Tuy nhiên, một lượng lớn thuốc BVTV cấm vẫn trôi nổi trên thị trường, nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ gây ra những hậu quả khôn lường. Vi phạm tràn lan Huyện Mê Linh có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn và đa dạng chủng loại cây trồng, với 5.100ha lúa, 260ha ngô, 900ha rau, 420ha hoa các loại. Để phục vụ nhu cầu chăm sóc cây trồng của nông dân, trên địa bàn xuất hiện ngày càng nhiều cửa hàng (CH) kinh doanh thuốc BVTV. Toàn huyện có 127 CH thuốc BVTV, nhưng số CH được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc BVTV chỉ mới đạt 56, chứng chỉ tập huấn chuyên môn: 103, giấy phép kinh doanh: 81. Mới đây, Trạm BVTV huyện phối hợp với Phòng Kinh tế, Công an huyện, Đội Quản lý thị trường số 32 đã tiến hành kiểm tra 57 CH buôn bán thuốc BVTV.
Qua đó, phát hiện và thu giữ 347 gói thuốc BVTV ngoài danh mục, hiện đang lưu giữ tại kho chờ tiêu hủy. Tại huyện Hoài Đức, tình trạng vi phạm kinh doanh thuốc BVTV đang có dấu hiệu gia tăng. Quá trình kiểm tra, các lực lượng chức năng của huyện phát hiện 1 trường hợp buôn bán thuốc BVTV cấm và 3 trường hợp buôn bán thuốc BVTV hết hạn sử dụng. Lực lượng liên ngành đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính hơn 56 triệu đồng, thu giữ 4,5 lít thuốc cấm. Đáng chú ý, chủ cửa hàng đã lách luật bằng cách để thuốc BVTV cấm vào két bạc (không còn sử dụng), sau đó để chồng các bao phân đạm lên trên két hòng qua mắt các lực lượng chức năng... Theo số liệu tổng hợp của Chi cục BVTV Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2016, Chi cục đã phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật đối với 232 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV. Kết quả, đã phát hiện 25 cơ sở vi phạm, nhắc nhở 19 cơ sở vi phạm nhỏ, vi phạm lần đầu và xử phạt hành chính 5 cơ sở với số tiền 43 triệu đồng. Nhiều thủ đoạn tinh vi Một trong những khó khăn mà lực lượng chức năng gặp phải trong khâu kiểm soát thuốc BVTV là các CH, đại lý buôn bán thuốc BVTV đã có những hành động che giấu hành vi kinh doanh thuốc BVTV cấm ngày một tinh vi hơn. Thực tế, trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện một số trường hợp cất giấu thuốc BVTV ngoài danh mục trong bình phun thuốc trừ sâu, trong tủ đựng quần áo (không còn sử dụng). Còn có trường hợp cố tình để thuốc BVTV ở trong bếp rồi xích chó phía ngoài nhằm gây khó dễ cho lực lượng kiểm tra. Trong khi đó, theo quy định thì lực lượng chức năng chỉ có quyền kiểm tra trong phạm vi cửa hàng và kho chứa thuốc BVTV. Vì vậy, đối với những trường hợp này, lực lượng chức năng chỉ có thể thu gom số lượng thuốc BVTV cấm chứ không thể xử phạt hành chính. Ông Bùi Mạnh Tiến - Trạm trưởng Trạm BVTV Mê Linh cho biết, quá trình giám sát việc sử dụng thuốc BVTV của bà con nông dân, cán bộ trồng trọt – BVTV các xã còn phát hiện một số chủ CH mang thuốc BVTV cấm bán cho nông dân ngay tại đồng, sau đó nông dân sẽ về cửa hàng trả tiền sau. Đáng buồn là đa số CH, đại lý buôn bán thuốc BVTV đang chạy theo lợi nhuận mà không quan tâm đến những hậu quả cho người sử dụng và hệ lụy tới môi trường. Không ít trường hợp còn kê đơn cho nông dân cả những loại thuốc không có trong danh mục được phép sử dụng. Ông Nguyễn Duy Hồng – Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội nhận định, tình hình giao lưu kinh tế, trao đổi hàng hóa giữa Hà Nội với các địa phương trong nước và nước ngoài đang rất phát triển. Song, điều này tất yếu sẽ phát sinh hoạt động nhập lậu thuốc BVTV, bao gồm cả mặt hàng thuốc BVTV cấm, ngoài danh mục. Hoạt động này đang diễn biến hết sức phức tạp và luôn có nguy cơ cao xâm nhập vào TP. Tuy nhiên, chính ý thức chấp hành kém của nông dân và hành vi cố tình vi phạm để trục lợi của người kinh doanh đã và đang tạo "đất sống" cho thuốc BVTV cấm. Điều này cũng đồng nghĩa với trách nhiệm của các lực lượng chức năng, đặc biệt là trách nhiệm của Chi cục BVTV Hà Nội sẽ càng nặng nề hơn.
Kiểm tra một cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn huyện Hoài Đức. Ảnh: Ánh Ngọc |