Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hệ thống cung cấp lương thực Libya có thể sụp đổ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chương trình lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc ngày 25/2 cảnh báo hệ thống cung cấp lương thực của Libya có nguy cơ sụp đổ, trong bối cảnh các cơ quan cứu trợ đang ngày một lo ngại rằng nhiều người đã không thể chạy khỏi Libya.

KTĐT - Chương trình lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc ngày 25/2 cảnh báo hệ thống cung cấp lương thực của Libya có nguy cơ sụp đổ, trong bối cảnh các cơ quan cứu trợ đang ngày một lo ngại rằng nhiều người đã không thể chạy khỏi Libya.

Phát biểu trước báo giới, phát ngôn viên của WFP, bà Emilia Casella cho biết Libya là nước nhập khẩu lương thực hoàn toàn và hệ thống cung cấp lương thực của nước này đang có nguy cơ bị sụp đổ do hàng nhập khẩu không tới được các cảng và việc phân phối lương thực trên cả nước đang gặp trở ngại do tình trạng bạo lực rất căng thẳng.

Theo bà Casella, mặc dù nhà chức trách Libya đã tìm cách điều phối nguồn lương thực lúa mì, lúa mạch và ôliu, song vẫn không thể đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân. Trong khi đó, WFP không thể phân phối viện trợ lương thực tại Libya do nguồn viện trợ đến từ Benghazi, thành phố ven biển Đông Bắc nước này bị phong tỏa sau khi tàu hàng phải chuyển hướng cập bến do cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại đất nước Bắc Phi này. Ngoài những khó khăn này, dòng người chạy nạn mắc kẹt tại Libya đang ngày một đông, gây khó khăn lớn cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo cũng như khả năng cung cấp lương thực.

Tình trạng bạo lực lại Libya vẫn diễn biến hết sức căng thẳng. Hãng tin Reuters cho biết ngày 25/2 đã có ít nhất năm người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh tại quận Janzour, phía Tây thủ đô Tripoli.

Cũng theo nguồn tin trên, cùng ngày, lực lượng chống đối chính phủ ở miền Đông Libya đã kiểm soát hầu hết các mỏ dầu ở phía Đông thành phố Ras Lanuff, song tuyên bố sẽ tôn trọng các thỏa thuận dầu mỏ, tránh xảy ra tình trạng bất ổn về năng lượng. Hiện thành phố Brega ở phía Đông Libya và cảng chuyển tải dầu của thành phố này cũng nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng chống đối chính phủ.

Liên quan tình hình Libya, toàn bộ phái đoàn ngoại giao của nước này bên cạnh Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác ở Geneva (Thuỵ Sĩ) đã từ chức. Đại sứ Libya tại Pháp Mohamed Salaheddine Zarem và Đại sứ Libya tại UNESCO Abdoulsalam El Qallali cũng đã từ chức để ủng hộ người dân trong nước. Phái đoàn Libya tại Liên đoàn Arập (AL) ở Cairo cũng từ bỏ mọi quan hệ với nhà lãnh đạo Mouammar Gaddafi.

Trong khi đó, ông Gaddafi ngày 25/2 đã phát biểu trước đám đông người ủng hộ tại quảng trường Xanh ở trung tâm thủ đô Tripoli, kêu gọi họ sẵn sàng bảo vệ Libya. Cùng ngày, phát biểu trên kênh truyền hình CNN phát bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, con trai ông Gaddafi là Seif al-Islam khẳng định gia đình ông sẽ ở lại Libya bằng bất cứ giá nào./.