Đến xã Phượng Cách hỏi thăm về nghề nuôi bò sữa sẽ được người dân chỉ ngay ra khu nuôi bò Vạn Dâu. Tiên phong đưa bò sữa ra khu này là anh Nguyễn Bá Thiện, sinh năm 1975, còn gọi là Thiện "bò sữa".
Tâm huyết với nghề
Vào nghề năm 2002, bắt đầu nuôi từ 2 con, 3 con rồi 4 con, anh Thiện gặp rất nhiều khó khăn. Được 3 năm thì khủng hoảng bò sữa ập đến, anh tưởng chừng như không trụ nổi: Giá sữa quá rẻ phải đi bán rong từng lít một; xử lý môi trường bằng nhiều cách, nhiều kiểu nhưng không sao hết được mùi hôi từ phân bò làm ảnh hưởng đến sức khỏe mọi người trong gia đình và hàng xóm; thiếu kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm nên bò thường bị bệnh, sức đề kháng kém… Tiếp đến, năm 2008, do ảnh hưởng từ thông tin sữa nhiễm Melamin, việc tiêu thụ sữa đã khó lại càng khó. Tuy nhiên, với lòng đam mê, anh vẫn kiên trì theo đuổi, tìm cách khắc phục khó khăn.
Anh Nguyễn Bá Thiện chăm sóc đàn bò sữa của gia đình. Ảnh: Sơn Ngọc
|
Năm 2009, bước ngoặt trong nuôi bò sữa của gia đình anh cũng như một số hộ xung quanh là xã quy hoạch khu chăn nuôi tập trung, trong đó có khu nuôi bò sữa Vạn Dâu với diện tích 26ha (người dân quen gọi là khu 26ha). Bên cạnh đó, anh được nhiều cơ quan chuyên ngành quan tâm, hướng dẫn, động viên, chia sẻ, đặc biệt được Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội chọn để xây dựng mô hình điểm. Được đào tạo, tập huấn kỹ thuật cơ bản nên anh đã mạnh dạn đầu tư tăng đàn và mở rộng chuồng trại. Sau gần 5 năm ra khu chăn nuôi tập trung, bắt đầu từ 5 con bò, tổng đàn bò sữa của gia đình anh đến nay đã lên tới 26 con, trong đó thường xuyên có trên 50% số bò trong giai đoạn khai thác sữa.
Hỏi kinh nghiệm, anh cho biết, về chăm sóc nuôi dưỡng phải đảm bảo quy trình chăn nuôi một cách nghiêm ngặt, từ cho ăn đến vắt sữa và phòng chống dịch bệnh, xử lý môi trường; đầu tư máy cắt cỏ, máy vắt sữa và hệ thống chống nóng, xử lý môi trường nhằm giảm nhân công lao động và chi phí đầu vào. Về thức ăn chăn nuôi cần đảm bảo dự trữ đầy đủ, đặc biệt là trước mùa đông, tập trung ủ thức ăn theo phương pháp ủ xanh và ủ rơm với ure. Mùa thu hoạch ngô, đậu, lúa tại khu vực, anh đã tận dụng thu mua tối đa từ các gia đình không chăn nuôi để từ đó có nguồn thức ăn đầy đủ…
Tăng quy mô và năng suất
Đến nay đã có 16 hộ ra chăn nuôi tại khu Vạn Dâu với số bò gần 200 con, khi nuôi tập trung rất thuận lợi cho việc xử lý môi trường, cùng nhau tạo nguồn thức ăn và tiêu thụ sữa. Sắp tới, các hộ sẽ chung sức đầu tư máy móc, trang thiết bị vào khâu chế biến, sử dụng thức ăn hỗn hợp nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất.
Với 26 con bò hiện có, gia đình anh Thiện có khoảng 200kg sữa/ngày để nhập cho các công ty với giá bán trên 13.500 đồng/kg, thu gần 3 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi gần 50%. Dự kiến đến cuối năm 2015, đàn bò của gia đình anh sẽ có khoảng 40 con. Bên cạnh đó, anh sẽ tập trung nâng cao chất lượng đàn bò để cho lượng sữa đạt khoảng gần 5.000kg/chu kỳ từ mức khoảng 4.500kg/chu kỳ hiện nay.
Tuy nhiên, anh và các hộ nuôi bò sữa khác cũng còn nhiều băn khoăn vì giá các chi phí đầu vào thường không ổn định, nhất là thức ăn tinh. Thời tiết khí hậu thường biến đổi bất thường, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình chăn nuôi. Để chăn nuôi bò sữa phát triển mạnh hơn, anh rất mong các cơ quan chức năng thời gian tới tăng cường hơn nữa trong việc quản lý các hoạt động kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vaccine phòng bệnh để người chăn nuôi sử dụng đảm bảo hiệu quả, an toàn. Đồng thời tiếp tục có chính sách hỗ trợ việc nâng cao chất lượng giống, trang thiết bị trong sản xuất thức ăn, nhất là thức ăn hỗn hợp; đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất, được như vậy sẽ khuyến khích tăng nhanh số người nuôi, nâng cao quy mô đàn bò sữa, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất.