KTĐT - Đa số các đại biểu cho rằng nên chấm dứt việc hỗ trợ lãi suất ngắn hạn vào cuối năm 2009 để đỡ tốn tiền ngân sách, gây bất bình đẳng trong cạnh tranh, làm méo thị trường tiền tệ.
Chỉ 20% doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ lãi suất, gây ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần giải trình hiệu quả gói kích cầu thứ nhất để làm rõ các khoản tiền hỗ trợ đang chảy vào đâu.
Sáng qua 22/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội năm 2009 và nhiệm vụ năm 2010. Vấn đề được quan tâm bàn bạc là hiệu quả gói kích cầu lần thứ nhất và có nên tính tiếp gói kích cầu thứ hai. Các đại biểu Quốc hội cho rằng gói kích cầu lần một của Chính phủ đã cho kết quả khả quan nhưng không nên lạm dụng. Gói hỗ trợ này mang tính tạm thời và chỉ đến được với 20% số doanh nghiệp, tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh.
Đa số các đại biểu cho rằng nên chấm dứt việc hỗ trợ lãi suất ngắn hạn vào cuối năm 2009 để đỡ tốn tiền ngân sách, gây bất bình đẳng trong cạnh tranh, làm méo thị trường tiền tệ. Riêng gói kích thích đầu tư về trung hạn, phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn… nên duy trì thêm một thời gian nữa. Tuy nhiên, việc hỗ trợ này cần phải rạch ròi, đúng đối tượng để khắc phục những tồn tại của gói kích cầu lần một để lại.
Ông Hoàng Minh Nhất - Trưởng đoàn Đại biểu tỉnh Hà Giang đề nghị xem lại gói hỗ trợ cho nông dân cho rằng quá nhiều thủ tục và phi thực tế. Ông dẫn chứng để được vay khoản ưu đãi 2 triệu đồng, bà con phải tiến hành rất nhiều thủ tục chứng minh mình thuộc diện ưu đãi. Cách thức làm như vậy không chỉ khiến chính quyền địa phương khó xử, dân mất thời gian mà khoản vốn hỗ trợ vài triệu đồng này lại không giải quyết được các vấn đề về nhà ở, mua sắm thiết bị nông nghiệp...
Nhắc lại báo cáo của Chính phủ rằng vốn kích cầu đã giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, song đại biểu Trần Hồng Việt - ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cho rằng cần có những đánh giá sát thực tế và cụ thể hơn. "Báo cáo là vậy, nhưng thực chất thế nào thì chưa ai được rõ. Chính phủ nên báo cáo cụ thể, đánh giá xem việc thụ hưởng gói kích cầu có bao nhiêu phần trăm là đúng đối tượng, bao nhiêu phần trăm dùng để đảo nợ, bao nhiêu phần trăm dùng tiền vay ưu đãi đi gửi ngân hàng hưởng lãi suất cao. Báo cáo chưa có số liệu này, nhưng chắc chắn thực tế là có", ông nói.
Ông Việt cũng đề nghị dừng gói kích cầu ngắn hạn, bởi vừa qua chủ yếu doanh nghiệp "giàu" được thụ hưởng. "Cũng không loại trừ một vài doanh nghiệp bị ung thư, được chích một mũi cho đủ sức đi gặp ông bà cha mẹ lần cuối rồi chết", ông ví von.
Dù thừa nhận rằng gói kích cầu đã đem lại những chuyển biến rõ rệt cho giao thông nông thôn, song đại biểu Huỳnh Minh Chắc, đoàn Hậu Giang, cũng nhìn nhận giải pháp này vẫn xa vời thực tế nên chưa phát huy hiệu quả. Theo quy định các trường hợp được hỗ trợ lãi suất phải mua thiết bị với tỷ lệ nội địa hóa 100% nhưng thực tế thấy tỷ lệ nội địa hóa máy móc thiết bị của VN mới chỉ đạt 60%. "Tôi nói thật, kích cầu vừa qua có nhiều điểm bất cập nhưng lại quá chậm khắc phục", ông nói.
Phó trưởng Đoàn đại biểu TP HCM - Trần Du Lịch đề nghị ngừng ngay gói kích cầu lần một vì cho rằng không còn phù hợp với thực tế và đang phát sinh tiêu cực. "Có những doanh nghiệp tôi đến làm việc báo cáo khoản lợi nhuận lên tới 40 tỷ đồng nhưng trong đó lại có tới 35 tỷ đồng được hưởng từ nguồn vốn ưu đãi. Nếu vẫn còn gói kích cầu này thì vẫn còn một số đơn vị tiếp tục hưởng lợi nhuận một cách vô lý", ông nói.
Ông Lịch đề nghị Chính phủ rà soát lại và báo cáo chi tiết hiệu quả gói kích cầu, nhất là trong bối cảnh dư luận đang đặt câu hỏi phải chăng vốn hỗ trợ đang bị sử dụng sai mục đích, có những khoản chảy vào bất động sản hoặc chứng khoán. "Tôi biết Ngân hàng Nhà nước20 đang xác minh việc này và sẽ sớm có báo cáo trước Quốc hội", ông Lịch nói.
Cùng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Bạch Hường và Đặng Huyền Thái cũng cho rằng Quốc hội cần nghe báo cáo đầy đủ về gói kích cầu thứ nhất để xem hiệu quả sử dụng vốn đến đâu, cái gì cần rút kinh nghiệm. "Chúng tôi muốn có câu trả lời rõ ràng việc có hay không một lượng tiền lớn chảy vào bất động sản, chứng khoán", Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn đầu tư phát triển Việt Nam Nguyễn Thị Nguyệt Hường nói.
Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết Thanh tra Chính phủ vẫn theo dõi sát việc triển khai gói kích cầu để phòng ngừa tiêu cực. Lý giải về việc thanh tra Chính phủ chưa có phản ứng trước những luồng dư luận về hiệu quả gói kích cầu thấp, ông Truyền cho biết Chính phủ mong muốn triển khai nhanh gói kích cầu để mong đạt hiệu quả, do vậy nếu thanh tra vào cuộc sẽ khó khăn cho quá trình thực hiện.
"Về nguyên tắc, thanh tra không được cản trở hoạt động của doanh nghiệp. Nếu thanh tra ngay, sẽ khiến họ phân tâm và cũng khó khăn trong hoạt động kinh doanh khi mà dư luận bên ngoài nhìn vào rồi đặt câu hỏi không biết doanh nghiệp có việc gì mà bị thanh tra", ông Truyền nhấn mạnh.
Sáng nay, các đại biểu Quốc cũng đề cập đến các nội dung liên quan đến chỉ tiêu tăng trưởng GDP, lạm phát theo báo cáo của Chính phủ.
Theo đề xuất của Chính phủ, bội chi ngân sách năm 2010 có thể giữ mức 6,5% GDP. Trong khi đó, Ủy ban Kinh tế Quốc hội lại đề nghị dưới 6%. Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Hồng Việt - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội vấn đề không nằm ở các con số thống kê dự báo, mà cần nhìn vào thực tế, hiệu quả đầu tư ra sao. "Chứ cứ đưa ra chỉ tiêu, cuối năm cố gắng để có được con số đẹp là xong thì không ổn. Tôi có cảm nhận Chính phủ sử dụng ngân sách hơi dễ dãi", ông nói thêm.
Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang - Hoàng Minh Nhất cũng cho rằng cần phải đánh giá lại mục tiêu tăng trưởng kinh tế GDP năm 2010 - 6,5%. Ông cho rằng nếu chốt một một mức như vậy mà không có độ giãn sẽ khó thực hiện, vô hình chung tạo sức ép cho Chính phủ để cố gắng đạt con số đẹp. "Chỉ số CPI cũng vậy nếu tính toán chưa kỹ mà áp đạt con số 7% e rằng sẽ khó thực hiện. Trong khi đó, lạm phát lại ảnh hưởng lớn đến vấn đề an sinh xã hội", ông Nhất nói.
Nhiều đại biểu khác cũng đề nghị Chính phủ cần làm rõ căn cứ để đưa ra các chỉ tiêu GDP 6,5% và CPI 7% của năm sau.