Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hệ quả tất yếu!

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng 2/12, tin tức về đoạn hầm bị sập và chôn vùi một số xe ô tô lan nhanh đã làm sống lại ký ức buồn về vụ sập đường hầm tại Hokkaido, phía Bắc Nhật Bản năm 1996 làm 20 người thiệt mạng và gióng lên hồi chuông cảnh báo về độ an toàn của các hầm đường bộ tại nước này.

>>>  Sập đường hầm, nhiều xe bốc cháy dữ dội

Hình ảnh những cột khói cao tới hơn 2 km bốc lên từ hầm đường bộ Sasago, cách Thủ đô Tokyo của Nhật Bản khoảng 80 km đã khiến người dân nước này, vốn vẫn chưa thật sự hồi phục sau thảm họa, động đất sóng thần hồi tháng 3/2011 cảm thấy choáng váng. Theo thống kê mới nhất, dù con số thiệt hại về người tính đến thời điểm này mới chỉ là 9 người nhưng khả năng số người thiệt mạng sẽ tăng thêm do hoạt động cứu hộ hiện đang gặp nhiều khó khăn do lo ngại nguy cơ sụt lún tiếp tục lan rộng.

Hệ quả tất yếu! - Ảnh 1

Công tác cứu hộ tại đường hầm Sasago được tiến hành khẩn trương.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Công ty Đường cao tốc Trung Nhật Bản (NEXCO) đã nhận trách nhiệm về vụ việc và lập ủy ban điều tra. Tuy nhiên, việc NEXCO thừa nhận khả năng các bu lông neo đầu của thiết bị đỡ nóc đường hầm bị xuống cấp đã gây ra tai nạn thương tâm này khiến người dân Nhật Bản phẫn nộ. Điều đáng nói là hơn 30 năm qua, công ty sở hữu đường hầm này đã chủ yếu dựa vào việc kiểm tra bằng mắt mà không có sự gia cố hoặc sửa chữa nào kể từ khi xây dựng. Vì thế, tâm điểm của cuộc điều tra về sự cố Sasago sẽ tìm hiểu lý do tại sao một cuộc thanh tra mới được tiến hành cách đây 2 tháng đã không phát hiện ra bất cứ sai sót nào.

Trước sức ép của dư luận, Thủ tướng Yoshihiko Noda ngày 3/12 đã lập tức ra chỉ thị nhanh chóng điều tra nguyên nhân và áp dụng các biện pháp nhằm phòng tránh sự cố tương tự. Bộ Giao thông Nhật Bản cũng yêu cầu các công ty quản lý đường cao tốc của nước này tiến hành kiểm tra 49 hầm đường bộ có kết cấu giống với hầm Sasago. Ngay trong sáng 3/12, nhiều hầm đường bộ đã được bắt đầu được kiểm tra khẩn cấp độ an toàn. Đặc biệt, các đoạn hầm còn lại của đường hầm Sasago đang được tiến hành gia cố song song với việc thu dọn đống đổ nát nhằm tránh một vụ sập hầm tương tự.

Không đơn giản chỉ là một vụ sập đường hầm, những gì diễn ra tại Sasago còn bộc lộ một khía cạnh rất khác của chính trường Nhật Bản. Khi các cuộc tranh đấu giữa các chính trị gia thường chỉ xoay quanh các vấn đề về tăng trưởng kinh tế, cắt giảm thâm hụt, gia tăng xuất khẩu, kìm giá đồng Yên,... chính sách đầu tư để đảm bảo tính bền vững, tính liên tục của hệ thống giao thông trên toàn lãnh thổ Nhật Bản đã bị xem nhẹ. Và vụ việc tại Sasago là hậu quả tất yếu của sự xao nhãng trong kiểm tra, nâng cấp hệ thống đường bộ. Nếu giới chức Nhật tiếp tục phớt lờ cảnh báo này, các vụ việc tương tự, thậm chí hậu quả còn thảm khốc hơn chắc chắn sẽ lại xảy ra.