Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hành trình dài sau thảm họa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 5 năm kể từ sau thảm họa kép động đất, sóng thần, công cuộc tái thiết của Nhật Bản vẫn vô cùng gian nan.

Nhiều nơi trở thành “thị trấn ma” khi người dân vẫn chưa thể trở về cố hương do bức xạ hạt nhân vẫn còn quá cao.
Takayuki Ueno - người đã mất 2 đứa con trong thảm họa sóng thần -  trước ngôi nhà của mình bị phá hủy tại Minamisoma.
Takayuki Ueno - người đã mất 2 đứa con trong thảm họa sóng thần - trước ngôi nhà của mình bị phá hủy tại Minamisoma.
Ngày 11/3/2011, một trong những trận động đất mạnh nhất lịch sử nhân loại đã gây rung lắc khu vực phía Đông Bắc của Nhật Bản, kéo theo những cơn sóng thần cao hơn 10m. Thảm họa kép năm 2011 gây ra những hậu quả nặng nề: 19.000 người thiệt mạng và mất tích; khoảng 160.000 người mất nhà cửa và sự cố ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima...

Thị trấn Naraha ở gần Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. 5 năm sau thảm họa, chỉ 440 người trong tổng dân số 8.000 người dân thị trấn Naraha quay trở lại quê hương, nhiều ngôi nhà đã bị bỏ hoang hoàn toàn. Cụ ông Tokuo Hayakawa, 76 tuổi là một trong số ít người dân quay lại Naraha, kể từ khi thị trấn bắt đầu chào đón người dân trở lại cách đây 5 tháng. Ông Hayakawa cho biết, ông không thể trồng thực phẩm vì lo sợ những cánh đồng lúa vẫn bị nhiễm xạ. Những chiếc túi nilon chứa đầy đất nhiễm xạ nằm rải rác trên nhiều cánh đồng bỏ hoang.

Tại Naraha, trung tâm mua sắm chính của thị trấn chỉ có vỏn vẹn 2 nhà hàng, một siêu thị và một bưu điện. Các nhà hàng đều đóng cửa lúc 3 giờ chiều. Không có đứa trẻ nào ở công viên trung tâm Naraha. Hầu hết cư dân của Naraha đều là công nhân. Họ đang hỗ trợ việc đóng lò phản ứng của Nhà máy Daiichi, hay tham gia các dự án khử nhiễm xạ quanh thị trấn. Những người khác đang xây dựng một đập ngăn mới. Họ sống trong khu ký túc xá được chỉnh trang lại từ một sân golf cũ trước đây hoặc thuê nhà của các gia đình. Người dân nói rằng tương lai của Naraha giờ phụ thuộc vào thế hệ trẻ. Nhưng chỉ 12 người ở độ tuổi dưới 30 trở về thị trấn vì lo ngại vấn đề phóng xạ.

Sau 5 năm, vấn đề năng lượng hạt nhân vẫn là một vấn đề nhức nhối. Người dân Nhật Bản phản đối gay gắt chính sách năng lượng hạt nhân và tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân của chính phủ. Hậu quả khủng khiếp từ sau tai nạn từ Nhà máy Fukushima Daiichi vẫn chưa thể xóa mờ. Trong ngôi đền cổ 600 năm tuổi ở Naraha, thị trấn đầu tiên ở Fukushima mở cửa trở lại sau thảm họa động đất sóng thần năm 2011, cụ ông Hayakawa mặc chiếc áo choàng in dòng chữ "Nói không với năng lượng hạt nhân".

Mức độ bức xạ ở Naraha dao động trong khoảng 0,61 - 4,3 millisievert/năm. Trong khi đó, mục tiêu của Chính phủ Nhật Bản là 1 millisievert/năm. Trước khi thảm họa động đất sóng thần xảy ra, 50 lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân đáp ứng 30% nhu cầu năng lượng quốc gia. Nhưng giờ đây, chỉ 3 lò phản ứng khởi động lại sau thời gian dài ngưng hoạt động.

Còn ở TP Minamisoma, nơi cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi 25km về phía Nam, các trường mẫu giáo vẫn còn trống một nửa. Bất chấp những thách thức, những người dân nơi đây đã chứng kiến ​​sự đi lên của TP từ tuyệt vọng. "Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài để đi. Nhưng cuộc sống hôm nay là thiên đường so với các địa ngục của 5 năm trước" - ông Sakurai - Thị trưởng TP nói. Mặc dù lạc quan với quá trình tái thiết TP, nhưng ông cũng cáo buộc nhà điều hành của Nhà máy Fukushima - Tokyo Electric Power (Tepco) không chịu trách nhiệm cho những gì họ đã làm. "Thái độ của tôi đối với Tepco đã không thay đổi" - ông Sakurai quả quyết.