KTĐT - Có trụ sở tại Bonn, Đức, Hiệp hội 4C là tổ chức quốc tế thực hiện bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng càphê. Hiệp hội càphê ca cao Việt Nam (Vicofa) là thành viên sáng lập của hiệp hội này.
Hiệp hội 4C đã thông báo việc mở văn phòng khu vực tại Việt Nam, sau Uganda, Nicaragua và Brazil trong cuộc hội thảo về phát triển càphê bền vững được tổ chức tại thành phố Đà Lạt ngày 4/12.
Có trụ sở tại Bonn, Đức, Hiệp hội 4C là tổ chức quốc tế thực hiện bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng càphê. Hiệp hội càphê ca cao Việt Nam (Vicofa) là thành viên sáng lập của hiệp hội này.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi những bài học kinh nghiệm, thảo luận và đưa ra một số kiến nghị thực tế cho việc hợp tác nhằm phát triển bền vững ngành càphê của Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Vicofa đã trình bày chi tiết đề xuất cho Chương trình phát triển ngành càphê hướng tới sản xuất và kinh doanh bền vững tại Việt Nam cho tới năm 2020.
“Chúng tôi mong có sự hợp tác chặt chẽ với Hiệp hội 4C, đặc biệt là trong các lĩnh vực tập huấn và nâng cao năng về các thực hành nông nghiệp bền vững, an toàn thực phẩm, cải thiện chất lượng, truy nguyên sản phẩm cũng như xây dựng nhóm nông hộ”, ông Phan Huy Thông - Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát biểu.
Cũng tại hội thảo, đại diện Hiệp hội 4C đã thông báo về tiến trình và các giai đoạn tiếp theo được nêu trong chiến lược mới cho đến năm 2015.
Các thành viên của Hiệp hội 4C đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tế liên quan đến việc áp dụng các khái niệm của 4C tại Việt Nam và các khu vực khác.
Ngoài ra, hội thảo còn được nghe một tham luận về kinh nghiệm và thách thức trong việc thực hiện các sáng kiến bền vững do Hiệp hội 4C và đại diện của hai tổ chức tiêu chuẩn đang hoạt động tại Việt Nam là Utz Certified và Rainforest Alliance trình bày.
Sau hội thảo, trong chuyến đi thực địa tới một số vùng càphê của tỉnh Lâm Đồng, các đại biểu quốc tế đã có dịp hiểu biết thêm về tình hình sản xuất và việc áp dụng bộ quy tắc 4C tại Việt Nam./.