Hát từ gan ruột hát ra

Nguyễn Hùng Vĩ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong cơn rét căm căm tháng Chạp năm 2015, tôi cùng nhà văn Nguyễn Thế Tường tới nhà chị Nguyễn Thị Hải Lý, nơi thành viên Câu lạc bộ Nghệ nhân Hò khoan Lệ Thủy (Quảng Bình) tập hợp gần đủ để đón “khách Hà Nội”.

Lần đầu gặp mặt, giọng hò khoan mái ruổi của nghệ nhân Nguyễn Thị Hải Lý cất lên mà chúng tôi đã hiểu nhau. Cùng tuổi, cùng con nhà nông trên mảnh đất quanh năm đói kém, hết lụt lội rồi lại hạn hán, gió Lào rát bỏng, cùng đam mê cả đời những câu dân ca mọi vùng miền… Thế hệ chúng tôi nói với nhau bằng một ngôn ngữ khác nên chỉ cần cất lời là đã tri âm thiên định.
Tiếng hát vượt qua buồn tủi

Chỉ qua dăm câu nói và một câu hát của chị Lý, tôi đã phải thốt lên: “Bà Phức thứ hai đây rồi!”. Nhà văn Thế Tường ngồi cạnh hỏi: “Phức nào đó?”. Tôi trả lời: Là nghệ sĩ Quan họ Minh Phức, vợ Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Tự Lẫm và là mẹ Nghệ sĩ Nhân dân Vũ Tự Long. Hai chị đều có giọng hát thật đẹp, thật khéo và đặc biệt có nền tảng dân ca dày dặn cũng như cách nói chuyện kiệm lời mà rõ là rất trải nghề. Nghe ra biết ngay.
 Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ (bên phải) và Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hải Lý cùng các nghệ nhân CLB Hò khoan Lệ Thủy
Sau này khi đã trở nên thân quen, chị tâm sự nhiều về nghiệp hát mà chị coi như là một đạo sống. Chị ngần ngại, ít nói về mình nhưng lại say sưa kể về những người thầy đã dẫn dắt mình, về những nghệ nhân khác lớp dưới lớp trên, về người chồng là nhạc công đa năng đã đồng hành cùng chị suốt một đời, về các câu lạc bộ mà chị dựng lên dựng lại qua dằng dặc tháng năm.

Người thầy mà chị nhắc đến nhiều nhất là nhà giáo Hoàng Đình Luyện. Cụ thì tôi biết vì là bậc đồng môn Văn khoa Tổng hợp Hà Nội khóa đầu tiên, học cùng nhiều thầy của tôi. Vì một sự éo le mà thầy về quê, đem tài năng và tri thức của mình xây dựng phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” trên đất Quảng Bình.

Năm 1966, chị Lý tham gia đội văn nghệ măng non xã Thanh Thủy, nhà giáo Hoàng Đình Luyện, sau khi bắt ngâm thử một đoạn trong bài “Ba mươi năm đời ta có Đảng”, đã phát hiện ra chất giọng mượt mà và kiên quyết hướng chị sang hát hò khoan. Từ đó, chị theo thầy học hát, gặp nghệ nhân sưu tầm, hát phục vụ cuộc sống và chiến đấu, tham gia các đợt hội diễn huyện, tỉnh, quân khu IV và toàn quốc.

Suốt nửa thế kỷ theo nghề của chị, cũng không dễ dàng gì để theo đuổi nghệ thuật vì vất vả quá. Nhưng tấm gương vì nghệ thuật, vì cuộc sống của người thầy đáng kính đã giúp chị bền bỉ với nghiệp hát vì kho tàng hò khoan quê hương. Tấm bằng Nghệ nhân Ưu tú được Chủ tịch nước ký vào những ngày cuối năm 2015 là sự tri ân xứng đáng của Nhà nước với chị - người phụ nữ suốt một đời truân chuyên vì Hò khoan Lệ Thủy. Trong cuộc liên hoan nhận bằng vào cuối tháng 9 vừa rồi, giữa vòng vây của bè bạn xa gần, của nghệ nhân lớp trên lớp dưới, chị không giấu nổi niềm tự hào, hạnh phúc. Thế nên mới có người bạn đùa vui, trái gió trở trời nhìn chỉ cần nhìn tấm bằng công nhận nghệ nhân là khỏi! Mà thật. Chị kể, tiếng hát giúp chị vượt qua, không chỉ sự buồn tủi mà có khi cả bệnh hiểm nghèo.

Nói như hát, hát như sống

Theo thầy Hoàng Đình Luyện vẫn dạy, muốn hát tốt thì không chỉ cần tới chất giọng, luyện tập mà cần có sự am hiểu văn hóa và kỹ năng biểu diễn, phải học dân ca vùng miền khác để biết cái đặc sắc quê mình, phải biết một vài loại nhạc cụ. Vì thế chẳng ngạc nhiên khi chị Lý có thể hát ngọt không chỉ sáu mái hò khoan sở trường Lệ Thủy mà cả chèo, quan họ, cải lương, chầu văn, ca Huế, ví giặm, ngâm thơ, đọc phú… Rồi cả đàn tranh, đàn nguyệt, đàn bầu, đàn măng đô lin…, chị đều xài gọn gàng, đủ ngón.
 

Lời dạy của thầy Hoàng Đình Luyện mà chị tâm đắc là: Nói như hát, hát như sống, sống vì truyền thống hò khoan quê hương. Nghệ nhân đâu chỉ hát hay, biết một số bài để đi thi, đi diễn. Với chị Hò khoan không phải là nghề, quan trọng hơn, đó là đạo sống. Bởi thế mà chỉ cần vài lần gặp, ai cũng dễ dàng nhận thấy ngay ý thức tự nhiệm cực cao về việc sưu tầm, biểu diễn, truyền bá, phát triển dân ca của chị Lý. Không ai giao nhiệm vụ cả, không ai bắt chị phải làm, nhưng bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào học hỏi được, truyền dạy được là chị sẵn sàng. Chị đã cùng những nghệ nhân khác, cùng chồng con vận động lần lượt lập nên đến 5 câu lạc bộ và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ văn hóa văn nghệ của huyện, của tỉnh đạt kết quả xuất sắc. Khi phong trào lên, chị cũng là một nghệ nhân đầu tàu việc truyền dạy cho các cấp học từ mẫu giáo đến phổ thông, từ hội phụ lão đến hội người mù trong vùng.

Coi Hò khoan là đạo sống nên, ngày nối ngày, chị đặc biệt bền bỉ trau chuốt giọng hát của mình. Có những hôm ốm mệt, khi chúng tôi hỏi thăm thì câu đầu tiên đầy lo lắng của chị sẽ là: “Cái cổ của em nó hỏng mất anh ạ!”. Năm tới là đã 63 tuổi mụ, ấy mà lúc đi đứng, quét dọn, hay ru cháu…, chị cũng thầm thĩ luyện giọng, từng âm nền nã, từng cách nhả chữ tinh tế. Tiếp xúc với hò nước, hò cạn từ bé nên con cháu cũng theo anh chị mà đàn hát tạo nên một câu lạc bộ gia đình hiếm gặp. Nhà chị cũng thành hội quán cho những người “phải lòng” làn điệu chắc khỏe của Hò khoan Sáu mái đến sinh hoạt.

Đã tới cái tuổi được nghỉ ngơi, vui vầy con cháu, những người Nhà nước như chúng tôi còn có đồng lương hưu đủ sống qua ngày. Còn nghệ nhân dân gian như chị, nghiệp hát đa đoan đâu thể thảnh thơi về kinh tế được nhưng sự đam mê và ý thức tự nhiệm ấy chính là cách sống mà chị đã lựa chọn, đã đeo đuổi cả một đời. Thế nên mỗi lần có cơ duyên về lại Lệ Thủy, nơi làn điệu Hò khoan đang thưa vắng dần, tôi lại mừng vì vùng quê nghèo ấy còn có chị và những người như chị. Mỗi khi nghe chị lĩnh xướng, cất lên tiếng lòng từ ruột gan của một người cả đời vì văn hóa truyền thống dân gian, mọi nhọc nhằn, vui buồn của thế thái nhân tình đều được rửa trôi, chỉ còn lại nét đẹp hò khoan Lệ Thủy vang mãi cùng thời gian.
Lệ Thủy - Hà Nội 12/2016

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần