Hiện hữu nguy cơ thiếu điện và lời giải về nguồn cung

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguy cơ thiếu điện hiện hữu đã được các chuyên gia chỉ ra và cũng đưa ra những kiến giải về tình hình cung ứng điện, cũng như giải nhằm đáp ứng điện cho nhu cầu phát triển kinh tế, sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp (DN) hậu Covid-19. Bộ Công Thương cũng đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ để tránh thiếu hụt điện trong thời gian tới.

Muối bỏ bể
Về nguy cơ thiếu điện năm 2022, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh (Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam) Hà Đăng Sơn đánh giá sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc phục hồi nền kinh tế, thiếu hay không là do kinh tế có mở. Nếu tiếp tục Knock out, chưa duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ không thiếu điện nhưng dẫn đến suy giảm kinh tế. Còn nếu duy trì được sản xuất như cũ lại là một câu chuyện khác.
Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh của T&T Group có công suất 45MW với tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng mỗi năm sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 75 triệu kWh năm. Ảnh: Nguyên Dương
Nên chú trọng các nguồn năng lượng tái tạo được quy hoạch với lưới truyền tải. Mấu chốt là đầu tư hạ tầng về truyền tải vì khi tư nhân tham gia vào sản xuất năng lượng họ cũng phải thấy được lợi ích gì, thu lợi sao. Bởi, khi đầu tư vào lưới truyền tải phải mất 15 - 20 mới thu hồi được nguồn vốn. Rồi còn giá điện bao nhiêu mới hấp dẫn được DN tư nhân đầu tư chứ không thể chỉ nhìn đến giá điện ổn định sản xuất, dân sinh...
Chuyên gia kinh tế Hà Đăng Sơn
Hiện các dự án điện gió hơn 3GB vừa được cấp phép có bù đắp thêm được về nguồn điện. Song thực tế, Bộ Công Thương, các DN phát điện mới là đơn vị rà soát, hiểu rõ năng lực các nguồn về khí, than... cho phát điện mới rõ được có thiếu điện hay không.
“Tùy tình hình cụ thể không thể nói thiếu điện theo kiểu bốc thuốc, nói vo. Bởi hiện hơn một nửa các đơn vị phát điện không phải thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nên DN có quyền chủ động trong câu chuyện về phí, rồi nhập than, vận hành... Về cơ bản mới chỉ giải quyết được khoảng 40% nguồn cung. Ngoài ra, các hoạt động về sản xuất kinh doanh sắp tới cũng khó định đoán vì dịch Covid-19” - vị này nói.
Đồng thời khẳng định, việc mấy GB điện gió chỉ là muối bỏ bể. Các dự án triển khai hiện bị cắt giảm rất nhiều do chưa có lưới truyền tải kết nối. Do đó, ưu tiên lớn nhất của Bộ Công Thương, EVN trong năm 2022 là phát triển điện tái tạo, qua đó sẽ góp được một phần về nguồn cung năng lượng. Đó là có một hệ thống hạ tầng cơ sở để có thể đấu nối và kết nối ổn định. Sau đó mới tính đến thiếu bao nhiêu để huy động các nguồn khác, nhất là điện gió và điện mặt trời.
“Việc vận hành điện không đơn giản. Cắt giảm là do năng lực của lưới truyền tải không chạy kịp đã được cảnh báo, nhưng do các chủ đầu tư rót vốn đều cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm của tất cả các hợp đồng mua bán điện, chấp nhận trong trường hợp lưới điện có rủi ro” - ông Hà Đăng Sơn nhấn mạnh.
Nhằm giảm nguy cơ thiếu điện, trước hết phải đầu tư triển khai các tuyến truyền tải, giải quyết câu chuyện về GPMB tại các địa phương. Vấn đề này không phải lĩnh vực của Bộ Công Thương hay EVN, mà phải có nỗ lực tổng thể, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TN&MT, các địa phương liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai vào cuộc giải quyết.
Không phải một sớm, một chiều
Đồng quan điểm, chuyên gia Nguyễn Thanh Sơn cho biết, một là, các ngành kinh tế với việc các DN, đơn vị sản xuất trở lại tiêu thụ điện nổi lên rõ nét là tiêu hao điện rất lớn. Khi sản xuất giảm mức tiêu hao điện mà tính cho 1 đồng CPI của Việt Nam là lớn gấp 3 lần của thế giới theo mức bình quân. Đấy là một nguy cơ không phải là bây giờ mà là cơ cấu của nền kinh tế của Việt Nam là một ngành kinh tế tiêu hao nhiều điện.
Hai là, do dịch có thể dẫn đến nguy cơ thiếu điện trong năm tới. Nhiều dự án điện gió, năng lượng tái tạo chậm tiến độ dẫn tới nguy cơ thiếu điện ảnh hưởng về cơ cấu nền kinh tế. Ba là, nền kinh tế là chưa hoàn thiện cơ cấu ngành điện không bền vững. Dự đoán, gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu hóa thạch nhập khẩu giá rất cao. Đơn cử giá than, giá dầu, khí phụ thuộc lẫn nhau. Cho nên do phụ thuộc nhập khẩu hạn chế cho phát điện, kể cả các dự án  của EVN, hay độc lập sẽ phải cân nhắc khi giá điện trong nước quá thấp. Hiện Chính phủ cũng có cái khó khăn của Chính phủ không thể tăng nên được. Về mặt thị trường, giá điện sẽ có ảnh hưởng nhất định đến cung cầu. 
Giải quyết một cách cơ bản phải từ tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là trong lĩnh vực năng lượng để tránh cán cân năng lương chưa hợp lý. “Nếu cứ đi nhập khẩu than cho điện không có hợp đồng dài hạn, hoặc là không có một giao kèo hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường sẽ khó để ổn định giá. Về sản xuất dầu khí đang giảm ảnh hưởng một loạt các nhà máy chạy khí cho điện, còn nhập khẩu khí hóa lỏng cũng vậy. Đây là cả một vấn đề không phải chuyện một sớm, một chiều mà mình có thể nhập khí hóa lỏng phát điện” - chuyên gia này nhấn mạnh.
Công nhân EVNHANOI kiểm tra điện mặt trời áp mái tại nhà dân ở quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Khắc Kiên
Muộn còn hơn không
Nhằm đảm bảo cung cấp điện, Bộ Công Thương và EVN đã đưa ra 5 giải pháp chính. Thứ nhất, thực hiện rà soát các dự án điện đang xây dựng và đưa vào vận hành trong giai đoạn 2021 - 2025, đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo tiến độ đã đề ra, chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng và vận hành các công trình nguồn và lưới điện. Bộ Công Thương dự kiến tổng công suất nguồn mới bổ sung năm 2022 đạt 3.164MW, bao gồm 1930MW nhiệt điện, 1.244MW thủy điện, trong đó 1.132MW thủy điện nhỏ. Bộ cũng đang chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) tập trung toàn lực, thúc đẩy Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 (1.200MW) phấn đấu hòa lưới điện tổ máy số 1 vào tháng 5/2022.
Thứ hai, rà soát các dự án có khả năng đẩy sớm tiến độ xây dựng và đưa vào vận hành để bổ sung khả năng cấp điện sớm trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.
Thứ ba, khẩn trương triển khai xây dựng các đường dây, trạm biến áp giải tỏa công suất các dự án hiện hữu, nhất là các công trình năng lượng tái tạo.
Thứ tư, chỉ đạo EVN đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết và triển khai thực hiện các Hợp đồng nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào.
Thứ năm, Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo EVN triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn vận hành, nâng cao khả dụng các nguồn điện nhất là vào cao điểm mùa khô ở miền Bắc…
Tuy nhiên, để đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, việc Chính phủ sớm phê duyệt Quy hoạch phát triển điện quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII) là giải pháp quan trọng góp phần giảm nguy cơ thiếu điện trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế đất nước, hậu Covid-19. Bàn về vấn đề, chuyên gia Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, muộn còn hơn không. Nhìn một cách toàn cảnh, vấn đề quy hoạch của nền kinh tế chứ không phải quy hoạch của ngành điện. Nếu phát triển kinh tế mà tiêu hao nhiều điện, cán cân năng lượng từ lâu Việt Nam đang là nước nhập khẩu năng lượng, nhập than, dầu khí... phải hạn chế để hài hòa cơ cấu kinh tế. 
Bộ Công Thương xác định 3 nguyên tắc chính đối với việc đảm bảo cung cấp điện trong năm 2022 và các năm tiếp theo, bao gồm: Tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sinh hoạt của Nhân dân, trong mọi tình huống không để xảy ra thiếu điện; Bám sát tăng trưởng nhu cầu điện, tình hình khôi phục và phát triển kinh tế để cập nhật dự báo phụ tải theo các kịch bản phụ tải cơ sở, kịch bản phụ tải phát triển cao trong điều kiện bình thường và điều kiện bất lợi nhất của năm 2022 và các năm tiếp theo để chỉ đạo, điều hành; EVN giữ vai trò chủ đạo, chịu trách nhiệm chính trong đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và các nhu cầu xã hội.