Kinhtedothi - Trong năm 2015, Hà Nội đã triển khai các chương trình khuyến công có hiệu quả tích cực thúc đẩy phát triển công nghiệp ở nông thôn như: Tổ chức cấy nghề, truyền nghề tiểu thủ công nghiệp; nâng cao năng lực quản lý cho các DN, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT); hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến; hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT; cung cấp thông tin, hỗ trợ thiết kế mẫu sản phẩm với hàng trăm DN, cơ sở CNNT, hàng ngàn lao động được hỗ trợ, tạo việc làm.
Nhiều kết quả đáng mừng
Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, việc mở rộng thị trường thế giới là một yêu cầu sống còn. Vì vậy, những năm gần đây, Hà Nội đã tổ chức Hội chợ Quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội (Hanoi Gift Show), đồng thời tổ chức nhiều đoàn DN tham dự các hội chợ quốc tế trong nước. Tại Hanoi Gift Show 2015 diễn ra tháng 10 vừa qua đã có gần 600 gian hàng của trên 200 cơ sở sản xuất đến từ 28 tỉnh, TP trong cả nước tham gia trưng bày.
Hội chợ thu hút trên 600 nhà nhập khẩu nước ngoài tham quan giao dịch. Kết quả, đã có trên 1.200 biên bản thỏa thuận, biên bản ghi nhớ và 10 hợp đồng xuất khẩu trực tiếp trị giá trên 300.000USD được ký kết giữa các DN Việt Nam với các nhà nhập khẩu nước ngoài. Doanh thu bán lẻ ước đạt trên 6 tỷ đồng Việt Nam. Có thể nói việc đưa Hanoi Gift Show trở thành hội chợ thường niên đã trở thành cầu nối hiệu quả giữa các DN thủ công mỹ nghệ trong nước với các nhà nhập khẩu nước ngoài, các hợp đồng ký kết, biên bản ghi nhớ tăng dần theo các kỳ hội chợ. Ngoài ra, Hà Nội cũng hỗ trợ 13 cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tham gia Hội chợ quốc tế đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ (Lifestyle 2015) tại TP Hồ Chí Minh, các đơn vị tham gia hội chợ tìm kiếm được từ 3 - 5 khách hàng tiềm năng, trong đó 5/13 DN ký hợp đồng xuất khẩu trong năm 2015. Tổ chức 2 đoàn với 16 cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tham gia Hội chợ quốc tế hàng thủ công mỹ nghệ tại Dubai và Hongkong (Trung Quốc), các đơn vị tham gia hội chợ tìm kiếm được từ 4 - 7 khách hàng tiềm năng...
Bước ra thế giới là yêu cầu sống còn thì mẫu mã sản phẩm là một trong những tiêu chí hàng đầu để chinh phục khách hàng quốc tế. Trong nhiều năm qua, Hà Nội đã liên tục tổ chức cuộc thi “Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội”. Cuộc thi năm nay thu hút gần 100 đơn vị với gần 300 mẫu sản phẩm mới tham dự. Kết quả đã có 35 sản phẩm đạt giải được UBND TP công nhận. Ông Đàm Tiến Thắng - Phó Giám đốc Sở Công Thương, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi đánh giá, cuộc thi không chỉ tìm ra những sản phẩm đạt giải mà quan trọng nó đã khơi dậy tính sáng tạo, lòng say mê thiết kế của các DN, nghệ nhân, thợ giỏi trên địa bàn Thủ đô; là tiền đề quan trọng tạo ra một phong trào thi đua thiết kế mẫu mới trong cộng đồng DN thủ công mỹ nghệ, góp phần khắc phục thiếu sót trong thiết kế mẫu sản phẩm mới cho các DN, nhất là DN xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ. Cũng với mục tiêu đó, năm 2015 Hà Nội đã hỗ trợ 5 cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ thiết kế mẫu sản phẩm mới, mỗi đơn vị được hỗ trợ 2 - 5 mẫu sản phẩm mới. Các mẫu sản phẩm mới được hỗ trợ góp phần đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, đáp ứng yêu cầu khách hàng trong và ngoài nước.
Hoạt động truyền nghề, cấy nghề vẫn được đánh giá là trọng tâm của công tác khuyến công Hà Nội, với việc triển khai 100 lớp truyền nghề cho 3.500 lao động nông thôn. Trong đó có 70 lớp truyền nghề cho các làng thuần nông. Kết thúc truyền nghề, trên 80% số lao động có việc làm, thu nhập ổn định. Các lớp truyền, cấy nghề đã góp phần quan trọng vào việc thay đổi cơ cấu kinh tế của nhiều làng xã, nhiều làng nghề truyền thống ở Hà Nội đã được hồi sinh và phát triển mạnh mẽ, nhiều làng chưa có nghề được truyền nghề mới, tạo công ăn việc làm cho lao động, tăng thu nhập và phát triển kinh tế địa phương.
Ngoài ra, gần 500 cán bộ lãnh đạo, quản lý DN, HTX, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn các huyện: Sóc Sơn, Ứng Hòa và thành viên của Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ làng nghề Hà Nội, Liên minh HTX Việt Nam được hỗ trợ tham gia các lớp tập huấn hội nhập kinh tế quốc tế do các phó giáo sư, tiến sĩ nhiều kinh nghiệm truyền đạt. Ba cơ sở CNNT cũng được hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn.
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khuyến công
Đó là một trong những mục tiêu chính thực hiện trong năm 2016 được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đặt ra. Ông Hoàng Xuân Thủy - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội) cho biết, sẽ có 120 lớp truyền nghề, trong đó 80 lớp truyền nghề cho các làng thuần nông, 40 lớp truyền nghề cho các làng đã có nghề với tổng số 4.200 lao động được tổ chức, tổ chức 10 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng quản trị kinh doanh, kỹ năng lãnh đạo, quản trị marketing, thiết kế mẫu sản phẩm… cho các chủ DN, cơ sở CNNT; hỗ trợ 10 DN đổi mới máy móc, thiết bị nhằm tăng năng suất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tổ chức Hội chợ quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2016, Cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ năm 2016, hỗ trợ tư vấn thiết kế sản phẩm cho 10 cơ sở CNNT, hỗ trợ 25 - 30 cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tham gia hội chợ nước ngoài, 35 - 40 cơ sở CNNT tham gia hội chợ trong nước. Tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động phòng Trưng bày sản phẩm làng nghề. Các hoạt động Khuyến công được triển khai với mục tiêu hỗ trợ từ 700 - 1000 cơ sở CNNT, tạo việc làm cho 10.000 - 12.000 lao động nông thôn.
Hướng dẫn đan hàng thủ công mỹ nghệ cho thế hệ trẻ tại huyện Chương Mỹ. Ảnh: Bá Hoạt
|