Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiểm họa từ các công trình

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Như báo Kinh tế & Đô thị đã thông tin, một vụ tai nạn thương tâm vừa cướp đi sinh mạng bốn trẻ nhỏ trên hố xây dựng của công trình đang thi công dang dở tại thôn Phú Đô, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm. Đây không phải là lần đầu tiên một tai nạn thương tâm như thế xảy ra. Tuy nhiên, vụ việc trên một lần nữa dóng lên hồi chuông báo động cho việc quản lý con trẻ trong dịp hè và công

Chết "giữa lòng đường"

Mấy ngày nay, tại khu vực Mễ Trì, người dân xôn xao về chuyện bốn cháu bé chết thảm trên công trường thi công nút giao Phú Đô nối Đại lộ Thăng Long. Sự ra đi đột ngột của bốn đứa trẻ từ 7 đến 12 tuổi trong hai gia đình đã tạo nên cú sốc lớn trong đời sống người dân nơi đây. Từ đường Lê Quang Đạo rẽ vào khu vực hồ nước, không thấy có biển báo công trường thi công hoặc rào chắn bảo vệ. Tại hiện trường vụ tai nạn, hồ nước lạnh lẽo như muốn che đậy những hiểm nguy đang rình rập. Ông Nguyễn Văn Luyến ở xóm 3, thôn Phú Đô chỉ xuống mặt nước: "Chỗ này sâu lắm! Phải lút đầu người lớn. Dạo trước, công trường dừng thi công, chúng tôi vẫn chơi bóng ở đây. Dạo này mưa, nước ngập, bọn trẻ không biết nên rủ nhau xuống đây tắm, do không có rào chắn, biển báo hay người nhắc nhở nên mới ra nông nỗi này!"

Người dân ở đây kể lại, chiều 14/8 hai anh em cháu Nghiêm Văn Hưng 11 tuổi, Nghiêm Văn Huy 8 tuổi con anh Nghiêm Văn Toàn và chị Trần Thị Bình cùng hai anh em cháu Ngô Văn Hùng 12 tuổi, Ngô Văn Hưng 7 tuổi con anh Ngô Văn Lịch và chị Lê Thị Sắn đều ở xóm 2, thôn Phú Đô rủ nhau đi chơi. Đến bữa cơm tối không thấy con về, hai gia đình và bà con trong xóm chia nhau đi tìm khắp nơi không thấy. Khoảng 21 giờ đêm, hai gia đình nhờ loa truyền thanh của xã thông báo gọi tìm con. Lúc này, một người dân trong làng cho biết buổi chiều có nhìn thấy các cháu đi cùng nhau ra cánh đồng, khu vực công trường. Đến khu vực này, mọi người hốt hoảng khi thấy quần áo, dép của các cháu để trên bờ bên dải nước sâu vốn là lòng đường đang thi công dở. Xác định việc các cháu có thể bị đuối nước, sau một hồi tìm kiếm mọi người đã phát hiện xác một cháu bé nổi lập lờ trên mặt nước. Ngay sau đó, xác ba cháu còn lại chìm dưới nước cũng lần lượt được vớt lên.

Theo bà Nguyễn Thị Hường, Phó Chủ tịch UBND xã Mễ Trì, dự án mở rộng hoàn thiện đường Láng- Hòa Lạc  đã thi công từ dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Thời gian qua, dự án này không thấy thi công. Thực tế tại hiện trường vào thời điểm này không có bất kỳ một hoạt động nào chứng tỏ là một công trường đang thi công, ngoài một căn nhà tạm và một lán công trường không người ở. Địa điểm bốn cháu bé gặp nạn chính là lòng đường của nút giao Phú Đô nối Đại lộ Thăng Long. Tại đây, sau những trận mưa vừa qua, phần đường đang bóc đất để đầm móng đã ngập sâu tạo thành một mương nước dài. Làn nước mát lạnh giữa nắng hè oi ả đã vô tình trở thành cạm bẫy chết người với những đứa trẻ non nớt còn chưa kịp biết bơi. Để rồi chúng ra đi mãi mãi! Giá như ở đó có biển cảnh báo nguy hiểm! Giá như ở đó có hàng rào chắn, hoặc có bảo vệ nhắc nhở chắc bọn trẻ đã không phải chết tức tưởi trong ngày lễ Vu Lan?

Hiểm họa từ các công trình

Tai nạn tương tự vụ làm chết bốn cháu bé tại Phú Đô không phải lần đầu tiên xảy ra trên các công trường đang thi công. Còn nhớ tháng 9/2005, tại công trình xây dựng  khu xử lý nước thải Bình Hưng Hòa, quận Tân Phú, TP. HCM, ba cháu bé bị chết đuối vì xuống tắm tại các hố nước trong khu vực đang thi công. Trước đó, tại khu vực này, cũng do đi tắm đã có năm cháu bị thiệt mạng. Cả tám cái chết oan ức của trẻ đều có nguyên nhân do đơn vị thi công không làm rào chắn, biển báo nguy hiểm. Tháng 8/2010 tại quận Kiến An, Hải Phòng ba cháu học sinh lớp 4a trường Tiểu học Trần Quốc Toản cũng đã thiệt mạng do xuống tắm tại hố nước của một công ty đang san lấp mặt bằng nhưng không che chắn….

Còn nhiều, rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra chết người do đơn vị thi công tắc trách như hố ga không đậy nắp, đào mương, rãnh không che chắn… Những tai nạn chết người xảy ra không chỉ với các cháu bé mà ngay cả với người lớn. Trong đợt úng lụt lịch sử cuối năm 2008, tại khu vực Mỹ Đình (Hà Nội) một nam thanh niên đã tử nạn do xe máy bị lao xuống hố ga không nắp. Rùng rợn hơn là những tai nạn từ khu vực thi công các công trình cao tầng, đến các thiết bị hạng nặng như cần cẩu gây nên. Đã có vụ "những vật thể lạ" là cả một thanh thép dài lao từ trên cao xuống cắm phập vào ô tô. Hoặc một kiện hàng nặng cả tấn, một tay ngang của cần cẩu tháp đổ ập xuống giữa đường. Có thể nói, có rất nhiều hiểm họa  ẩn chứa  trong các công trình đang thi công, mà phần lỗi chính là do sự cẩu thả, tắc trách của con người gây nên. Hãy dạo qua các công trình đang thi công tại Hà Nội, ở đâu cũng dễ dàng đọc được câu khẩu hiệu được kẻ, vẽ rất to rằng "An toàn là bạn, tai nạn là thù" hoặc "An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn". Tuy nhiên, phía sau câu khẩu hiệu này còn rất nhiều điều đáng để bàn. Ngay đến một công trình "hoành tráng" như tòa tháp Keangnam cũng có tới sáu, bảy vụ chết người, nguyên nhân cũng đều do không tuân thủ các qui định về an toàn lao động!

Để không còn những nỗi đau

Trở lại vụ tai nạn 4 cháu bé chết đuối tại công trình nút giao Phú Đô. Ban Tổng thầu xây lắp Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng- Hòa Lạc và đơn vị thi công, Công ty CP đầu tư xây dựng Vinaconex- PVC  đã nhìn nhận phần trách nhiệm của đơn vị và thực hiện việc thăm hỏi kịp thời. Theo đó, ngay trong ngày 15/8 đơn vị này đã chủ động làm việc với chính quyền địa phương nhằm tìm hướng khắc phục hậu quả thấu tình, đạt lý. Tại gia đình các nạn nhân, ông Lê Minh Huyền, Giám đốc Ban Tổng thầu và lãnh đạo đơn vị thi công đã đến chia sẻ nỗi đau mất mát. Đồng thời có sự hỗ trợ ban đầu mỗi gia đình năm mươi triệu đồng tiền mặt. Trước đó, các cấp chính quyền, đoàn thể tại địa phương đã vận động nhân dân chăm lo, giúp đỡ hai gia đình lo việc hậu sự cho các cháu. Ông Nguyễn Văn Lịch, Chủ tịch UBMTTQ xã Mễ Trì cũng mong rằng, thời gian tới, khi thi công các đơn vị cần đảm bảo công tác an toàn, tránh để xảy ra những tai nạn đáng tiếc. Mặc dù đơn vị thi công và các cơ quan liên quan đã có những động tác tích cực, kịp thời giải quyết hậu quả xảy ra trên phạm vi công trình, thế nhưng đó vẫn chỉ là giải pháp khắc phục. Bà Nguyễn Thị Hường cho biết, địa phương cũng đã chất vấn tại sao không làm biển báo, rào chắn? Tuy nhiên, đại diện đơn vị thi công lại cho rằng, làm rào chắn quá dài, rất tốn kém(!) Nếu như trước đó họ tuân thủ các qui định về an toàn lao động như lập rào chắn khu vực thi công, cắm biển cảnh báo nguy hiểm thì liệu có xảy ra tai nạn đáng tiếc để rồi phải đi khắc phục hậu quả?. Theo bà Hường, thời gian tới, chính quyền xã sẽ có kế hoạch kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các công trình đang thi công trên địa bàn. Nếu đơn vị nào không tuân thủ các qui định về an toàn lao động, xã sẽ có kiến nghị lên các cấp có biện pháp xử lý. Chỉ có như vậy mới mong giảm bớt tai nạn trên các công trình đang thi công.
 
 
Ông Lê Tuấn Hữu, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội

Kiến nghị làm rõ trách nhiệm các bên

Ngay sau khi nhận được thông tin 4 cháu nhỏ bị đuối nước tại xã Mễ Trì (Từ Liêm), Sở đã chỉ đạo trích từ Quĩ bảo trợ xã hội của huyện hỗ trợ mỗi nạn nhân 500.000 đồng và từ quĩ bảo trợ xã hội xã hỗ trợ 1 triệu đồng/nạn nhân, động viên các gia đình. Đồng thời, đề nghị huyện tiếp tục làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan để có biện pháp xử lý.

Về việc trẻ em bị tai nạn thương tích do đuối nước, mỗi năm ở Hà Nội diễn ra khoảng 30 trường hợp, thường tập trung vào dịp hè. Tuy nhiên, trong tháng hành động vì trẻ em vừa qua (tháng 6/2011), thành phố, Sở và các quận, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền đến từng địa bàn dân cư, hộ gia đình, nên số vụ có giảm.  Nhưng thật đáng tiếc lại xảy ra vụ việc vừa qua. Trước tình hình đó, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các quận, huyện, Phòng bảo trợ trẻ em tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát tờ rơi, thông tin đến từng hộ gia đình để phòng ngừa. Đồng thời, khuyến cáo mỗi gia đình nên có sự quan tâm sâu sát đến trẻ em.

                                                                                                        Minh Hiền ghi