Dọc các tuyến đường trọng điểm của Đà Nẵng, không khó để bắt gặp nhiều người sử dụng những chiếc xe máy lôi kéo các phương tiện tự chế như xe ba gác, xe tự chế chở theo các vật liệu cồng kềnh lưu thông, gây mất an toàn giao thông. Để khắc phục, chấn chỉnh tình trạng trên, tháng 8/2018, Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Đà Nẵng đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, xử lý.
Từ khi triển khai kế hoạch đến nay (tháng 8/2018 đến tháng 3/2019), lực lượng Cảnh sát giao thông TP Đà Nẵng đã phát hiện và lập biên bản xử lý 335 trường hợp xe mô tô vi phạm, trong đó xe lôi kéo cồng kềnh có 227 trường hợp; xe cũ nát, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật 63 trường hợp; số tiền xử phạt ước tính trên 100 triệu đồng.
Hầu hết các xe vi phạm đều không chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông. Tuy nhiên, một số lái xe cho biết, mặc dù biết việc điều khiển phương tiện chở theo hàng hóa cồng kềnh lưu thông trên đường là nguy hiểm nhưng do cuộc sống mưu sinh, nhiều khi họ phải cố ý làm liều.
Trung tá Hoàng Tiến Sỹ - Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Đà Nẵng cho biết, hiện nay, trên địa bàn Đà Nẵng, tình trạng xe máy gắn các xe cồng kềnh, lôi kéo đằng sau chở sắt thép hoặc vật dụng khác diễn ra khá phổ biến. Các phương tiện này hầu hết đã bị cũ nát, những giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện đều không đảm bảo. Trong thời gian đến, đối với những loại phương tiện này, đơn vị sẽ chỉ đạo kiên quyết, xử lý triệt để.
Theo luật sư Lê Cao - Công ty luật hợp danh PDVN Đà Nẵng, để xảy ra tình trạng trên ngoài việc do ý thức tham gia giao thông của người dân chưa tốt, không nhận thức được sự nguy hiểm của loại phương tiện này khi lưu thông trên đường, thì chế tài xử phạt đối với những hành vi vi phạm giao thông này chỉ rơi vào mức phạt từ 300.000 đến 400.000 đồng, nên tác dụng răn đe vẫn chưa cao.
Nhiều người điều khiển phương tiện xe kéo đẩy mặc dù đã bị lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện nhưng vẫn tiếp tục tái phạm. Đây thực sự là một bài toán khó đối với các cơ quan chức năng của TP Đà Nẵng.