"Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất ban hành một số cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thúc đẩy DN ngành gỗ khởi nghiệp. Hạn chế xuất khẩu gỗ thô. Phát triển vùng nguyễn liệu gỗ lớn và ngành công nghiệp phụ trợ. Đồng thời, mở rộng mạng lưới phân phối gắn với xây dựng thương hiệu cho gỗ Việt. " - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường "Để tháo gỡ khó khăn cho DN, đề nghị các bộ, ngành tiếp tục cắt giảm một số chi phí bất hợp lý còn tồn đọng trong các khâu thuộc chuỗi cung ứng. Xây dựng những vùng nguyên liệu gỗ lớn, đạt chất lượng phục vụ chế biến. Đồng thời, áp dụng các ưu đãi về thuế thu nhập DN đối với ngành lâm nghiệp tương tự như với ngành thủy sản." - Tổng Giám đốc Công ty CP Woodsland Đỗ Thị Bạch Tuyết |
Hiện thực hóa giấc mơ gỗ Việt
Kinhtedothi - Năm 2018, xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam đạt trên 9,38 tỷ USD, chiếm gần 1/4 tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành NN&PTNT.
Làm thế nào để xuất khẩu đạt 11 tỷ USD trong năm 2019, tiến tới mục tiêu xa hơn là đưa Việt Nam sớm trở thành công xưởng đồ gỗ của thế giới, là vấn đề đặt ra trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu hiện nay. Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam Nguyễn Tôn Quyền xung quanh câu chuyện này.
Băn khoăn bài toán nguyên liệu
Thưa ông, so với năm 2018, giá trị xuất khẩu đặt ra trong năm 2019 cao hơn khoảng 10% (tương ứng 1,6 tỷ USD). Liệu mục tiêu này có khả thi?
- So với năm 2018, mục tiêu xuất khẩu 11 tỷ USD gỗ và lâm sản trong năm 2019 không phải là cao và chúng ta có nhiều cơ hội đạt được. Qua thống kê những đơn hàng mà các DN đã ký hợp đồng tính đến hết quý I/2019, tổng giá trị đã đạt khoảng 70% so với mục tiêu đặt ra. Chúng ta sẽ còn cả quý II/2019 để tìm kiếm thêm các hợp đồng, vì 6 tháng cuối năm, các DN sẽ phải tập trung vào sản xuất để kịp trả các đơn hàng xuất khẩu.
Việc các DN có thể thực hiện, hoàn thành được các hợp đồng hay không phụ thuộc vào những yếu tố nào, thưa ông?
- Bài toán đầu tiên đặt ra là nguyên liệu có đáp ứng đủ cho yêu cầu sản xuất hay không. Năm 2019, chúng ta cần cung ứng cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản khoảng 44 triệu mét khối, tức là tăng 3 triệu mét khối gỗ so với năm 2018 để thu về thêm khoảng 1,6 tỷ USD xuất khẩu. Về mặt khối lượng thì đây không phải là con số khó đáp ứng, nhưng vấn đề nằm ở chất lượng.
Hiện, diện tích gỗ rừng trồng của Việt Nam có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) khoảng 240.000ha; mỗi năm cung cấp cho thị trường gần 10 triệu mét khối. Ngoài ra, chúng ta còn có gỗ cao su và gỗ vườn nhà (xoài, mít, nhãn…), mỗi năm cung cấp được thêm khoảng 10 triệu mét khối. Việt Nam cũng được phép sử dụng thêm 2 loại gỗ khác để chế biến lâm sản xuất khẩu là gỗ có kiểm soát (chưa có FSC nhưng chứng minh được tính pháp lý), và gỗ thuộc các dự án đang xây dựng FSC. Nhưng con số này vẫn thiếu so với nhu cầu và buộc phải nhập khẩu.
Cùng với số lượng, hiện nay các thị trường đang ngày càng siết chặt tiêu chuẩn về nguồn gốc gỗ. Làm thế nào để chúng ta có thể đảm bảo 100% nguồn gỗ sử dụng là hợp pháp và bền vững?
- Hiện nay, đối với gỗ nhập khẩu thì 100% chúng ta đã kiểm soát được nguồn gốc. Để bảo đảm nguồn gỗ có xuất xứ hợp pháp thì một trong những nhiệm vụ đặt ra là phải sử dụng gỗ bền vững. Sử dụng kỹ thuật cao, công nghệ tuần hoàn để tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu. Chúng ta cũng phải xây dựng và nhân rộng được những mô hình liên kết giữa các DN trên cơ sở hợp tác - chia sẻ lợi ích. Ví dụ, DN A có đơn hàng, nhưng thiếu mặt bằng, nguồn nhân lực, thì có thể liên kết với DN B để sản xuất, rồi cùng chia sẻ lợi nhuận.
Hiện nay, không ít DN chế biến đang phối hợp chặt chẽ với các DN trồng rừng trong việc tạo ra những vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn FSC. Đơn cử như Công ty CP Lâm sản Nam Định (Nam Định), hay Công ty CP Woodsland (Hà Nội)..., đang giúp các DN trồng rừng, xây dựng chương trình quản lý rừng bền vững, nhà sơ chế, và thu mua toàn bộ gỗ mà DN trồng rừng làm ra. Đây là mô hình đang cho thấy hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng bảo đảm vùng nguyên liệu bền vững.
Cơ hội từ các hiệp định thương mại
Xu thế ngày một cạnh tranh hiện nay sẽ ảnh hưởng như thế nào tới đầu ra cho các sản phẩm gỗ và lâm sản của Việt Nam, thưa ông?
- Mỗi năm các quốc gia trên thế giới tiêu thụ khoảng 430 tỷ USD cho đồ gỗ. Những năm qua, các thị trường nhập khẩu gỗ và lâm sản chủ yếu của Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Trung Quốc vẫn ổn định, với mức tăng giá trị nhập khẩu từ 15 - 20%/năm. Hiện, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam đang đứng thứ 5 thế giới, thứ 2 châu Á (sau Trung Quốc) và số 1 tại khu vực Đông Nam Á. Gỗ và lâm sản nước ta cũng đã có mặt tại trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Nhưng xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam không thể chỉ trông chờ vào những thị trường truyền thống trên?
- Đúng vậy. Trong xu thế cạnh tranh hiện nay thì việc mở rộng thị trường là đòi hỏi cấp thiết. Tuy nhiên, chúng ta có thể lạc quan bởi thị trường thế giới đang rất mở cửa đối với Việt Nam. Dư địa cho xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản còn rất lớn, đặc biệt là sau nhiều hiệp định thương mại mà Việt Nam đã nỗ lực theo đuổi, ký kết thành công trong thời gian gần đây.
Đơn cử như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ cuối năm 2018 mở ra cơ hội để đồ gỗ và lâm sản trong nước tiếp cận thị trường Canada, Australia, Chile, Peru, Brunei...
Vào tháng 10/2018, Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), hay trước đó là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) cũng đã được thông qua. Những hiệp định trên mở ra thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản cho Việt Nam, đồng thời cải thiện thể chế về quản lý rừng và giải quyết tình trạng khai thác gỗ bất hợp pháp.
Thành - bại ở năng lực nội tại
Ông đánh giá như thế nào về khía cạnh chính sách thu hút và hỗ trợ đầu tư của Chính phủ đối với nhóm DN chế biến gỗ và lâm sản?
- Có thể nói về mặt chính sách, Chính phủ đã mở hết cửa cho ngành gỗ, từ thuế, hải quan, logistic, đến hỗ trợ tài chính… Vừa qua, tại buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu, cũng đã tổ chức họp với 5 bộ, ngành và các hiệp hội (trong đó có Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam). Theo đó, cả 4/4 kiến nghị của các DN trong ngành gỗ đã được Tổ công tác chỉ đạo các bộ, ngành xem xét, điều chỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN.
Tôi lấy ví dụ như đối với dự kiến tăng thuế xuất khẩu dăm mảnh từ 2% lên 5%; sau khi Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam có ý kiến, đề xuất chưa nên áp dụng, Bộ NN&PTNT đã quyết định sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng lộ trình chứ không tăng ngay lập tức. Hay như với đề nghị không áp dụng kiểm dịch thực vật với gỗ tròn, gỗ xẻ nhập khẩu trong trường hợp các lô gỗ đã được các nước xuất khẩu chứng nhận kiểm dịch, Tổng cục Hải quan cũng cho biết, sẽ xem xét nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các DN…
Có phải ông muốn đề cập tới năng lực nội tại và sức cạnh tranh của các DN trong nước?
- Chính xác là như vậy. Bấy lâu nay, các DN trong ngành gỗ của Việt Nam vẫn tồn tại 3 vấn đề lớn, dù đã phấn đấu cải thiện nhưng chưa đạt yêu cầu. Đó là trình độ quản trị, năng suất lao động thấp và thiếu vốn để đầu tư chiều sâu công nghệ.
Hiện, Việt Nam có 821 DN FDI tham gia ngành gỗ, đóng góp 4,3 tỷ USD cho xuất khẩu năm 2018. Trong khi đó, 1.500 DN trong nước mới đóng góp xuất khẩu đạt 5,7 tỷ USD. Dù giá trị tuyệt đối mà DN trong nước tạo ra lớn hơn, nhưng năng suất thì chỉ bằng khoảng 1/2. Ở cả 3 khía cạnh: Thị trường, vốn và công nghệ, các DN FDI đều vượt trội DN trong nước.
Tuy nhiên, các DN FDI đang hoạt động như những “ốc đảo”, khiến các DN trong nước gần như không thể tiếp cận học tập. Đây là vấn đề mà Nhà nước cần nghiên cứu để giúp nâng cao năng lực cho các DN ngành gỗ trong nước.
Xin cảm ơn ông!