Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hát Xoan “trở mình” mạnh mẽ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Về Phú Thọ trong những ngày diễn ra Giỗ Tổ Hùng Vương, câu ca Xoan không chỉ văng vẳng khu trung tâm lễ hội mà còn rộn ràng khắp các thôn xóm, miếu, đình Việt Trì. Không gian Xoan sống lại trong từng buổi diễn.

Sức hút của Xoan

Cách đây 5 năm, vào dịp lễ hội, hát Xoan nép mình trong không gian thu nhỏ của Bảo tàng Hùng Vương. Khán giả hầu như không biết đến di sản hát Xoan. Những nghệ nhân móm mém vừa nhai trầu vừa hát, rồi ngậm ngùi: "5 năm nữa, chúng tôi khuất núi chắc chẳng còn ai hát Xoan!". Chắc chắn lúc đó, nghệ nhân Nguyễn Thị Ý, Nguyễn Thị Hải không ngờ 5 năm sau, Xoan lại có sự trỗi dậy mạnh mẽ như bây giờ. Đến TP Việt Trì (Phú Thọ) hỏi người nào cũng biết hát Xoan. Người có năng khiếu thì tham gia vào các câu lạc bộ (CLB) để biểu diễn; người học hát cho vui, để thêm hiểu khi xem trình diễn hát Xoan.
Biểu diễn hát Xoan trong lễ hội đền Hùng 2016. 	Ảnh: Văn Trọng
Biểu diễn hát Xoan trong lễ hội đền Hùng 2016. Ảnh: Văn Trọng
Bên tiếng nhạc xập xình của đủ loại âm thanh từ các trại văn hóa xung quanh, khu trại của TP Việt Trì vẫn thu hút số đông du khách đứng nghe các làn điệu Xoan. Nguyễn Thị Thứ - Chủ nhiệm CLB hát Xoan khu 5 phường Vân Phú, TP Việt Trì cho biết: “Khi đào Xoan nổi nhạc, điểm biểu diễn của trại văn hóa Việt Trì như có nguồn sinh lực hút người nghe. Chính nhờ niềm say mê nghe hát Xoan của du khách, nên các thành viên trong CLB Vân Phú càng hăng say biểu diễn”. Năm 2006, CLB Vân Phú chỉ có 17 thành viên, nhưng đến nay đã có 64 thành viên. Từ chỗ phải vận động người tham gia, hiện giờ mọi người tự nguyện tìm đến xin kết nạp. Từ bậc cao niên gần bát thập đến em nhỏ Xuân Tùng mới 6 tuổi, chưa thuộc mặt chữ nhưng đã thuộc từng lời Xoan. Thế mới thấy, Xoan không chỉ còn lưu giữ trong tâm trí người cao tuổi, mà còn thu hút những đào, kép còn đang là học sinh tiểu học.
Hát Xoan “trở mình” mạnh mẽ - Ảnh 1
Nhằm quảng bá di sản hát Xoan Phú Thọ và làm phong phú các hoạt động Lễ hội đền Hùng, các phường Xoan sẽ tham gia Lễ hội văn hóa dân gian đường phố và chương trình hát Xoan làng cổ gắn với các điểm du lịch di sản văn hóa tại đình Thét, xã Kim Đức và đình Hùng Lô, xã Hùng Lô (TP Việt Trì). Về đình Thét, thưởng thức những làn điệu Xoan cổ, đúng với không gian hát Cửa đình của Xoan, chúng tôi bắt gặp những gia đình 3 thế hệ, gồm mẹ (Nguyễn Thị Nhành, 78 tuổi), con gái, con dâu (Đỗ Thị Kim Phương 56 tuổi, Trần Thị Tính 52 tuổi) và cháu nội (Nguyễn Lan Phương, 5 tuổi) cùng tham gia biểu diễn hát Xoan trong phường Xoan Thét. Chính sự hăng say biểu diễn, cùng không gian mờ ảo của những làn khói nhang với ánh điện của đình Thét, màn giáo trống, giáo pháo rộn ràng của phường Xoan Phù Đức và phường Xoan Kim Đới, phường Xoan Thét mở đầu cho đêm diễn đã làm bừng sáng nhiều ánh mắt của người xem ở đủ các lứa tuổi, trong đó không ít là du khách nước ngoài.

Tín hiệu vui của di sản Việt

Trong khi rất nhiều di sản của Việt Nam đang chật vật trên con đường bảo tồn và mong muốn thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp, thì hát Xoan của tỉnh Phú Thọ, sau 4 năm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp đã chính thức thoát khỏi tình trạng báo động về bảo tồn. “Hồ sơ quốc gia hát Xoan Phú Thọ đệ trình xét ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã chính thức được hoàn thiện, gửi sang UNESCO từ cuối tháng 3/2016. Trong năm 2016, Ban Thư ký UNESCO sẽ xem xét bộ hồ sơ hát Xoan Phú Thọ và nếu thuận lợi sẽ chuyển hồ sơ này sang các Ban chuyên môn của UNESCO thẩm định, xem xét. Nhìn chung, Hồ sơ hát xoan Phú Thọ đệ trình UNESCO xét đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể được các chuyên gia, các thành viên của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đánh giá cao” - TS Lê Thị Minh Lý - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa cho biết.

PGS.TS Lê Văn Toàn - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, người đã từng chủ trì xây dựng Hồ sơ hát Xoan Phú Thọ đệ trình UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp cho rằng, việc xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO đưa hát Xoan Phú Thọ vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại không chỉ là bước kế thừa, phát triển công tác bảo tồn hát Xoan, mà còn là sự khẳng định mạnh mẽ công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Việt Nam nói chung trong những năm gần đây. Rất có thể, năm 2017, Việt Nam sẽ đón nhận tin vui từ UNESCO cho hồ sơ của di sản hát Xoan, cũng là tiền đề cho di sản ca trù thoát khỏi tình trạng chật vật trong công tác bảo tồn.