Chị Hằng, nhân viên một ty truyền thông luôn lên kế hoạch ăn uống cho chồng. Mỗi ngày anh phải uống hai ly sữa, ăn ít nhất hai quả trứng gà và ăn đủ ba bữa cơm. Nếu sáng vội đi làm chồng không muốn uống, chị cố nài ép bằng được. Tối, anh quên uống, chị mang sữa lên tận phòng đứng chờ chồng uống xong. Không chỉ thế, chị luôn nhắc chồng đủ việc như: "Anh đi xe cẩn thận, nhất là khi qua đường", "anh ăn trưa ở cơ quan nhớ ăn cho đủ chất"... Lúc nào chị cũng quá ân cần, làm thay anh mọi việc, như lục tìm chìa khóa để quên, chọn quần áo đi làm mỗi sáng cho chồng… Bất kể việc lớn, việc bé gì chị cũng luôn nhắc anh như chỉ bảo đứa con trai 5 tuổi. Chị không biết rằng, chính việc làm đó khiến anh ngày càng hay bực dọc vô cớ. Có hôm, anh bảo: "Việc gì em cứ nhắc đi nhắc lại mấy việc ấy. Em càng ngày càng giống mẹ anh hơn là vợ".
Nhiều người đàn ông cũng than thở, họ cảm thấy "yếu ớt" trước vợ. Những việc lặt vặt như lấy mũ, đánh giày, đến ăn cơm, uống nước… ai chẳng làm được, nhưng vợ cứ nhắc nhở, dặn dò mãi. Và họ cảm thấy mình đang mất dần vai trò của người đàn ông già dặn và mạnh mẽ, trở thành một đứa trẻ trong mắt vợ.
Có những người đàn ông luôn được bạn bè khen là có số sướng, được vợ "cưng như trứng mỏng", nhưng chính họ lại thấy nhức đầu. Sự chăm sóc thái quá khiến nhiều ông chồng thấy sợ và tự hỏi: Mình có phải là trụ cột cho gia đình nữa hay không?
Học cách quan tâm
Có nhiều người phụ nữ sau một thời gian toàn tâm, toàn ý chăm lo cho chồng, chăm bẵm cho anh từ miếng ăn giấc ngủ chợt bật khóc bởi phát hiện ra chồng ngoại tình vì rất đơn giản: "Anh cảm thấy mình là đàn ông trước người phụ nữ khác". Những giọt nước mắt chứa đầy sự ấm ức, hờn trách và pha lẫn tuyệt vọng của những người phụ nữ ấy vừa đáng thương vừa đáng giận.