Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiểm họa rình rập tại các vòng xuyến

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những vòng xuyến (còn gọi là đảo giao thông tại các nút) được thiết kế xây dựng với mục đích phân luồng, giảm ùn tắc và xung đột cho các phương tiện khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, tại không ít điểm nút giao cắt, vòng xuyến đang thực sự trở thành mối quan ngại đối với nhiều người dân.

Nỗi lo khi qua vòng xuyến

Có mặt tại ngã 5 chợ Hàng Da vào sát giờ tan tầm, chúng tôi được chứng kiến hàng trăm phương tiện giao thông chen lấn, di chuyển lộn xộn. Mặc dù tại đây từ lâu tồn tại một vòng xuyến nhưng rất nhiều phương tiện, đặc biệt là xe máy và xe buýt (tuyến số 01 từ Long Biên đi Bến xe Yên Nghĩa) dường như không mảy may quan tâm. Thay vào đó, các phương tiện chọn cách di chuyển thẳng theo hướng ngắn nhất có thể để đi vào những tuyến phố mong muốn.

Nhiều ý kiến cho rằng, vòng xuyến tại khu vực này được thiết kế chưa thực sự hợp lý khiến các phương tiện di chuyển từ hướng Đường Thành, Hàng Điếu rất khó để đi qua vòng xuyến nếu muốn chạy xe đi Phủ Doãn. Nhiều phương tiện di chuyển từ Đường Thành đi Hàng Da và Ngõ Trạm thường tranh thủ rẽ trái… cho nhanh; ngược lại các phương tiện di chuyển từ Hàng Da, Ngõ Trạm theo hướng đi Đường Thành, Yên Thái, Hàng Điếu cũng tiện đường mà đi thẳng thay vì di chuyển qua vòng xuyến như chỉ dẫn.

Việc các phương tiện đi lại lộn xộn, không theo chỉ dẫn khiến cho tình trạng tắc đường, xung đột giao thông thường xuyên xảy ra, đặc biệt là vào giờ cao điểm khi khu vực này có một lượng lớn người và phương tiện lưu thông.

Trong khi đó, tại khu vực đường Nam Trung Yên, cạnh tòa nhà Keangnam lâu nay tồn tại một vòng xuyến mà nhiều người vẫn gọi là "vòng xuyến tử thần". Vòng xuyến có đường kính rộng chừng 15m, lại không có hệ thống biển báo, đèn tín hiệu cũng như chiếu sáng khiến người điều khiển các phương tiện khi lưu thông qua đây vào buổi tối rất khó quan sát. Vòng xuyến được thiết kế nhô cao so với mặt đường khoảng 30cm. Phần lớn dạ quang đã bong tróc hoặc bị bẩn nên hiệu quả về mặt chỉ dẫn hướng đi rất hạn chế. Gần vòng xuyến, hai ống cống đã được che đậy nhưng nhô cao, cộng với trời tối và thiếu hệ thống chiếu sáng khiến người dân rất lo lắng mỗi khi di chuyển qua khu vực này. Anh Lê Quốc Hưng, làm nghề rửa xe tại đây cho biết, đã có hàng chục vụ tai nạn xảy ra, trong đó có không ít trường hợp bị thương vong, khi người điều khiển phương tiện không chú ý, di chuyển với tốc độ cao đã lao thẳng vào vòng xuyến.

Ngoài chợ Hàng Da và đường Nam Trung Yên, điểm giao cắt tại khu vực ngã tư Nguyễn Phong Sắc, Tô Hiệu và Trần Quốc Hoàn cũng đang trở thành "điểm đen" của giao thông TP. Lý do là bởi tại đây vòng xuyến được đặt không đúng chỗ.

 
Xe buýt, xe máy, xe đạp, ô tô di chuyển lộn xộn tại vòng xuyến ngã 5 chợ Hàng Da. Ảnh: Sơn Tùng
Xe buýt, xe máy, xe đạp, ô tô di chuyển lộn xộn tại vòng xuyến ngã 5 chợ Hàng Da. Ảnh: Sơn Tùng
Cụ thể, vòng xuyến được thiết kế lọt thỏm trên đoạn đường Nguyễn Phong Sắc, gần điểm giao cắt, khiến người và phương tiện tham gia giao thông muốn đi từ hướng Trần Quốc Hoàn về Tô Hiệu, hoặc Nguyễn Phong Sắc đi Trần Quốc Hoàn không thể đi theo vòng xuyến, kéo theo tình trạng các phương tiện tham gia giao thông đi lại rất lộn xộn. Đặc biệt vào giờ cao điểm, giao thông trở nên bát nháo hơn. Va chạm xảy ra thường xuyên, khi các xe đi không đúng làn đường quy định.

Ý thức người dân là quan trọng

Trên thực tế, vòng xuyến có vai trò rất lớn trong việc điều tiết và phân luồng giao thông. Tuy nhiên, việc thiết kế, bố trí lắp đặt sao cho hợp lý lại là điều không dễ. Nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa tới vấn đề này, bên cạnh việc xây mới cần tập trung tu bổ, nâng cấp, bố trí cho hợp lý hoặc loại bỏ hoàn toàn những "vòng xuyến tử thần" tại các khu vực nhạy cảm, nhằm mang lại sự an tâm cho người dân khi tham gia giao thông.

Trong khi đó, không ít ý kiến bày tỏ quan ngại, ý thức của người tham gia giao thông khi đi qua những khu vực giao cắt có vòng xuyến là chưa thực sự tốt. Thực tế, dù biết có vòng xuyến nhưng nhiều người vẫn "mạnh ai nấy đi". Bên cạnh đó, không thể phủ nhận tình trạng ùn tắc và xung đột xảy ra thường xuyên tại các khu vực giao cắt có vòng xuyến có nguyên nhân xuất phát từ chính ý thức chấp hành luật khi tham gia giao thông của một bộ phận người dân. Chính vì vậy, ngoài việc bố trí lực lượng cảnh sát giao thông túc trực nhằm xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mối hiểm họa có thể xảy ra, cũng như ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông. Có như vậy, tình trạng người dân nơm nớp lo mỗi khi đi qua khu vực giao cắt có vòng xuyến mới mong được cải thiện.