Tới dự có Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu.
Theo bà Hồ Xuân Hương – Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật TP, kể từ khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành, công tác tổ chức và hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn TP đã có nhiều chuyển biến tích cực, nâng cao được hiệu quả, chất lượng hòa giải, vai trò ngày càng được củng cố. Các tổ hòa giải, hòa giải viên đã góp phần to lớn vào việc củng cố đoàn kết Nhân dân, ngăn ngừa kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm, giảm bớt những vụ việc phải đưa ra cơ quan xét xử, mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội cho Nhà nước và cho Nhân dân. Tỷ lệ hòa giải thành đạt cao trong 3 năm với 80%.
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong 3 năm triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở. Ảnh: Thái San |
Bên cạnh đó, vị trí, vai trò của các tổ hòa giải, hòa giải viên trong đời sống xã hội được khẳng định và được đón nhận trong cộng đồng dân cư. Việc lựa chọn các hòa giải viên được chú ý hơn về năng lực, uy tín đã phát huy được nhiều thuận lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo hiệu quả. Nhiều đơn vị trên địa bàn TP đã có nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, quán triệt Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản pháp luật có liên quan. Tại huyện Phúc Thọ, các tổ hòa giải sinh hoạt định kỳ 1 tháng/1 lần, có thể họp đột xuất, các tổ hòa giải cơ sở đa số hoạt động theo hình thức họp mặt gặp gỡ, trao đổi, vận động thuyết phục. Nhiều đơn vị vẫn tích cực duy trì mô hình hoạt động tổ hòa giải 5 tốt (phát hiện vụ việc kịp thời, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tốt, tổ chức hòa giải tốt (hòa giải thành từ 80% trở lên), bồi dưỡng, tập huấn hòa giải viên tốt, định kỳ giao ban, báo cáo sơ kết, tổng kết tốt), như các quận, huyện: Long Biên, Gia Lâm, Bắc Từ Liêm, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đánh giá, thực tiễn 3 năm thi hành đã cho thấy Luật có những tác động, hiệu ứng tích cực, đã phát huy được vai trò quan trọng trong công tác hòa giải ở cơ sở. Trong đó, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác phổ biến, quán triệt, tổ chức thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở được thực hiện bài bản với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực, hiệu quả. Đội ngũ hòa giải viên, mạng lưới các tổ hòa giải, đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác hòa giải tiếp tục được quan tâm kiện toàn. TP đã có nhiều giải pháp huy động được đội ngũ luật sư, luật gia có kinh nghiệm tham gia công tác hòa giải.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, để công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn TP ngày một hiệu quả, thiết thực, TP chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước của chính quyền đối với công tác hòa giải; quan tâm đến các lĩnh vực dễ nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp (quản lý đất đai, cấp sổ đỏ, thu hồi đất, GPMB, trật tự xây dựng...) nhằm hạn chế phát sinh mâu thuẫn. Đồng thời, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, bồi dựỡng, tập huấn nghiệp vụ và kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải và cung cấp tài liệu cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. “Ngoài ra, các đơn vị: Tây Hồ, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai phải xem xét để kiện toàn tổ hòa giải theo thôn, tổ dân phố. Sở Tư pháp ban hành văn bản hướng dẫn mô hình hòa giải 5 tốt nhân rộng trên địa bàn TP; đẩy mạnh tuyên truyền về công tác hòa giải ở cơ sở” - Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.