Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiệu quả từ cơ giới hóa nông nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng nhiều địa phương trên địa bàn huyện Phú Xuyên, xã Đại Thắng đang phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa với việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Nổi bật là việc ứng dụng cơ giới hóa giúp bà con nông dân giảm chi phí, nâng cao năng suất.

Thay đổi một cách làm

Đầu năm 2012, khi Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) Phú Thắng đưa các loại máy vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, một số người dân trên địa bàn còn nghi ngờ tính hiệu quả. Sau một thời gian đưa 2 máy làm đất và 2 máy cấy vào sản xuất, người dân đã chứng kiến hiệu quả tích cực từ việc ứng dụng cơ giới hóa vào nông nghiệp. Từ đó, người dân bắt đầu thay đổi cách nghĩ, cách làm, sẵn sàng đưa cơ giới vào đồng ruộng. Việc này không chỉ giúp người dân xã Đại Thắng tăng năng suất mà còn đảm bảo tính thời vụ, nhất là trong điều kiện sản xuất lúa hai vụ hiện nay. Đến nay, trên địa bàn xã đã có 8 máy cấy, 7 máy làm đất và 20.000 khay nhựa làm mạ để phục vụ sản xuất cho hơn 30% diện tích của 289ha đất nông nghiệp.
Xã viên HTXNN Phú Thắng đang chuẩn bị đất để gieo mạ khay.
Xã viên HTXNN Phú Thắng đang chuẩn bị đất để gieo mạ khay.
Ông Phạm Văn Nhu, thôn Tại Xá là người đã bỏ ra gần 300 triệu đồng để mua 1 máy cấy và 1 máy làm đất chia sẻ, ngày trước, làm ruộng khổ vô cùng. Tất cả mọi việc đều phải làm bằng tay và sử dụng sức kéo của trâu, bò. Còn cấy lúa thì 3 người cả ngày mới xong một sào ruộng. “Bây giờ thì đỡ vất vả hơn rất nhiều! Mọi việc máy móc làm hết, vừa đỡ tốn công vừa tiết kiệm chi phí. Tôi đầu tư mua các loại máy từ năm 2013 đến nay. Ngoài việc làm đất và cấy 8 sào ruộng của nhà, tôi còn làm đất 150 mẫu ruộng và cấy 50 mẫu ruộng cho các hộ trong vùng. Nhờ đó, gia đình có thêm nguồn thu nhập đáng kể trang trải cuộc sống”.

Hiệu quả rõ rệt

Phó Chủ nhiệm HTXNN Phú Thắng Nguyễn Hữu Thụ bộc bạch, nếu như trước đây hình ảnh “Con trâu đi trước, cái cày theo sau” rất quen thuộc với người nông dân, thì ngày nay hình ảnh này đang mất dần. Thay vào đó, mỗi khi vào vụ chuẩn bị xuống giống hay thu hoạch, trên những cánh đồng của xã Đại Thắng là các loại máy móc làm đất và máy cấy mạ khay thay thế cho lao động thủ công trước đây. “Việc áp dụng cơ giới hóa vào nông nghiệp giúp giảm chi phí sức lao động, giảm sâu bệnh, tăng năng suất từ 15 - 20%” - ông Thụ cho biết thêm.

Chủ tịch UBND xã Đại Thắng Phạm Văn Hùng cho biết, với số máy hiện có cùng đội ngũ xã viên có đủ năng lực làm chủ kỹ thuật xã đang tiếp tục triển khai cơ giới hóa trên đồng ruộng. Những năm qua, do tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, thanh niên chủ yếu tập trung vào làm nghề truyền thống hoặc đi làm ở bên ngoài nên cứ vào mùa vụ, lao động địa phương rất thiếu. Có thời điểm, người dân phải thuê nhân công cấy với giá cao 200.000 - 250.000 đồng/ngày, rất tốn kém. Do vậy, việc đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp là việc làm cần thiết, đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng triển khai được do còn phụ thuộc nhiều yếu tố. “Công tác dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp trên địa bàn xã đã thực hiện thành công 100% diện tích nên việc tổ chức sản xuất và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới diễn ra thuận lợi” - ông Hùng khẳng định.