Sacombank được gì sau khi Southern Bank sáp nhập? Ngày 1/10/2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chính thức ra quyết định sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Theo tính toán, sau khi sáp nhập, Sacombank sẽ thuộc top 5 ngân hàng lớn nhất Việt Nam với tổng tài sản ước đạt 292.542 tỷ đồng cùng vốn chủ sở hữu đạt 24.506 tỷ đồng. Sacombank còn được NHNN chấp thuận đề nghị tăng vốn điều lệ từ 12.425 tỷ đồng lên 18.853 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngân hàng này còn có thêm các điểm giao dịch từ phía Southern Bank sau quá trình chuyển giao, qua đó khiến lượng nhân viên tăng lên tới 15.510 ở thời điểm sáp nhập.
Tính tới cuối tháng 6/2016, tức là 8 tháng từ khi chính thức sáp nhập hai ngân hàng, tổng tài sản của Sacombank đã tăng lên trên 312.374 tỷ đồng, so với đầu năm 2016 đã tăng tới 6,8%. Cùng với đó cho vay khách hàng và tiền gửi khách hàng đều tăng trên 7%, đạt lần lượt 199.145 tỷ và 279.991 tỷ đồng. Vào thời điểm sáp nhập, nhiều người kỳ vọng rằng Sacombank sẽ có cơ hội để phát triển tốt từ khoản cho vay khách hàng của phía Southern Bank chuyển giao. Thực tế hậu sáp nhập khối lượng tiền cho vay khách hàng ở Sacombank đã tăng đáng kể từ 144.122 tỷ ở quý 3/2015 lên thành 183.630 tỷ đồng ở quý 4/2015, thế nhưng khối lượng nợ xấu trong số đó cũng lên tới hàng nghìn tỷ. Điều này đã khiến cho tổng nợ xấu của Sacombank tăng vọt, kéo theo đó là các khoản trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng, dẫn tới lợi nhuận bết bát. Ôm nợ xấu Southern Bank, Sacombank loay hoay khắc phục Điều đầu tiên Sacombank phải đối mặt khi đồng ý cho Southern Bank sáp nhập đó chính là khoản nợ xấu nghìn tỷ của ngân hàng này. Vào thời điểm sáp nhập dù rất tự tin vào khả năng quản trị rủi ro sau sáp nhập của mình nhưng Sacombank vẫn không thể giải quyết được khoản nợ xấu quá lớn từ phía Southern Bank. Trước thời điểm sáp nhập tức là tổng kết quý 3/2015, nợ xấu Sacombank ghi nhận vào khoảng 2.346 tỷ đồng tương đương 1,61% trên tổng nợ cho vay, trong đó có khoảng 1.795 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn. Thế nhưng ngay khi sáp nhập, tổng kết quý 4/2015, nợ xấu Sacombank tăng lên tới hơn 3.449 tỷ đồng tương đương khoảng 1,86% trên tổng cơ cấu nợ, đáng chú ý trong đó có tới 3.071 tỷ đồng là nợ có khả năng mất vốn. Mới đây Sacombank đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2016, theo đó nợ xấu tính đến 30/6/2016 của Sacombank tăng mạnh so với cuối năm 2015, hiện tại nợ xấu của Sacombank ghi nhận 5.553 tỷ đồng tương đương 2,86% tổng cơ cấu nợ cho vay, trong đó có hơn 3.153 tỷ đồng là nợ có khả năng mất vốn. Có thể thấy, dù đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng nhưng việc phải ôm khối lượng nợ xấu quá lớn từ phía Southern Bank chuyển sang đã khiến cho Sacombank phải loay hoay khá lâu nhưng vẫn chưa thể ổn định tình hình. Cùng với việc nợ xấu tăng mạnh, Sacombank buộc phải mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro. Nếu như báo cáo tổng kết quý 3/2015 ghi nhận, Sacombank chỉ phải trích lập khoảng 306 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, thì tới cuối quý 4/2015, khoản trích lập này đã lên tới con số 1.129 tỷ đồng, tức tăng gần 4 lần so với quý 3/2015, và tăng gần 6 lần so với cùng kỳ 2014 (191 tỷ đồng). Quý 2/2016, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Sacombank tăng lên 681 tỷ đồng, tăng gần 2 lần so với cùng kỳ 2015 (366 tỷ đồng), tính trong 6 tháng đầu năm 2016, Sacombank đã phải trích lập tổng cộng 731 tỷ đồng dự phòng rủi ro tài chính. Chính việc phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng quá nhiều dẫn đến kết quả kinh doanh bết bát của Sacombank. Trước khi vụ sáp nhập diễn ra, kết quả kinh doanh của Sacombank luôn duy trì ở mức tốt, từ quý 1/2015 ghi nhận thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 1.940 tỷ đồng; quý 2/2015 đạt 1.854 tỷ đồng; cho tới quý 3/2015, thu nhập lãi thuần Sacombank đạt 1.908 tỷ đồng. Thế nhưng ngay sau khi Southern Bank sáp nhập, lập tức thu nhập lãi thuần của Sacombank giảm mạnh, trong quý 4/2015, chỉ ghi nhận 914 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận trước thuế qua các quý trước đó trong năm 2015 luôn duy trì mức dương trên 600 tỷ đồng, nhưng chỉ trong quý 4/2015, lợi nhuận trước thuế Sacombank đã tụt dốc xuống âm 671 tỷ đồng. Chính vì kết quả kinh doanh bết bát trong quý 4/2015, mà tổng lợi nhuận sau thuế cả năm 2015 của Sacombank chỉ đạt 1.469 tỷ đồng, giảm gần 1/2 so với năm 2014 là 2.826 tỷ đồng. Kéo theo đó là tổng lợi nhuận sau thuế năm 2015 chỉ đạt trên 1.146 tỷ đồng chỉ bằng 1/2 so với năm 2014. Mặc dù trong nửa năm 2016, Sacombank đã rất lỗ lực để khắc phục những rủi ro sau sáp nhập và kết quả kinh doanh đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại khi thu nhập lãi thuần của ngân hàng trong quý 2/2016 đạt 1.513 tỷ đồng, nhưng so với cùng kỳ năm trước thì vẫn kém 18%. Lợi nhuận trước và sau thuế ngân hàng cũng có tiến triển trong 2 quý đầu năm 2016, tổng lợi nhuận trước và sau thuế của Sacombank đã thoát khỏi mức âm. Ghi nhận tổng lợi nhuận trước thuế quý 1/2016 vào khoảng 199 tỷ đồng; quý 2/2016 là 164 tỷ đồng. Như vậy, tính trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 363 tỷ đồng, giảm tới 76% so với cùng kỳ năm 2015 (1.525 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2016 ước đạt 309 tỷ đồng, giảm 74 % so với cùng kỳ 2015 (1.180 tỷ đồng). Có thể thấy do khoản chi phí hoạt động tăng cao, cùng với đó là việc chưa giải quyết được nợ xấu từ phía Southern Bank để lại, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng quá lớn đã khiến cho lợi nhuận của Sacombank tụt dốc. Và dù đã có dấu hiệu phục hồi trở lại nhưng để kết quả kinh doanh của Sacombank trở lại như thời kỳ trước sáp nhập có lẽ sẽ cần thêm khá nhiều thời gian nữa.
Để có được Southern Bank, Sacombank phải ôm thêm hàng nghìn tỷ nợ xấu |