể đến bài viết “Ba kịch bản phát triển xe buýt truyền thống”, tác giả TS Thạch Minh Quân khi đề xuất trong 10 năm tới cần có 3 kịch bản để duy trì và sử dụng hiệu quả mạng lưới xe buýt truyền thống, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, giảm ùn tắc. Phân chia định hướng phát triển xe buýt truyền thống thành 3 kịch bản với các mức ưu tiên: Thấp - vừa - cao. Đặc biệt quan tâm tới kịch bản “vừa”, phát triển xe buýt sẽ chú trọng đến sự song hành và kết hợp nhịp nhàng với các loại hình vận tải hành khách công cộng khác, đặc biệt là loại hình vận tải khối lượng lớn.
Về phía các chuyên gia quy hoạch kiến trúc, với bài viết “Linh hoạt xử lý bài toán giao thông đô thị” của Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các hội KH&KT Hà Nội Trần Danh Lợi đã đưa ra nhận định cần thiết có đường gom. Dòng giao thông trong đô thị Việt Nam là dòng hỗn hợp (ô tô, xe máy, xe đạp... nên mặt cắt ngang của đường phố cần thích nghi nhằm vẫn giữ được tốc độ các phương tiện không cản trở lẫn nhau, vì vậy cần có “đường gom”. Trước mắt, dùng cho đường xuyên tâm như Nguyễn Trãi, Hồ Tùng Mậu, QL32, Ngô Gia Tự... dần dần tới các trục đường có mặt ngang ≥15m như Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo... để tránh xung đột giữa các phương tiện.
Từ các giải pháp mang tính thiết thực, bản thân các tác giả đã bổ sung thêm nhiều quy định mới trong luật giao thông để vận dụng hiệu quả và đúng pháp luật. Đặc biệt, kiến thức được dung nạp từ cuộc thi là cơ sở, là điều kiện để người dân Thủ đô tham gia giao thông ý thức hơn. Có những bài được đầu tư công phu, phân tích, nghiên cứu sâu về vấn đề UTGT của Hà Nội từ thập niên 90 của thế kỷ trước. Đó chính là bài viết: “Tìm lời giải cho bài toán khó: Ùn tắc giao thông TP Hà Nội” của Ths.KSĐT Đinh Quốc Thái. Theo ông Đinh Quốc Thái, UTGT đang là vấn đề nóng được toàn thể xã hội quan tâm, người người, ngành ngành tham gia hiến kế với mục đích giúp TP sớm có được giải pháp khắc phục tình trạng này. Tuy nhiên, các giải pháp vẫn chỉ mang tính cục bộ hoặc là phiến diện hoặc là thiếu tính cốt lõi để giải quyết được bản chất của vấn đề UTGT. Để giải quyết được bài toán này cần phải hiểu được bản chất và nội hàm: quy hoạch, giáo dục và quản lý.
Sự “dịch chuyển” ý thức
Kết quả ấn tượng nhất sau 5 năm tổ chức của cuộc thi viết “Vì An toàn giao thông Thủ đô” là tinh thần dám nghĩ, dám đề xuất phương kế của các tác giả nhằm chung tay kiềm chế, đẩy lùi ùn tắc và TNGT. Kể từ ngày phát động, bên cạnh số lượng, chất lượng ấn tượng, Ban tổ chức còn ghi nhận hình thức dự thi vượt trội của các đề xuất, ý tưởng. Đáng chú ý là các bài dự thi dày gần 100 trang đầy tâm huyết của Phó Giám đốc – Chủ tịch Công đoàn nhà máy nước Tương Mai – Lê Thanh Hường; đĩa CD; Các bức tranh biếm hoạ sinh động về văn hóa giao thông đến từ các em khối Tiểu học, Trung học cơ sở… nổi bật bởi màu sắc sặc sỡ, đường nét hồn nhiên và ý tưởng phong phú, đã vẽ nên những ước mơ rất trong sáng và độc đáo của các em nhỏ về một phương tiện giao thông tương lai thân thiện và an toàn trong tương lai.
Các đại biểu xem tác phẩm dự Cuộc thi “Vì An toàn giao thông Thủ đô năm 2015”, tại lễ trao giải tháng 3/2016. Ảnh: Thanh Hải |
Hầu hết các bài thi đã thể hiện được những góc nhìn tinh tế và sâu sắc về giao thông Thủ đô, những mong muốn thay đổi văn hóa khi tham gia giao thông để xã hội tốt đẹp hơn. Điều này được thể hiện rõ khi các ý tưởng chủ yếu tập trung vào nhóm chủ đề nóng đang được xã hội quan tâm như: Phát triển giao thông công cộng; tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông; những tấm gương đẹp, cách làm hay khi khắc phục các bất cập giao thông; góc nhìn giao thông đô thị từ các chuyên gia.
Trong số đó, phải kể đến những phát kiến mới lạ đến từ những “công dân nhí” truyền cảm hứng và động lực để các bậc phụ huynh thay đổi “ý thức tham giao thông người lớn”. Sau cuộc thi, không ít tập thể, cá nhân nhỏ tuổi có sự biến chuyển về ý thức, thấm nhuần thông điệp “Tính mạng con người là trên hết”. Sự tái hiện chân thực hình ảnh người bố mất con gái vì tai nạn thương tâm qua “Bức thư cha gửi con gái bị TNGT” của em Trần An Duyên – học sinh lớp 7D Trường THCS Thái Thịnh đã chạm đến trái tim của hàng nghìn độc giả. TNGT dù có đi qua nhưng nỗi đau luôn đè nặng người ở lại, không chỉ gia đình, người thân của họ chịu mất mát, thiệt thòi mà cả xã hội cũng đau cùng nỗi đau chung. Đằng sau mỗi vụ TNGT là cảnh ngộ thương tâm của gia đình không gì xóa tan và bù đắp được… Bằng những dòng cảm xúc lắng đọng, bức thư đã chỉ ra sự ám ảnh, dằn vặt về tinh thần khi phải hứng chịu nỗi đau từ TNGT. Trong tận cùng sự đớn đau, nhiều người lớn bỗng giật mình khi nhớ lại các hành động “nhanh một phút” của mình. Để từ đó, tham gia giao thông có ý thức vì tính mạng của mình và của người khác.
Ở góc nhìn khác, em Lê Nguyễn Diệu Anh đến từ trường THCS Đa Tốn lại nhấn mạnh giáo dục văn hóa giao thông là quan trọng nhất. Giáo dục phải ngay từ mầm non, ATGT cần được đưa vào dạy sâu rộng hơn nữa ở các trường học. Thay vì nói đó là luật pháp bắt buộc phải thực hiện, cần giáo dục thế hệ trẻ phải thật tự nhiên, “Giáo dục mà như không giáo dục”; phân tích rõ hậu quả của TNGT và khơi gợi trong các em trách nhiệm của công dân tương lai. Lúc này, các mầm non của đất nước sẽ tự ý thức được mình nên làm gì. Bởi, nói cho cùng họ là những chủ nhân quan trọng để xây dựng một xã hội giao thông an toàn.
Tiếp tục khơi dậy sức sáng tạo
Cuộc thi viết “Vì An toàn giao thông Thủ đô 2016" đã khép lại những sáng kiến, phương kế hữu ích từ cuộc thi vẫn được tiếp thu để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi VHGT đến với mọi người dân. Cuộc thi đã trở thành một giải báo chí thường niên ý nghĩa và hiệu quả trong việc khơi gợi và phát huy khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân khi chung tay xây dựng văn hóa giao thông Thủ đô. Cuộc thi với định hướng tốt, những giải pháp có chiều sâu đã hỗ trợ đắc lực cho các cơ quan chức năng trong công tác đảm bảo ATGT Thủ đô văn minh, an toàn hơn.
Nhiều bài thi đạt chất lượng tốt được bổ sung vào nguồn tài liệu tuyên truyền, phổ biến ATGT; phát huy nhân tố con người từ những cá nhân đoạt giải cao trong cuộc thi, trở thành những người tuyên truyền viên, làm lan tỏa nội dung, ý nghĩa của VHGT đến những người xung quanh. Không chỉ dừng lại ở đó, cuộc thi năm nay còn ghi nhận nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ phía các cơ quan, ban, ngành chức năng. Thậm chí, nhiều vấn đề giao thông được phản ánh trong bài viết tham gia cuộc thi đã ngay lập tức được giải quyết khắc phục. Trên nền tảng mà cuộc thi Viết về an toàn giao thông Thủ đô tích luỹ được sau 5 năm tổ chức, UBND TP Hà Nội đã tin tưởng giao cho báo Kinh tế & Đô thị tiếp tục chủ trì cuộc thi viết “Vì An toàn giao thông thủ đô năm 2017”. Với mục đích như cầu nối quen thuộc để độc giả đề xuất các phương kế hữu ích cho giao thông Thủ đô. Đồng thời, qua đó lan tỏa tinh thần sống có trách nhiệm và chủ động vì một nền giao thông an toàn cho cộng đồng. Cuộc thi năm nay, như thế, kết thúc mà thực chất đã mở ra những lời giải, phương hướng mới cho bài toán giao thông Thủ đô.
Cuộc thi đã đi đúng vào trọng tâm vấn đề nhức nhối nhất hiện nay của Hà Nội và cả nước, đó là vấn nạn tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Đối tượng dự thi phần nhiều là học sinh, sinh viên trên địa bàn Thủ đô, đây là kết quả đáng mừng cho thành công của kênh tuyên truyền văn hóa giao thông đến với các tầng lớp trẻ. Bởi không ai khác, chính họ là chủ nhân tương lai của đất nước, đảm bảo trật tự ATGT về lâu dài. Ông Phạm Thanh Học Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Thành ủy - Phó Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi Những bài viết được chọn vào vòng Chung khảo đều mang tính khả thi và ứng dụng thực tiễn cao. Có những ý tưởng được cụ thể hóa qua việc tham khảo từ thực tế từ các nước tiên tiến trên thế giới. Có nhiều bài viết lại kèm bản vẽ và sơ đồ minh họa công phu, thể hiện sự đầu tư nghiên cứu nghiêm túc của các tác giả. Ông Ngô Mạnh Tuấn Phó Giám đốc Sở GTVT - Thành viên Ban Tổ chức Cuộc thi Cuộc thi viết “Vì an toàn giao thông Thủ đô” là một giải báo chí thường niên nhưng rất nhiều bài viết tham gia dự thi lại mang tính chuyên môn cao, có sự đầu tư nghiên cứu chuyên sâu. Chính vì lẽ đó, nên chọn lọc đăng tải các bài viết có chiều sâu về chất lượng trên các tạp chí chuyên ngành để có sự thẩm định và ứng dụng thực tế. Nhà báo Viêm Hoàng Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hà Nội - Thành viên Ban Chung khảo Cuộc thi CÁC TÁC GIẢ, TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “VÌ AN TOÀN GIAO THÔNG THỦ ĐÔ 2016” 1 Giải Đặc biệt: - "Tìm lời giải cho bài toán ùn tắc giao thông Hà Nội", tác giả Đinh Quốc Thái - Ban Quản lý Dự án - Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội 2 Giải Nhất: - "Ưu tiên phát triển giao thông công cộng”, tác giả Nguyễn Văn Dư - Chuyên gia tư vấn cao cấp dự án cải thiện giao thông công cộng Hà Nội - “Nhức nhối điểm nghẽn bán đảo Linh Đàm”, tác giả Ngọc Hải - báo Kinh tế & Đô thị 3 Giải Nhì: - “Ba kịch bản phát triển xe buýt truyền thống”, tác giả Tiến sĩ Thạch Minh Quân - Bộ môn Kinh tế vận tải và du lịch - Đại học Giao thông vận tải - “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh thiếu niên: Vấn đề cốt lõi để giảm thiểu tai nạn”, tác giả Trần Thị Lan - Giáo viên trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám - “Linh hoạt xử lý bài toán giao thông đô thị”, tác giả Trần Danh Lợi - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký - Liên hiệp các hội KH và KT Hà Nội 6 Giải Ba - “Xây dựng văn hóa giao thông nhờ tình yêu xe buýt”, tác giả Nguyễn Văn Công - Thôn Yên Phú - Xã Văn Phú - huyện Thường tín - Hà Nội - “Giải bài toán ùn tắc giao thông: Ưu tiên tối đa cho phương tiện công cộng”, tác giả Nguyễn Trọng Thông - Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách công cộng Hà Nội - “Bức thư cha gửi con gái bị tai nạn giao thông”, tác giả Trần An Duyên - Trường THCS Thái Thịnh, quận Đống Đa - “Từ tàu điện bờ Hồ đến xe buýt nhanh Kim Mã: Nghĩ về giao thông Hà Nội”, tác giả KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt - Loạt bài: “Những thói quen gây ùn tắc giao thông”, tác giả Đàm Quân - báo Kinh tế & Đô thị - “Chống ùn tắc giao thông tại Hà Nội: Cần một nhạc trưởng”, tác giả Công Tiến - báo điện tử VTC News 13 Giải Khuyến khích: - “Phương tiện xanh: Giải pháp kết nối giao thông đô thị”, tác giả Tiến Thành - báo Kinh tế & Đô thị - “8 năm vác tù và hàng tổng”, tác giả Vũ Lê - báo Kinh tế & Đô thị - “Giải bài toán ùn tắc giao thông: Gắn kết quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch giao thông”, tác giả Vân Hằng - báo Kinh tế & Đô thị - “Ùn tắc giao thông Hà Nội: Đâu chỉ lỗi ở hạ tầng”, tác giả Đại úy Nguyễn Tuấn Cường - Đội phó CSGT số 2 - Phòng CSGT - CATP Hà Nội - “Để ai cũng đi xe buýt”, tác giả Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn - “Tôi không vượt đèn đỏ”, tác giả Lê Thanh Hường - Phó Giám đốc - Chủ tịch Công đoàn Nhà máy nước Tương Mai - “Tuyên truyền văn hóa giao thông cho thanh thiếu niên: Rất cần sự chung tay của các nghệ sĩ”, tác giả Đại úy Đinh Tiến Vũ - Đội phó đội CSGT số 3 - Phòng CSGT - CA TP Hà Nội - “Sức lay động của tuyên truyền viên nhí”, tác giả Nguyễn Văn Trọng - báo Kinh tế & Đô thị - “Đầu tư nâng cao chất lượng y tế, hệ thống sơ cứu: Giảm thiểu những đau thương”, tác giả Đặng Hồng Giang - Đội phó Đội CSGT số 5 - Phòng CSGT - CATP Hà Nội - “Loạt bài: Tăng tốc phát triển hệ thống giao thông công cộng”, tác giả nhà giáo Nguyễn Đức Thuần - quận Nam Từ Liêm - Hà Nội - “Biển báo đánh đố người tham gia giao thông”, tác giả Nhóm nguồn sáng - Học viện An ninh Nhân dân - “Nhật ký một con đường”, tác giả Ngô Thị Thanh - Trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động xã hội số II Hà Nội - “Đòi lại vỉa hè cho người đi bộ”, tác giả Hoàng Thanh Sơn - Chi đoàn 1 - Phòng PA69 - CA TP Hà Nội. 12 tập thể có đóng góp xuất sắc cho cuộc thi - Phòng Giáo dục quận Long Biên - Phòng Giáo dục huyện Gia Lâm - Phòng Giáo dục quận Đống Đa - Phòng Giáo dục huyện Mỹ Đức - Trường THPT Lý Thường Kiệt – Long Biên – Hà Nội - Trường THCS Tây Sơn – Hai Bà Trưng – Hà Nội - Trường THCS Minh Phú – Sóc Sơn – Hà Nội - Trường Tiểu học Kim Sơn – Gia Lâm – Hà Nội - Trường THCS Tả Thanh Oai – Thanh Trì – Hà Nội - Học viện An ninh Nhân dân - Phòng Cảnh sát Giao thông – Công an TP Hà Nội - Công đoàn Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội. Tặng thưởng 20 xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó của 4 trường - Trường Tiểu học Kim Sơn – Gia Lâm – Hà Nội - Trường THCS Minh Phú – Sóc Sơn – Hà Nội - Trường THCS Tả Thanh Oai – Thanh Trì – Hà Nội - Trưởng THCS Tô Hiệu – Thường Tín – Hà Nội. |