Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiểm nguy rình rập dưới chân cầu vượt Phú Thụy

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, trên QL5 đoạn chân cầu vượt Phú Thụy (huyện Gia Lâm) xảy ra tình trạng người dân bất chấp nguy hiểm băng qua đường. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Không lo an toàn bản thân

Có mặt tại ngã tư chân cầu vượt Phú Thụy một ngày đầu tháng 10, chỉ trong vòng gần một giờ đồng hồ, chúng tôi thấy hàng chục người dân vô tư “đánh cược sinh mệnh”, băng cắt qua đường trước dòng xe cộ nườm nượp qua lại với tốc độ cao. Trong số này, đông nhất là những học sinh – sinh viên, công nhân. Theo tìm hiểu, khu vực cầu vượt Phú Thụy (xã Dương Xá, Gia Lâm) có hai cơ sở giáo dục lớn là trường ĐH Công nghiệp dệt may và Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật T.Ư. Cùng với đó là một loạt trường THCS, THPT và nhà máy, xí nghiệp. Hàng ngày, học sinh – sinh viên tan trường, người lao động tan sở băng qua đường để lên hệ thống 8 tuyến xe buýt theo QL5 đi về hướng trung tâm TP Hà Nội và Hải Phòng. Điều khá kỳ lạ là bên cạnh học sinh – sinh viên, nhiều người dân khu vực các xã Dương Xá, Thuận Quang đi xe đạp cũng sẵn sàng dắt bộ, lách qua chân cầu vượt để sang đường, thay vì đi qua cầu vượt Phú Thụy.
Bất chấp nguy hiểm, người dân vẫn vô tư băng qua QL5. 	Ảnh: Trọng Tùng
Bất chấp nguy hiểm, người dân vẫn vô tư băng qua QL5. Ảnh: Trọng Tùng
Ông Lê Văn Cảnh – một người chạy xe ôm lâu năm tại khu vực ngã tư chân cầu vượt Phú Thụy cho biết, thời điểm người dân băng qua đường đông nhất là vào giờ đi làm, đi học buổi sáng và tan tầm. Người dân đi lại nhiều tới mức các phương tiện khi di chuyển tới ngã tư này đều phải chủ động giảm tốc độ, di chuyển chậm để tránh những va chạm đáng tiếc có thể xảy ra. Dù vậy, tình trạng giao thông lộn xộn tại khu vực chân cầu vượt vẫn thường xuyên xảy ra; va chạm giữa người và phương tiện cũng không phải là hiếm gặp. Anh Nguyễn Hoàng Anh (giảng dạy lái xe cho Trung tâm Đào tạo lái xe Việt Thanh) cho biết, đã không ít lần anh phải phanh gấp để tránh những trường hợp người dân băng cắt qua đường đột ngột. Không chỉ tại chân cầu vượt Phú Thụy, dọc tuyến QL5, chúng tôi còn bắt gặp nhiều trường hợp người dân cố tình lách qua cả những điểm đã có hàng rào chắn để qua đường bất chấp nguy hiểm có thể xảy đến với tính mạng của mình.          

Cần sớm có giải pháp

Theo ghi nhận của phóng viên, dọc QL5 đã được các cơ quan chức năng lập barie, hàng rào ngăn cách. Tuy nhiên, tại chân cầu vượt Phú Thụy, có một đoạn hành lang an toàn giao thông dài khoảng 10m chưa được lắp rào chắn. Và với tâm lý “cho nhanh”, người dân cũng vô tư băng qua QL5 theo lối này.

Khi chúng tôi gạn hỏi ông Phùng Đắc Vững (ở xã Dương Xá, Gia Lâm), vì sao không đi theo lối cầu vượt, ông Vững lý giải, cầu vượt xây dựng nhưng dường như không dành cho người đi bộ (?!). Sở dĩ vậy bởi trên cầu, chủ yếu là ô tô và xe máy di chuyển với tốc độ cao. Điều này khiến người đi xe đạp và đi bộ rất bất an khi đi trên cầu vượt. Thêm nữa, nếu đi theo hướng cầu vượt, người đi bộ, xe đạp phải di chuyển lòng vòng xa hơn trên 500m. Tâm lý “ngại đường xa” khiến người đi bộ, đi xe đạp càng không mặn mà với cầu vượt. Điều này đặt ra câu hỏi về tính hợp lý và tiện lợi trong thiết kế của cầu vượt Phú Thụy.

Nhiều người dân thuộc Cụm dân cư đường 5, xã Dương Xá cho rằng, để hạn chế tình trạng lộn xộn tại khu vực ngã tư chân cầu vượt Phú Thụy, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu, bố trí lập hàng rào chắn hoặc trồng cây xanh tại không gian trống khu vực chân cầu vượt. Khi đó, người dân muốn qua QL5 theo “lối tắt” này cũng sẽ rất khó.

QL5 là tuyến đường huyết mạch nối TP với các tỉnh, thành phía Đông Bắc, vì vậy, lượng người và phương tiện qua lại rất đông. Do đó, kiến nghị Sở GTVT Hà Nội chỉ đạo đơn vị quản lý tuyến đường sớm nghiên cứu, có giải pháp ngăn chặn tình trạng người dân tự ý băng cắt qua QL5, đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực cầu vượt Phú Thụy.