Hệ quả không ngờ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cũng như một số người có thói quen giận cá chém thớt, đánh mắng con trở thành một cách để ông thỏa mãn cơn tức giận, hay coi đó là cách để khẳng định quyền lực của mình với con cái.

Mỗi lần gặp chuyện không vui, ông tức lên, chửi mắng vợ con: “Mẹ con mày chỉ là một lũ ăn bám”, rồi lao vào đánh con không thương tiếc. Những lúc như thế, vợ ông chỉ còn biết ôm lấy con mà che chở. Nhưng những tình cảm của người mẹ cũng không xóa nhòa được sự sợ hãi trước bố. Không chỉ là chuyện ngày một ngày hai, mà ngay từ khi con còn bé, hễ con làm chuyện gì không đúng, phạm lỗi dù nhỏ, ông đều mắng chửi thậm tệ.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Thậm chí, có những thời điểm gặp khó khăn trong cuộc sống, nên cứ nhìn thấy mặt vợ con là ông lại không tiếc lời mắng nhiếc những câu rất thậm tệ... Tinh thần bị tra tấn khi sống trong môi trường ấy khiến con ông khép kín mình lại, thấy bố là tránh thật xa, gần đây còn không chịu chơi với các bạn. Mỗi khi có tiếng động mạnh, cháu đều giật mình, mặt xanh lét. Khi cô giáo giao bài tập bức tranh về gia đình thì thấy cháu vẽ hai mẹ con nắm tay nhau nhưng còn hình bố thì ở rất xa. Cô hỏi thì cháu nói: “Con sợ bố lắm”.

Theo một khảo sát gần đây, trong số gần 1.400 người được hỏi, có đến một phần tư cho biết mình thường xuyên đánh, mắng con, gần 70% thỉnh thoảng có làm việc này, lý do có thể vì trẻ không nghe lời, do bố mẹ công ăn việc làm bấp bênh, đời sống gia đình khó khăn về kinh tế... nên họ đã “giận cá, chém thớt” trút hết vào con…

Bởi vậy, những trận đòn roi bao giờ cũng đi kèm bao lời chửi rủa độc địa. Tuy không phải trẻ nào bị đánh cũng mắc bệnh sợ bố mẹ, nhưng cũng không ít do bị đánh chửi quá nhiều lần và vô căn cứ trở nên sợ hãi khi đứng trước bố mẹ, và điều đáng buồn là đang trở thành một hiện tượng bệnh lý, lúc nào trẻ cũng có cảm giác mình bị chà đạp, bị bỏ rơi. Trẻ sẽ thấy bố mẹ thật ác, thật đáng ghét, thấy bị tổn thương, vì thế trở nên xa lánh, né tránh chính người thân của mình.

Điều mà trẻ học được từ những trận đòn của cha mẹ lại là những bài học xấu, rằng nếu như không thỏa thuận được thì bạo lực là cách giải quyết. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, khi thấy trẻ có biểu hiện xa lánh mình, bố mẹ nên tìm ra nguyên nhân, thay đổi cách cư xử với con. Điều này rất cần sự kiên trì, khi trẻ mắc lỗi thì không quát mắng hay đánh đập mà giải thích cho con hiểu như thế là sai, lựa chọn những hình thức kỷ luật khoa học... Trong việc dạy trẻ, điều quan trọng nhất là khiến con tôn trọng mình chứ không phải là sợ.