Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiệu quả từ hòa giải cơ sở ở Láng Thượng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mục đích chính của công tác hòa giải cơ sở là nhằm giữ gìn tình đoàn kết và tương ái trong cộng đồng, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Đây là nhiệm vụ quan trọng được lãnh đạo phường Láng Thượng (quận Đống Đa) quan tâm quán triệt tới cán bộ nhằm giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.

Chú trọng kiện toàn đội ngũ hòa giải viên

Bà Nguyễn Thị Thu Hà – Cán bộ Tư pháp phường Láng Thượng cho biết, Láng Thượng là một trong những phường đang trong quá trình đô thị hóa nhanh với 6.153 hộ và 32.575 nhân khẩu, trình độ dân trí không đồng đều nên có nhiều khó khăn nhất định trong việc triển khai và thực hiện công tác hòa giải. Do đó, trong những năm qua, UBND phường Láng Thượng luôn quan tâm, chú trọng đến công tác kiện toàn, nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của các tổ hòa giải; định hướng việc tổ chức bầu chọn đội ngũ hòa giải viên để chọn người có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín trong cộng đồng dân cư và có khả năng thuyết phục, vận động Nhân dân.
Một buổi rút kinh nghiệm về công tác hòa giải cơ sở của Tổ hòa giải số 9, phường Láng Thượng.
Một buổi rút kinh nghiệm về công tác hòa giải cơ sở của Tổ hòa giải số 9, phường Láng Thượng.
Theo đó, trong thời gian qua, 15 tổ hòa giải với 92 hòa giải viên đã hòa giải thành hàng trăm vụ việc mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư. Tính riêng năm 2015, hòa giải viên các tổ hòa giải đã hòa giải thành 43/45 vụ việc, đạt 94,6%, riêng 4 tháng đầu năm 2016 đã hòa giải thành 7/8 vụ việc. Không chỉ “tiên phong” trong việc hướng dẫn, thuyết phục, dàn xếp những mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, lực lượng hòa giải viên ở cơ sở còn phối hợp với các đoàn thể để tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt chủ trương đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

“Chỉ mong thất nghiệp”

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, bà Lê Thị Ngân Giang – Tổ trưởng Tổ hòa giải số 9 phường Láng Thượng chân thành chia sẻ: Trong suốt nhiều năm làm công tác hòa giải, các thành viên trong tổ luôn mong muốn được “thất nghiệp”.

Bởi lẽ, theo bà Lê Thị Ngân Giang, khi tổ hòa giải “thất nghiệp” thì đồng nghĩa với việc công tác hòa giải trên địa bàn đang được thực hiện tốt. Trải qua hơn 10 năm hoạt động, Tổ hòa giải số 9 đã hòa giải thành rất nhiều vụ việc. Trong đó, có một vụ việc mà đến nay các thành viên trong tổ luôn nhắc đến đó là vụ việc của bà H.T.N (SN 1949, ở khu C1 tập thể Phụ nữ T.Ư).

Bà Giang kể, thời điểm xảy ra vụ việc trên vào cuối năm 2014. Mâu thuẫn xuất phát từ việc gia đình bà N. có một cô con gái đã đi lấy chồng nhưng do hoàn cảnh đã xin về ở cùng bố mẹ đẻ. Khi về, cô con gái muốn xin bố mẹ cho ngăn nhà để tiện cho sinh hoạt nhưng không nhận được sự đồng ý từ bà N. Vì vậy, nảy sinh mâu thuẫn giữa hai mẹ con và làm mâu thuẫn giữa hai vợ chồng bà N. trước đó lại bùng phát. Đỉnh điểm là việc bà N. bị chồng nhiều lần đánh đập.

Sau khi tiếp đơn của bà N., các thành viên trong Tổ hòa giải số 9 đã phân công nhau đến gặp riêng từng người để nắm bắt quan điểm, tâm tư từng thành viên trong gia đình. Phân công từng thành viên không quản thời gian, kể cả những ngày nghỉ cuối tuần đi đến các gia đình xung quanh để nắm bắt vụ việc. Sau đó, cả tổ ngồi lại với nhau để tìm ra cách hòa giải tốt nhất. Cùng với đó, phối hợp với các đoàn thể để tổ chức nhiều buổi làm việc chung tại nhà cũng như tiếp tục gặp gỡ riêng để vận động, thuyết phục. Với sự kiên trì và đoàn kết, biết lắng nghe từ nhiều phía nên sau một thời gian ngắn vụ việc đã hòa giải thành công.

Rút kinh nghiệm từ công việc, các thành viên của Tổ hòa giải số 9 cho rằng, yếu tố quan trọng nhất để công tác hòa giải được thành công đó là người làm hòa giải phải nắm vững kiến thức pháp luật, có uy tín với người dân và tạo được sự gần gũi, gắn bó.