Hiệu quả của… họp

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 25/12 tới đây, Quyết định số 45/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ họp trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan thuộc hệ thống hành chính nhà nước sẽ có hiệu lực thi hành, trong đó quy định rõ 5 trường hợp không tổ chức cuộc họp, đồng thời quy định chặt chẽ về thời gian tổ chức các cuộc họp để các cơ quan, đơn vị áp dụng.

Đây có thể coi là “liều thuốc” cụ thể để góp phần giải quyết được tình trạng họp hành quá nhiều, nhưng có những lúc lại không hiệu quả như hiện nay.
Theo Quyết định này, tới đây sẽ không còn những cuộc họp giải quyết các công việc thường xuyên trong tình hình có thiên tai hoặc tình trạng khẩn cấp; không họp giải quyết công việc đã được phân quyền, phân cấp, ủy quyền cho cấp dưới giải quyết… và đặc biệt không họp kết hợp với tham quan, giao lưu, nghỉ mát. Thời gian tối đa của các trường hợp cần họp khác cũng được quy định rõ, để tránh tình trạng “rềnh ràng”, việc nhỏ nhưng họp quá lâu.
Nhìn từ thực tế có thể thấy, đã rất nhiều lần Chính phủ yêu cầu các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh đổi mới phương thức, lề lối làm việc; giảm hội họp, giấy tờ hành chính và chế độ báo cáo, tăng cường họp trực tuyến… Và hiện nhiều đơn vị, địa phương đã thay đổi tư duy và hành động trong tổ chức các cuộc họp. Các cuộc họp trực tuyến được tăng cường, các cuộc họp thừa thãi cũng giảm bớt. Việc xây dựng cơ chế một cửa liên thông điện tử, chữ ký số, dịch vụ công trực tuyến, giải quyết hồ sơ hành chính cho dân qua cơ chế điện tử bằng liên thông, cũng giúp giảm bớt họp.

Tuy nhiên, họp hành hiện vẫn tạo áp lực, gây quá tải lên tất cả vị trí của bộ máy nhà nước, khiến nhiều người không còn đủ thời gian để đầu tư giải quyết công việc chuyên môn. Vấn nạn họp nhiều nhưng không chất lượng, thậm chí là “vô thưởng vô phạt”, mất thời gian bàn ra, bàn vào mà không có ý nghĩa nhiều cho công tác chỉ đạo, điều hành sau đó vẫn là một thực tế phải nhìn nhận thẳng thắn. Như có chuyên gia trong lĩnh vực nội vụ đã thống kê, cứ 8 tiếng trên cả nước có gần 3.000 cuộc họp, ngân sách chi tiêu cho hội họp mất khoảng 1,5 tỷ đồng mỗi ngày. Có lãnh đạo nhận được hơn 400 giấy mời họp mỗi năm, chỉ đi họp đã hết ngày. Cũng bởi việc phải đi dự họp quá nhiều khiến không ít người không có thời gian và đủ trí tuệ bàn thảo vấn đề của cuộc họp, hoặc phải ủy quyền đi họp cho người không đúng thành phần, không đúng nhiệm vụ. Dẫn đến không ít trường hợp, đi họp chỉ để "điểm danh cho đủ", người họp không có đủ thông tin, kiến thức hay chuyên môn, trách nhiệm để phát biểu. Đồng thời, những cuộc họp mang danh nghĩa, nhưng thực chất là nghỉ dưỡng, tham quan, vui chơi giao lưu vẫn chưa thể chấm dứt cũng tiêu tốn không ít ngân sách, khiến dư luận đặt câu hỏi về sự lãng phí.

Giảm họp, nâng cao chất lượng họp là một trong các nội dung quan trọng của cải cách hành chính. Bởi thế, Nghị quyết rất cụ thể của Chính phủ được kỳ vọng sẽ "ngay lập tức" trị dứt căn bệnh họp tràn lan hiện nay, để hướng đến một nền hành chính hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, những nội dung trong quy định mới này cũng giúp tăng trách nhiệm cho người lãnh đạo cơ sở, hạn chế họp hành không cần thiết. Khắc phục tình trạng đã được phân cấp, phân quyền, nhưng không chịu và không dám chịu trách nhiệm, có tâm lý đùn đẩy trách nhiệm cá nhân bằng cách họp để kéo tập thể vào.

Hơn nữa, với điều kiện công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, việc đẩy mạnh hình thức họp trực tuyến, đỡ tốn kém chi phí đi lại, đỡ tốn thời gian, chuyên nghiệp hơn chắc chắn sẽ tiếp tục được phát huy. Khi đó, họp của các cơ quan trong hệ thống hành chính không chỉ giảm về lượng, mà sẽ tăng về chất là điều nhiều người mong muốn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần