Hậu bầu cử Singapore: Thách thức từ thị trường lao động

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trái với những dự đoán về một cuộc bầu cử đầy khó khăn, đảng Nhân dân hành động (PAP) đã giành thắng lợi vang dội khi giành được 83 trong số 89 ghế Quốc hội. Tuy nhiên PAP sẽ phải đương đầu với rất nhiều thách thức trong nhiệm kỳ mới.

Thủ tướng Lý Hiển Long và các thành viên của đảng PAP ăn mừng chiến thắng.
Thủ tướng Lý Hiển Long và các thành viên của đảng PAP ăn mừng chiến thắng.
Phản ánh ý chí của người dân
Phát biểu trong một cuộc họp báo hôm nay, Thủ tướng Lý Hiển Long - Tổng thư ký của PAP khẳng định, kết quả của cuộc tổng tuyển cử đã “phản ánh ý chí của nhân dân”. Theo ông Lý Hiển Long, việc người dân của đảo quốc này trao quyền cho PAP cho thấy họ không muốn nhìn thấy sự chia rẽ trên chính trường nước này. Cách tiếp cận hợp lý hơn với các vấn đề nóng mà Singapore đang phải đối mặt như chi phí sinh hoạt tăng cao, tình trạng lao động nhập cư,… đã giúp PAP nhận được 69,86% số phiếu phổ thông, tăng gần 10% so với năm 2011.

Khẳng định kết quả bầu cử là bước tiến quan trọng trong tiến trình đổi mới sự lãnh đạo của PAP, Tổng thư ký đảng Lý Hiển Long cam kết chính phủ sẽ tiếp tục tiến lên phía trước, tập trung thực hiện toàn diện các biện pháp nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội, đặc biệt là cho người già và những người thiệt thòi; thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của công dân vào quá trình lập và thực hiện chính sách công. Ông cũng nói rằng cuộc bầu cử là một bước.

Ông Low Thia Khiang - Tổng thư ký của đảng Lao động (WP) đối lập, đảng giành được 6 ghế trong Quốc hội đã chúc mừng PAP về chiến thắng vang dội. Đồng thời bày tỏ hy vọng đảng cầm quyền trong nhiệm kỳ tới sẽ tăng cường xây dựng lòng tin giữa các công dân và các cơ quan công quyền vì điều này rất quan trọng với tương lai của Singapore.

Nhiều khó khăn, thách thức

Dù giành được chiến thắng ấn tượng và dễ dàng trước các đối thủ, khó khăn mà PAP gặp phải là không hề nhỏ, nhất là các vấn đề liên quan đến thị trường việc làm. Theo đó, chính sách lao động nhập cư và cơ hội việc làm cho người dân địa phương luôn là chủ đề nóng được tranh luận trong thời gian vận động bầu cử. Để đối phó với sự bất mãn của cử tri với kế hoạch tăng lượng lao động nhập cư, trong vài năm qua, chính phủ Singapore đã đưa ra những quy định chặt chẽ hơn về tiêu chí tuyển dụng, mức thuế thu nhập...

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nền kinh tế Singapore đang phụ thuộc nhiều hơn vào lao động nhập cư. Theo các chuyên gia của BMI Research - một bộ phận của nhà cung cấp dịch vụ thông tin tài chính Fitch Group, nhiều doanh nghiệp đang phải vật lộn với các tiêu chí tuyển dụng chặt chẽ hơn, chi phí nhiều hơn để chiêu mộ người lao động nước ngoài. Các ngành dịch vụ, du lịch cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi chính sách hạn chế thuê lao động nước ngoài.

Các chuyên gia BMI dự đoán tình trạng này khó được giải quyết trong các quý tới nhất là trong bối cảnh Singapore đang phải đối mặt với nguy cơ của một cuộc khủng hoảng lao động. Tỷ lệ lao động bản địa người Singapore tham gia lực lượng lao động đã tăng từ 66,1% từ giữa năm 2011 lên 67% vào giữa năm 2014, cao hơn nhiều con số 61% tại các nước có thu nhập cao. Sau cuộc bầu cử, PAP chắc chắn sẽ phải tiếp tục thắt chặt chính sách nhập cư để thực hiện cam kết với cử tri và điều này sẽ khiến mức lương trung bình trở nên cao hơn vì thiếu lao động.

Dù chính phủ Singapore hy vọng điều này sẽ góp phần tăng tiền lương cho lao động bản địa có thu nhập thấp nhưng những nhà phân tích hàng đầu của Capital Economics đã cảnh báo mức tăng tiền lương danh nghĩa có khả năng bị xói mòn vàn khiến tỷ lệ lạm phát gia tăng. Điều này sẽ gây khó khăn cho các nỗ lực để cải thiện tốc độ tăng trưởng – yếu tố quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Singapore.