Nhìn những khuôn mặt, những nụ cười hả hê của những người (có cả "nam thanh, nữ tú") khi "nhanh tay" vơ được những lon, những thùng bia mà thấy đau lòng. Một lần nữa "căn bệnh" vô cảm, nhẫn tâm của một số người Việt được bộc lộ rõ nhất trong vụ "hôi bia" này! Mặc dù cơ quan Công an TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã khởi tố vụ án để điều tra về hành vi "Công nhiên chiếm đoạt tài sản". Thế nhưng, cho dù vụ án sau này có kết thúc thế nào thì hình ảnh của người Việt cũng đã một lần bị méo mó bởi cách hành xử vô cảm với đồng loại. Vẫn biết, vụ việc chỉ là hành vi của một số ít người tham lam và hùa theo "hội chứng đám đông" thế nhưng hậu quả tinh thần, niềm tin và tính giáo dục của nó thì vô cùng nặng nề. Hãy nhìn tinh thần cộng đồng và ý thức trách nhiệm của người dân một đất nước châu Á khác là Nhật Bản. Trong trận động đất và sóng thần xảy ra tại Nhật Bản đã khiến cho cả thế giới phải bàng hoàng khủng khiếp. Nhưng, cũng chính trong thảm họa đó những phẩm chất, tính cách của người Nhật cũng đã khiến cho cả thế giới phải ngưỡng mộ, khâm phục. Đó là ý chí kiên cường, sự bình tĩnh, trật tự, kỷ luật, tinh thần đoàn kết cộng đồng trong đau thương mất mát. Mặc dù sau thảm họa cửa nhà tan hoang, tất cả đều bị đói, khát nhưng người Nhật vẫn xếp hàng trật tự nhận khẩu phần ăn, không hề có sự chen lấn, xô đẩy. Tại sao người Nhật có được những phẩm chất, tính cách như vậy, trong khi người Việt Nam đã từng một thời là biểu tượng của "lương tri, hòa bình thế giới" trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thì nay, trong hòa bình phát triển lại có những con người vô cảm, nhẫn tâm trước nỗi đau của đồng loại? Có thể nói, sự mất mát vài ba trăm triệu đồng đối với một người làm nghề lái xe chở bia thuê như tài xế Hồ Kim Hậu (30 tuổi, quê Bình Định) là số tài sản vô cùng lớn. Việc bị người ta "hôi bia" dẫn đến hoàn cảnh vô cùng bi đát như nạn nhân bộc bạch "nếu phải đền bù tiền bia bị cướp tôi chỉ còn nước đi tù!". Thế nhưng, với những người tham gia "hôi của" mỗi người chỉ nhặt vài ba lon bia, hoặc người tham lam lấy đến vài ba thùng bia thì giá trị lấy được cũng không đáng là bao. Tuy nhiên, cái mất lớn nhất ở đây là nhân cách những con người, là sự mất niềm tin vào cộng đồng. Trong lúc cả dân tộc vẫn tự hào với truyền thống "lá lành đùm lá rách" thì việc "hôi bia" ở Biên Hòa thật đáng lên án! Đến mức có người dân Đồng Nai vì lòng tự trọng đã phải căng hẳn một băng rôn với dòng chữ "Là dân Biên Hòa, là người Việt Nam tôi thấy xấu hổ thay cho những ai đã "cướp vài lon bia" ở đây..."