Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân, đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Gia Lâm đã chỉ đạo các xã tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

Trong đó, tập trung vào những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.

Nhiều mô hình sản xuất tiêu biểu

Một trong những xã đi đầu trong việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên địa bàn huyện Gia Lâm là xã Đa Tốn - xã điểm NTM của huyện. Đến xã Đa Tốn thời điểm này, nhiều mô hình chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, trồng hoa, cây ăn quả… đã hình thành, mang lại luồng sinh khí mới cho sản xuất nông nghiệp nơi đây. Anh Nguyễn Văn Thành, chủ một trang trại ở thôn Khoan Tế, xã Đa Tốn cho biết, với diện tích 2ha, anh quy hoạch 1,3ha nuôi trồng thủy sản, còn lại trồng cây ăn quả và xây chuồng chăn nuôi gà. Để có thu nhập cao, anh đầu tư nuôi, trồng các cây, con đặc sản như cá điêu hồng, ếch, gà Đông Tảo, bưởi Diễn, nhãn muộn, hồng xiêm Xuân Đỉnh, ổi Đông Dư... Trừ chi phí, mỗi năm anh Thành thu lãi gần 200 triệu đồng.
Trồng hoa chất lượng cao tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm.          Ảnh : Minh Liễu
Đoàn khách tham quan mô hình trồng hoa chất lượng cao tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm. Ảnh : Minh Liễu
Đại diện HTX Dịch vụ tổng hợp Đa Tốn cho biết, trong 3 năm qua, diện tích chuyển đổi của xã đạt 120ha, với nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, 11ha trồng rau an toàn, 34ha nuôi trồng thủy
Huyện Gia Lâm hiện có 3 xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí NTM là Đa Tốn, Yên Viên và Bát Tràng; 12 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 - 18 tiêu chí; 5 xã đạt và cơ bản đạt từ 10 - 14 tiêu chí.
sản, 40ha trồng cây ăn quả đặc sản (cam Canh, bưởi Diễn…). Việc xây dựng những mô hình chuyển đổi hiệu quả không chỉ giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập mà còn hướng đến việc sản xuất đảm bảo ATTP, vệ sinh môi trường và tiêu thụ sản phẩm ổn định. Đặc biệt, theo ông Lê Thanh Phương - Phó Chủ nhiệm HTX Dịch vụ tổng hợp xã Đa Tốn, mới đây, xã đã quy hoạch hơn 1ha trồng thí điểm các loại hoa chất lượng cao như hoa ly, cúc, đào Nhật Tân. Bên cạnh đó, HTX đang tiếp tục xây dựng nhà lạnh hoàn thiện đề án 3,4ha trồng hoa lan chất lượng cao.

Ngoài xã điểm Đa Tốn, nhiều xã khác trên địa bàn huyện Gia Lâm cũng tích cực nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả như: Trồng rau an toàn ở Văn Đức, Đặng Xá, Đông Dư; trồng ổi xã Đông Dư, Đa Tốn; trồng chuối tiêu hồng xã Cổ Bi… Riêng lĩnh vực thủy sản, huyện chỉ đạo tập trung khai thác diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh. Hiện, toàn huyện có 453ha nuôi trồng thủy sản với 533 hộ tham gia sản xuất, trong đó đáng chú ý, mô hình nuôi cá lồng bè tại xã Văn Đức hiện có 20 hộ tham gia.

Quy hoạch theo từng xã

Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, giá trị canh tác trên địa bàn huyện Gia Lâm đã tăng lên đáng kể, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, nhiều lao động có việc làm và thu nhập ổn định. Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 của huyện đạt 24,4 triệu đồng/người/năm. Đại diện UBND huyện Gia Lâm cho biết, để tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả cao, huyện tập trung chỉ đạo làm tốt công tác dồn điền đổi thửa, tập trung thực hiện tại 5 xã là Dương Quang, Lệ Chi, Kim Sơn, Trung Mầu và Phú Thị. Đến nay, UBND huyện đã phê duyệt phương án dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng NTM của 5 xã, trên cơ sở đó đã thực hiện dồn được hơn 1.000ha, bình quân mỗi hộ chỉ còn 1 - 2 thửa ruộng. Huyện phấn đấu trong năm 2014, hoàn thành dồn đổi theo kế hoạch được giao.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Hùng cho biết, huyện tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình. Trong quý I/2014, huyện đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện triển khai 23 dự án từ Quỹ hỗ trợ việc làm với số vốn trên 6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện tiến hành lập phương án quy hoạch vùng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng xã theo quy hoạch xây dựng NTM và đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Huyện đặt ra nhiệm vụ trọng tâm trong quý II/2014, đẩy nhanh việc thực hiện chính sách hỗ trợ mô hình giống mới, giống lúa tiến bộ kỹ thuật, giống chất lượng trong vụ xuân. Đồng thời, tiếp tục hướng dẫn xây dựng vùng sản xuất rau an toàn tập trung tại xã Yên Thường, Yên Viên và kiểm tra, đôn đốc các đơn vị việc thực hiện các phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong đó, lưu ý các đơn vị cơ sở chuyển đổi một số diện tích canh tác lúa khó khăn sang trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản thực hiện đảm bảo đúng quy định pháp luật.