Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

HĐND TP Hà Nội chất vấn về quản lý đô thị, an sinh xã hội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 2/8, HĐND TP Hà Nội tiếp tục chất vấn các thành viên UBND TP về các vấn đề "nóng" thuộc các nhóm vấn đề PCCC, quản lý đô thị, an sinh xã hội được nhiều cử tri quan tâm.

Trước đó, sáng 2/8, chất vấn tại hội trường, các đại biểu tập trung chất vấn thành viên UBND TP về nhóm vấn đề kinh tế, trong đó, nổi lên là các vấn đề nợ đọng thuế, phí, các chính sách hỗ trợ cho DN gắn với cải cách hành chính.

Tiếp đó, các đại biểu tiếp tục chất vấn về nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh vực quản lý Đô thị. Trong buổi sáng 2/8, các đại biểu tái chất vấn về công tác phòng cháy chữa cháy.
Các đại biểu Hoài Nam (Thạch Thất), Bích Thủy (Đông Anh), ĐB Nguyễn Nguyên Quân đã đặt câu hỏi chất vấn đến Giám đốc CS PCCC Hà Nội - Thiếu tướng Hoàng Quốc Định về các vấn đề liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy.

Phiên chất vấn buổi sáng kết thúc vào lúc 11h30p, chiều nay, HĐND sẽ tiếp tục dành 1 giờ đồng hồ tiếp tục chất vấn về nhóm vấn  quản lý đô thị. Sau đó, HĐND chuyển sang chất vấn về nhóm vấn đề  an sinh xã hội, trong đó nổi lên các vấn đề nước sạch nông thôn, vệ sinh ATTP...

14 giờ 02 phút, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn trả lời câu hỏi về PCCC tại khu tái định cư: Về câu hỏi cụ thể xung quanh việc xử lý thay thế, bảo trì các thiết bị tại khu nhà tái định cư Đền Lừ, Mễ Trì, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết: Tại phiên họp của UBND thành phố, đồng chí Chủ tịch đã chỉ đạo xử lý quyết liệt vấn đề này. Về trách nhiệm, đối với các chủ đầu tư vi phạm, UBND TP chỉ đạo phải cưỡng chế thực hiện, tùy theo mức độ vi phạm để xử lý. Về trách nhiệm của cơ quan phòng cháy chữa cháy, nếu không thực hiện nghiêm túc cũng sẽ bị xử lý.
HĐND TP Hà Nội chất vấn về quản lý đô thị, an sinh xã hội - Ảnh 1
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn trả lời chất vấn chiều 2/8. Ảnh: Phạm Hùng
Những vấn đề liên quan đến việc bảo trì, thay thế các thiết bị tại khu nhà tái định cư, UBND TP đã tổng hợp và báo cáo bằng văn bản.

"Có thể thấy, với sự chỉ đạo quyết liệt của tập thể UBND thành phố và vai trò của cảnh sát PCCC với nhiệm vụ là tham mưu, cùng sự giám sát chặt chẽ của các đại biểu HĐND TP, với tinh thần trách nhiệm vào cuộc chặt chẽ, chúng tôi cũng xin hứa những vấn đề còn tồn đọng từ kỳ họp trước tới nay sẽ được giải quyết theo đúng tinh thần chỉ đạo và báo cáo mà UBND TP Hà Nội đã trình HĐND trong kỳ họp này.” – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu.

ĐB Nguyễn Hoài Nam vẫn tiếp tục chất vấn lại và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn khẳng định: “Tôi xin trả lời là tôi chưa đến hai khu nhà tái định cư Đền Lừ và Mễ Trì, còn trách nhiệm của thành phố tôi được giao rất cụ thể và UBND TP Hà Nội đã giao cho CS PCCC và các cơ quan sở ngành liên quan được giao trách nhiệm lập phương án sửa chữa, trình UBND TP phương án. Thành phố không hề trốn tránh trách nhiệm.”

14 giờ 05 phút, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc kết luận, trong báo cáo của CS PCCC nêu, 6 tháng đầu năm chúng ta kiểm soát và khống chế được vụ cháy xảy ra, kết quả số vụ cháy cho thấy là 397 vụ giảm so với cùng kỳ nhưng số người chết và tài sản thiệt hại không giảm.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu UBND thành phố và các cấp cần phải tiếp tục giám sát và đôn đốc công tác PCCC và cứu hộ, cứu nạn, đồng thời có những giải pháp quyết liệt hơn. Thứ nhất, theo Luật, đây là nhiệm vụ, việc thực hiện các kết luận giám sát có thực hiện nhưng kết quả không cao, không phân công, phân công nhiệm vụ cụ thể. Hoan nghênh đồng chí Phó Chủ tịch có xem xét trách nhiệm và nhận trách nhiệm trong công tác PCCC. Sở CS PCCC rất nỗ lực, có 745 chung cư chưa nghiệm thu PCCC nhưng đến nay đã giảm được 59 chung cư (20%), công tác thanh tra, kiểm tra cũng nỗ lực hơn. Những việc chúng ta chưa làm, những việc làm được đều phải được ghi nhận. Các nhà dân trên địa bàn, khi chúng ta phân tích 384 thì 284 vụ cháy ở khu vực nội thành, ngoại thành chỉ có 113 vụ mà loại hình chủ yếu là nhà dân chiếm 26,2%, cháy nhà chung cư tăng nhưng chủ yếu là cháy nhỏ. Vì thế HĐND yêu cầu UBND cần xem xét trách nhiệm, các cấp lãnh đạo phải quan tâm chỉ đạo.

Thứ hai, UBND chỉ đạo sở, ngành tăng cường kiểm tra và khắc phục những nơi đã thanh tra và phát hiện sai phạm trước đó, xem xét và xử lý kiên quyết những chủ đầu tư vi phạm, chưa được cấp phép nhưng đã cho người dân vào ở. Thứ ba, công khai danh tính chủ đầu tư chưa có cấp phép của PCCC khi bàn giao công trình và người dân cũng phải có ý kiến. Thứ tư, phải tuyên truyền rộng rãi đến Nhân dân về công tác PCCC. Thứ năm, giao ban pháp chế tiếp tục giám sát chặt chẽ. Vì đây là vấn đề về an sinh, đời sống của nhân dân. Nếu còn để vi phạm mà có thể khắc phục được thì UBND cần xem xét trách nhiệm.

14 giờ 15 phút, HĐND TP chuyển sang phần chất vấn nhóm quy hoạch và quản lý quy hoạch, ông Lê Vinh, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội cho biết: Về quy hoạch phân khu Hồ Gươm, TP Hà Nội đã triển khai đồng bộ quy hoạch phân khu này. Đây là khu vực có vai trò quan trọng vì gắn với di tích Hồ Gươm. Trong quá trình triển khai quy hoạch phân khu Hồ Gươm, chúng tôi đã tham vấn ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước, xin ý kiến của các bộ, ngành để làm định hướng. Đến nay, quy hoạch đã cơ bản hoàn thành và đang hoàn thiện để trình UBND TP.
HĐND TP Hà Nội chất vấn về quản lý đô thị, an sinh xã hội - Ảnh 2
Giám đốc Sở Quy hoạch& Kiến trúc Hà Nội Lê Vinh trả lời chất vấn chiều 2/8. Ảnh: Phạm Hùng
Về các dự án liên quan tới phân khu Hồ Gươm như chỉnh trang các tuyến phố xung quanh, chúng tôi đã rút kinh nghiệm từ đường Lê Trọng Tấn và tiến hành mời tư vấn thiết kế có kinh nghiệm từ các tập đoàn danh tiếng nước ngoài. Trong những tháng gần đây, Hồ Gươm cũng đang được bổ sung, cắt tỉa cây xanh, để xứng đáng với xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt.

Với câu hỏi khi phê duyệt quy hoạch các khu đô thị cao tầng có xác định hạ tầng xã hội hay không, Giám đốc Sở Quy hoạch & Kiến trúc Hà Nội Lê Vinh cho biết: "Các khu đô thị được chia thành 2 mảng. Với các khu đô thị mới, thông qua quá trình kiểm tra chặt chẽ nên quy hoạch, thiết kế đáp ứng đầy đủ hạ tầng xã hội.

Với các khu đô thị nằm trong cải tạo, do quá trình phát triển nên thiếu hệ thống hạ tầng xã hội. TP đã rà soát, trên cơ sở quỹ đất còn khai thác được đều ưu tiên làm hạ tầng xã hội như xây nhà trẻ, các công trình phục vụ lợi ích công cộng. Ví dụ, qua rà soát, TP đã có văn bản xác định 184 điểm để xây dựng trường học tại những khu vực cải tạo.

Về quy hoạch ven sông Hồng, ông Lê Vinh cho biết theo quy hoạch chung của thành phố, sông Hồng nằm trong trục cảnh quan chính và được quan tâm chú trọng trong rất nhiều dự án.

Khó khăn lớn nhất chính là luật cấm sự phát triển bên ngoài trong khi trên thực tế, chúng tôi ước lượng có khoảng 250 nghìn dân đang sống tại khu vực này. Đây cũng chính là vướng mắc trong quá trình cải tạo. Quá trình lấy ý kiến của các bộ, ngành cũng gặp nhiều khó khăn, không thể phê duyệt được."

Đầu năm 2016, Chính phủ đã phê duyệt quy định mở, cho phép một số khu dân cư được khai thác. Các nguồn xã hội hóa và trợ giúp quốc tế cũng đã được kêu gọi để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng tại khu vực bãi sông Hồng."
ĐB Đoàn Việt Cường (Tổ ĐB Mê Linh) nêu câu hỏi: Đề nghị UBND Thành phố cho biết chính xác có bao nhiêu cơ sở sản xuất  công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và cơ sở sản xuất phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị, sau di dời đã ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội theo quy định Luật Thủ đô, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và QĐ 130 của Thủ tướng Chính phủ?

Bởi lẽ, qua ý kiến của Cử tri có hàng trăm hecta đất, hậu di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp lại trở thành những dự án khu đô thị, khu chung cư cao tầng mọc lên. Một số vị trí còn lại một phần được chuyển sang xây dựng trường học nhưng đều có diện tích nhỏ, chỉ đủ xây dựng trường mầm non. 

Đáng nói, địa điểm cơ sở sản xuất di dời đều nằm ở các nút cửa ngõ giao thông quan trọng vào nội thành nhưng nay đã “biến” thành các khu đô thị. Có những dự án có quy mô dân số gần bằng một quận… dẫn đến tăng dân số cơ học, phương tiện đột biến. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông nội đô.

Đồng thời, Cử tri lo lắng cho rằng Hà Nội đã “bội thực” về nhà ở, đường xá “bội thực” về phương tiện giao thông và môi trường sống “bội thực” ô nhiễm… khói, bụi.

UBND Thành phố cho biết các cơ sở sản xuất đã di dời đi theo quy hoạch nhưng việc sử dụng trở lại những diện tích đất đó liệu có theo đúng quy hoạch không? Đúng theo quy định của Luật và chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ không?
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam chất vấn Giám đốc Sở Kiến trúc& Kế hoạch Hà Nội chiều 2/8.
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam chất vấn Giám đốc Sở Quy hoạch & Kiến trúc Hà Nội Lê Vinh chiều 2/8.
ĐB Nguyễn Hoài Nam chất vấn:Khu vực Hồ Gươm rất nhạy cảm, căn cứ nào để xây dựng công trình tại số 22-32 Lê Thái Tổ? Khu phụ cận Hồ Gươm rất quan trọng, xin cho biết thêm về dự án Tân Hoàng Minh tại khu phụ cận Hồ Gươm? Công trình Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm gần Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục đã sử dụng đúng mục đích chưa khi trưng bày sản phẩm gốm Chu Đậu? Diện tích đất hai cơ sở đã di dời ra khỏi nội đô phục vụ cho dự án nào? Ở đâu? Có dự án nhà ở không?

ĐB Hoàng Thị Thuý Hằng nêu câu hỏi với mục tiêu giảm dân số trong khu vực nội đô từ 1,2 triệu xuống 0,8 triệu thì việc thời gian qua một số dự án nhà cao tầng cũng như dự kiến sẽ sửa chữa, cải tạo khu chung cư cũ có làm tăng dân số trong nội đô không? TP sẽ có giải pháp cụ thể nào để thực hiện chủ trương này?

Sở Quy hoạch & Kiến trúc Hà Nội Lê Vinh trả lời:  có 117 cơ sở sản xuất công nghiệp nằm trong diện di dời, tới nay đã di dời 26 cơ sở với tổng diện tích là 45 ha. Quỹ đất này sẽ được phân bổ cho trường học 7,7 ha, cây xanh 5,6 ha, còn lại là nhà ở và các công trình công cộng. Trong thời gian tới, quỹ đất di dời sẽ tiếp tục được chuyển đổi theo nhu cầu xã hội.

Dự án tại khu 22-32 Lê Thái Tổ chưa được triển khai, đang ở trong giai đoạn xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan. Đối với dự án Tân Hoàng Minh, ngày hôm kia, chủ dự án đã có ý kiến xin chỉ 8 tầng đúng theo quy định mà UBND TP đã phê duyệt.

Về nhà Văn hóa nằm gần quảng trường Lý Thái Tổ thuộc trách nhiệm của quận Hoàn Kiếm.

Câu hỏi tiếp theo, hai đơn vị di dời như đã nói, các đơn vị này thuộc thẩm quyền của các bộ khi di chuyển đến nay họ chưa bàn giao cho TP và thẩm quyền này là thuộc về Thủ tướng.

Trả lời câu hỏi của ĐB Hằng, ông Lê Vinh cho biết: đây là định hướng chung và chúng ta đã nhiều lần đưa ra nhưng đây là vấn đề khó khăn. Thực tế, nội đô đã quá tải, thời gian vừa rồi, việc cải tạo để góp phần giảm tải cho nội đô là vấn đề cải tạo các khu chung cư cũ trong khu vực nội thành. Đây là vấn đề TP gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay có 17 khu chung cư cũ nằm trong khu vực nội thành và số nhà chung cư lên đến 1000-1500. Thủ tướng đã có quyết định 101 để TP mở ra khả năng mới cho cải tạo. Quan điểm của TP là lập quy hoạch đồng bộ các khu này để đảm bảo việc tái định cư tại chỗ. Chúng ta sẽ thực hiện theo đúng lộ trình quy hoạch.

ĐB Nguyễn Hoài Nam tiếp tục tái chất vấn: 26 dự án và 45ha này có nằm trong khu vực nội đô lịch sử?

Ông Lê Vinh khẳng định: Các dự án này nằm trong khu vực nội đô lịch sử. Khi thực hiện di chuyển, chúng tôi đã phân bổ quỹ đất đó và khi thực hiện sẽ báo cáo HĐND, UBND TP Hà Nội.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Dương Tuấn trả lời về công trình số 2 Lý Thái Tổ chức năng Thông tin văn hóa Hồ Gươm.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Dương Tuấn cho biết: Trung tâm này mới hình thành, vận hành khai thác và sử dụng được gần 1 năm nay, đang trong quá trình thử nghiệm, với chức năng Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm, đây là công trình không thuộc ranh giới di tích quốc gia đặc biệt nhưng nằm kề cận ranh giới này, một phần là bề mặt gần với quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Công trình này đã được Bộ VHTT&DL thỏa thuận với một yêu cầu là phải phát triển hạ tầng du lịch trong khu vực cần phát huy giá trị lịch sử đặc biệt là Hồ Hoàn Kiếm. Công trình có 3 tầng và tầng 1 là tầng có tính chất là không gian mở, mật độ xây dựng là 30%, mật độ trống 70%. Tại tầng 1 hiện đang diễn ra các hoạt động, kỳ cuộc trưng bày triển lãm, ảnh, hội họa, thông tin lịch sử Hồ Gươm của khu vực trung tâm thành phố Hà Nội và kể cả những khái niệm văn hóa vùng Thủ đô Hà Nội... Gần đây, quận Hoàn Kiếm dự kiến cho phép triển khai triển lãm văn hóa gốm Chu Đậu của tỉnh Hải Dương để quảng bá sản phẩm gốm- một trong những nét văn hóa cơ bản của vùng Thủ đô. Tầng 1, 2,3 đang vận hành các chức năng để công trình khai thác các giá trị phát triển hạ tầng thương mại, du lịch và gần đây UBND TP Hà Nội chỉ đạo toàn bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm đang nghiên cứu phát triển không gian đi bộ giống như khu phố cổ Hà Nội. Vì xung quanh khu di tích quốc gia đặc biệt, UBND quận Hoàn Kiếm nhận được sự chỉ đạo của UBND TP Hà Nội là cũng sẽ phải đưa công trình số 2 Lê Thái Tổ là một công trình vận hành chức năng đáp ứng mở rộng không gian đi bộ của quận Hoàn Kiếm.

14 giờ 55 phút, về vấn đề quy hoạch và quản lý quy hoạch, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc kết luận: 5 năm vừa qua là khoảng thời gian chúng ta làm quy hoạch, Hà Nội có nhiều chuyển biến và quyết tâm lập các quy hoạch. TP đã tập trung vào hoàn chỉnh các quy hoạch, xây dựng được 37 quy hoạch ngành, 30 quy hoạch phân khu, ban hành 40 quyết định quản lý các quy hoạch, các đồng chí có nhiều giải pháp quản lý các quy hoạch đã phê duyệt. Xung quanh vấn đề quy hoạch nội đô, các ban cố gắng rà soát và thực hiện đúng quy định. Chúng tôi đề nghị UBND TP Hà Nội tiếp tục rà soát các quy hoạch đang trình các cấp theo đúng quy hoach. Thứ hai là vấn đề quản lý quy hoạch, các đồng chí cần phân cấp, phân công trách nhiệm cho rõ ràng vì trên địa bàn có cơ quan trung ương và Hà Nội. Các đồng chí cần thực hiện đúng quy hoạch đã phê duyệt và HĐND cần thực hiện giám sát chặt.

14 giờ 56 phút, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết đã nhận được 5 ý kiến về vấn đề nước sạch nông thôn và an toàn thực phẩm. Trong đó, nội dung chất vấn tập trung vào vấn đề nước sạch nông thôn.

Chất vấn về vấn đề an sinh xã hội, nổi lên là vấn đề cấp nước sạch nông thôn,  ĐB Phạm Xuân Phương (Sóc Sơn) đặt vấn đề: Hiện nay nước sạch đối với khu vực nông thôn là vấn đề rất được quan tâm, mục tiêu của TP tới năm 2020 là phấn đấu 50% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Tuy nhiên ở Sóc Sơn hiện nay, chỉ có 5/26 đơn vị được hưởng nước sạch. Vậy lộ trình cung cấp nước sạch cho Sóc Sơn là thế nào? Nguồn lực được lấy từ đâu?
Đại biểu Hoàng Tú Anh phát biểu. Ảnh: Phạm Hùng
Đại biểu Hoàng Tú Anh phát biểu. Ảnh: Phạm Hùng
Thêm vấn đề khác, trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, cử tri của các xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ đã nhiều lần kiến nghị được hưởng chế độ nước sạch nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Vậy đến khi nào người dân 3 xã này mới được hỗ trợ đầu tư nước sạch?

ĐB Hoàng Tú Anh đề nghị làm rõ thêm về 7 dự án cấp nước sạch bằng nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB). Theo báo cáo trả lời của UBND TP, 3 dự án cấp nước liên xã tại các huyện Thanh Oai, Thường Tín và Chương Mỹ mới thực hiện 40- 50% khối lượng công việc, dự kiến tháng 11/2016 sẽ cấp nước cho nhân dân sử dụng. Còn dự án cấp nước liên xã tại huyện Mê Linh sau một năm thực hiện chất vấn tại HĐND TP hiện chưa có chuyển biến. UBND TP trả lời đang chuẩn bị đầu tư, dự kiến cung cấp nước trong quý 4/2017. Vậy UBND TP cho biết nguyên nhân chậm tiến độ?
Đại biểu Thu Hằng
Đại biểu Thúy Hằng chất vấn tại hội trường. Ảnh: Phạm Hùng
 
Đại biểu Lê Thị Thu Hằng (Hà Đông) chất vấn: Nhiệm kỳ trước có giải pháp là TP thực hiện dự án hỗ trợ xây dựng cho 40.000 hộ nhưng mới chỉ được 10.000, đến nghiệm kỳ này có tiếp tục làm hay không?

Trong những năm qua, TP đã đầu tư xây dựng 110 công trình cấp nước tập trung ở nông thôn nhưng chỉ có 83 công trình hoạt động ổn định. Vậy khi nào Sở NN& PTNT mới tiếp tục đưa các cơ sở khác vào hoạt động? 

Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, toàn bộ vùng nông dùng nguồn nước ngầm thông 110.000-150.000m3/ngày đêm.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục trả lời chất vấn
Đối với cấp nước nông thôn bằng nguồn nước mặt chưa có. Tổng công suất trên địa bàn là 900.000m3/ngày đêm cho khu vực dân cư tập trung, khu vực đô thị cộng thêm với 110.000 đến 150.000m3/ngày đêm mới chỉ đạt được hơn 1 triệu m3/ngày đêm. Theo quy hoạch chung, Hà Nội còn thiếu 100.000 – 120.000m3 ngày đêm. Vì vậy, việc cấp nước cho khu vực nông thôn hiện nay,  phấn đấu đến năm 2020 đạt 100% quy hoạch đề ra.  
Thường trực Thành ủy và UBND TP đã vào cuộc, rà soát 80 dự án đang vận hành và các dự án đang đầu tư dở dang, bao gồm cả nguồn đầu tư từ WB và ADB. Qua thử nghiệm thành công ở Phú Xuyên, Chương Mỹ, mô hình cấp nước nông thôn từ nay tới năm 2030 cơ bản đã tìm ra hướng giải quyết. Nếu chỉ theo phương án truyền thống sẽ không đảm bảo yêu cầu mà người dân vẫn phải sử dụng nước giếng khơi. 

Giải pháp cấp nước đối với các vùng như ở Sóc Sơn - nơi có nhiều vùng bị ảnh hưởng từ các bãi rác, các hộ dân trong phạm vi từ 500 - 1000m sẽ xem xét cấp nước, còn từ 0 - 500 m sẽ xem xét di dời. Những khu vực cấp bách sẽ được đẩy nhanh tiến độ.

Về giá nước sạch, Giám đốc Sở Xây dựng cũng nhất trí là đối với vùng cần hỗ trợ, chúng ta sẽ hỗ trợ. Về dự toán kinh phí, trong các dự án của Ngân hàng Thế giới, dự toán của các nhà đầu tư nước ngoài thường cao hơn khoảng 30% so với trong nước. Nguồn vốn huy động rất lớn, mỗi chặng dự án cần vốn khoảng 20-30 tỷ đồng.
Đại biểu Thu Hằng chất vấn. Ảnh: Phạm Hùng
Đại biểu Thu Hằng chất vấn. Ảnh: Phạm Hùng
Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Cương, Sở Xây dựng sẽ điều chỉnh quy hoạch phía tây thành phố, nơi nhiều người đang rất quan tâm, vì bị tình trạng nhiễm asen, gặp phải nhiều vấn đề về mạch nước ngầm... 

Sắp tới, khi áp dụng công nghệ mới sẽ giải quyết được nhiều vấn đề liên quan tới mạch nước ngầm. 

ĐB Trần Thế Cương (Bắc Từ Liêm) tiếp tục tái chất vấn về các câu hỏi mình đã nêu ở trên và nhấn mạnh cần câu trả lời cụ thể về tính thời điểm. Theo ĐB hiện người dân ở trong vùng ảnh hưởng của rác tại các xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ đang rất bức xúc về vấn đề nước sạch và khi gặp cán bộ địa phương chỉ hỏi đúng một câu "bao giờ được hưởng nước sạch?"
Đại biểu Hoàng Mạnh Phú (Phúc Thọ) chất vấn. Ảnh: Phạm Hùng
Đại biểu Hoàng Mạnh Phú (Phúc Thọ) chất vấn. Ảnh: Phạm Hùng
ĐB Phạm Xuân Phương tái chất vấn: Theo mục tiêu đến 2020, 50% dân số trên địa bàn thành phố được sử dụng nước sạch. Làm thế nào để từ nay đến 2020 đạt được mục tiêu trên trên? Khi nào người dân trong vùng ảnh hưởng của bãi rác Nam Sơn được hưởng sự hỗ trợ của Thành phố về vấn đề nước sạch?

ĐB Hoàng Mạnh Phú (Phúc Thọ) nêu vấn đề, từ nay đến 2020, 100% người dân được hưởng nước sạch. Vậy đề nghị làm rõ nước sạch bao nhiêu, nước hợp vệ sinh bao nhiêu? nước sạch khác nước hơpj nước vệ sinh.

Hiện nay trên địa bàn Thủ đô chỉ có nước mặt sông Đà, sông Hồng có thể xử lý làm nước sinh hoạt. Tới đây người dân nông thôn dùng nước gì? TP phải có chủ trương, kế hoạch nếu nước mặt không đủ? 

ĐB Nguyễn Quang Thắng: Cử tri dư luận rất quan tâm chất lượng nước sinh hoạt ở các hộ dân ở nông thôn chưa được kiểm định, hoặc được kiểm định nhưng chưa đảm bảo yêu cầu. Thời gian gần đây, báo chí có nêu Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã lấy mẫu nước giám sát và phát hiện ra nhiều cơ sở cấp nước không đạt chất lượng tại thời điểm giám sát, hàm lượng a-sen, pecmanganat, a-mo-ni đều cao hơn giới hạn cho phép.. Tuy nhiên trong trong báo cáo của Sở NN & PTNT lại cho biết chất lượng nước được cung cấp cho các hộ dân nông thôn hầu hết đều đảm bảo theo quy chuẩn chung TP. Vậy sự khác biệt này là thế nào? Trách nhiệm kiểm tra chất lượng nước ra sao?

Kết luận nội dung này, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho hay, có 6 câu hỏi tái chất vấn. Các vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội sẽ thông tin thêm trong phát biểu ngay sau đây. 

Chủ tịch HĐND TP cũng cho rằng, Thành phố đã có nhiều giải pháp về vấn đề nước sạch nông thôn nhưng chưa được thực hiện triệt để vì vậy tỷ lệ này của Hà Nội vẫn còn thấp. Do đó, đề nghị UBND thực hiện đúng theo 4 chỉ đạo của chủ tọa kỳ họp HĐND trước. Bên cạnh đó rà soát, thống nhất lại mô hình quản lý nước sạch cho phù hợp. Việc vận hành đang có nhiều mô hình như DN, cộng đồng, hợp tác xã, tổ tự quản vì vậy khiến chất lượng nước chưa được đảm bảo, giá cả leo thang. Cần đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực này.

Đây là vấn đề rất được người dân quan tâm khi 4 kỳ họp HĐND trở lại đây nước sạch nông thôn đều được chất vấn.
 Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung tiếp thu và giải trình các vấn đề đại biểu quan tâm. 
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung tiếp thu và giải trình các vấn đề đại biểu quan tâm. Ảnh: Phạm Hùng
 
16h00, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung tiếp thu và giải trình các vấn đề đại biểu quan tâm. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, trong kỳ họp HĐND lần này, nhiều văn bản, tờ trình đã được thảo luận, đánh giá nghiêm túc với tính đóng góp cao.

Phần chất vấn của các ĐB đã được sở, ngành và Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn trả lời đầy đủ. "Vì vậy, tôi xin trả lời thêm và làm rõ các vấn đề có liên quan mà các ĐB cũng như cử tri đang quan tâm".

Theo ý kiến của nhiều cử tri, khối lượng công việc được UBND thực hiện từ đầu năm là rất lớn vậy việc thực hiện có hiệu quả không? Về vấn đề này, từ đầu năm UBND đã nhận được hơn 40.000 văn bản, tuy nhiên phần lớn các vấn đề được nếu trong các văn bản này đã được xử lý xong. Đối với lãnh đạo UBND đã được phân công rõ trách nhiệm, xây dựng quy chế làm việc, chính vì vậy các nội dung công việc được chỉ đạo kịp thời, xử lý nhanh gọn.

Tiêu biểu là có những việc thời gian trước phải tới 5 cuộc họp mới giải quyết xong thì tới nay chỉ cần 1 cuộc. Với khối lượng công việc rất lớn, nhưng về cơ bản trong 6 tháng đầu năm, UBND đã giải quyết được bước đầu các nội dung trong báo cáo Kinh tế - xã hội đã được Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản trình bày trong buổi sáng nay (2/8). 

Về cải cách hành chính, trong 6 tháng đầu năm 2016, UBND TP đã xây dựng xong những chương trình liên quan tới cải cách hành chính trong đó công nghệ thông tin sẽ là giải pháp chính nhằm cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Hiện tại đã có 19 nội dung được thực hiện qua môi trường mạng, quận Nam Từ Liêm và Long Biên đã vận hành toàn bộ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Tới 10/8 sẽ bắt đầu triển khai tại các quận, phường còn lại.

Bên cạnh đó, khâu kiện toàn bộ máy hành chính cũng được thực hiện đúng theo chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và Thành ủy. Tới hiện tại đã sắp xếp được 10 sở, giảm 21 phòng, 24 đơn vị sự nghiệp công lập, hơn 80 trưởng phó phòng. Trong thời gian tới UBND TP sẽ tiến hành sắp xếp 12 sở còn lại cùng các ban quản lý dự án trực thuộc. Dự kiến tới tháng 10/2016, sau kiện toàn sẽ giảm được 37 phòng, hơn 100 trưởng phó phòng tại 34 đơn vị sự nghiệp và 35 ban quản lý dự án. Việc sắp xếp được tiến hành hết sức thận trognj nhằm đảm bảo lợi ích của TP cũng như cá nhân người lao động.

Đối với môi trường của Hà Nội, trong thời gian qua, UBND TP đã thực hiện nhiều đầu việc nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân Thủ đô. Đơn cử nhưng chương trình trồng mới và cải tạo cây xanh, để thực hiện mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh, TP đã thực hiện tái cơ cấu công ty Công viên Cây xanh từ 21 xí nghiệp xuống 6 xí nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả. Bên cạnh đó cũng cử nhân viên cây xanh đi học nước ngoài nhằm học tập công nghệ như cắt tỉa, trồng cây...

Quá trình áp dụng cơ giới hóa vào thu gom và vận chuyển rác thải được đẩy mạnh. Hiện tại, TP đang thí điểm 10 xe hút rác tự động và kết quả thu được khá khả quan khi tiết kiệm được nhiều kinh phí. Không chỉ vậy, TP cũng tiến hành lắp đặt thêm các thùng rác tại nơi công cộng, tập trung vào khâu xử lý rác sau thu gom. 

Về việc xử lý nước thải, TP sẽ xây dựng các nhà máy xử lý tại các khu làng nghề Cát Quế, Minh Khai, Dương Liễu. Ngay trong tháng 10 tới, TP sẽ khởi công 2 nhà máy xử lý nước thải lớn từ công nghệ và nguồn vốn ODA. Dự kiến các nhà máy này sẽ hoàn thành vào đầu năm 2018, qua đó xử lý nước thải sinh hoạt tại  các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Tây Hồ, Cầu Giấy và Thanh Xuân.

Về vấn đề đẩy nhanh cung cấp nước sạch nông thôn, đồng chí Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: Đối với vấn đề đã nóng trong nhiều kỳ họp HĐND là cung cấp nước sạch nông thôn cũng đang nhận được rất nhiều sự quan tâm cũng như chỉ đạo sát sao của UBND TP. Đối với dự án 40.000 bể nước lọc cho người dân nông thôn thực hiện tới nay là chưa hiệu quả. Đây là trách nhiệm của UBND TP.

Hiện thành phố đang phối hợp với đối tác Đức nhằm lắp đặt công nghệ lọc nước Nano và thí điểm tại một số hộ gia đình ở Phú Xuyên, nước sạch từ đây có thể uống ngay tại vòi. Dự án này tiết kiệm chi phí hơn khá nhiều so với dự án  40.000 bể nước lọc khi chỉ mất 6-7 triệu đồng/hộ thay vì 46 triệu đồng/hộ. Dự kiến cuối tháng 8/2016, mô hình này sẽ được triển khai tại nhiều địa phương khác.

Trong thời gian tới, Sở NN&PTN sẽ dừng toàn bộ các dự án đã thực hiện và bàn giao lại cho công ty nước sạch. Mạng lưới cấp nước cho người dân cũng được quy hoạch lại toàn bộ, công tác xã hội hóa được đẩy mạnh, phấn đấu tới 2020, người dân sẽ sử dụng nước mặt sông đà thay vì nước giếng khoan.

Đối với vấn đề nước sạch Sóc Sơn được ĐB nêu ở phần chất vấn, TP đã tiếp xúc với 15 DN tư nhân sẵn sàng đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp nước. TP cũng đảm bảo cung cấp đủ nguồn vốn, hỗ trợ thủ tục, đảm bảo cơ chế cho DN để đẩy nhanh tiến độ các dự án ở khu vực này. 

Vấn đề phòng chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, Chủ tịch cho biết, trong tháng 11 tới, TP sẽ khánh thành Trung tâm công nghệ cao tại Bệnh viện Đa khoa SaintPaul. Nơi đây sẽ thực hiện mô hình 4 trong 1: Đào tạo bác sỹ, khám chữa bệnh, chuyển giao công nghệ y tế và hợp tác quốc tế. Để đảm bảo hoạt động của Trung Tâm, TP đã cử nhiều bác sỹ đi học tại Pháp và Đài Loan nhằm nâng cao trình độ.

Các bệnh viện lớn cũng được TP chú trọng. Có thể kể đến như bệnh viện Đức Giang, TP đã tổ chức nâng cao chyên môn cho cán bộ, công nhân viên và cả cấp quản lý. Giúp đỡ trong khâu hợp tác quốc tế với các trung tâm nghiên cứu ý tế tại châu Âu, các bệnh viện hàng đầu trong khu vực.

Đối với DN nợ đọng thuế, UBND TP cũng đang chỉ đạo sát sao Cục thuế và CA TP giải quyết vấn đề này. Trên tinh thần tránh hình sự hóa các vấn đề kinh tế, Cục thuế cũng ưu tiên sử dụng biện pháp hành chính để thu hồi, chỉ khi nào không thể dùng cách này được mới chuyển sang CA TP để xử lý. 

Riêng các DN nợ đọng thuế trên 10 năm và DN đã phá sản, UBND TP cũng đề nghị Chính phủ cắt khoản này và tìm biện pháp khác.

Về ccải tạo chung cư cũ, hiện Hà Nội có gần 1.700 chung cư cũ nhưng 15 năm qua mới chỉ cải tạo được 14 tòa, tính ra chưa đến 1%. Vì vậy TP cũng xác định là đã cải tạo là tiến hành thực hiện luôn một khu thay vì từng toàn nhà riêng lẻ, đồng thời kêu gọi nhà đầu tư nhằm giải quyết bài toán kih tế nhưng vẫn dựa trên hài hòa 3 bên Nhà nước - Người dân - DN.

Vấn đề cải tạo chung cư cũ, đã được chính phủ yêu cầu 18 năm nay. Hiện Hà Nội có tổng cộng 1.697 chung cư cũ, trong đó, hơn 200 chung cư của các bộ, ban, ngành đã được bán cho người dân. Đặc biệt TP cũng sẽ xây dựng cơ chế đặc thù để tính tuổi các chung cư cũ. Bởi với thực trạng chung cư hiện nay, việc đánh giá nơi nào cần cải tạo cấp thiết phải dựa trên hạn sử dụng thay vì chỉ dựa vào mức độ nguy hiểm.

Liên quan đến mục tiêu 5 năm tới Hà Nội sẽ có 200.000 DN, vậy TP sẽ làm những gì để hiện thực hóa điều này. Hiện tại TP đang nghiên cứu, xây dựng các mô hình kinh tế trên thế giới và lựa chọn những gì thích hợp để triển khai tại Việt Nam, có thể kể đến như vườn ươm DN. Đồng thời TP cũng cam kết tạo mọi điều kiện cho DN phát triển, cho sinh viên sau khi ra trường có điều kiện để thành lập DN. Bên cạnh đó là mở ra các quỹ đầu tư mạo hiểm, kết nối DN đến ngân hàng...