Mối nguy từ nợ xấu DNNN
Công bố mới đây của cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu (có khả năng mất vốn), chiếm hơn 8,6% tổng dư nợ của toàn hệ thống tổ chức tín dụng, trong đó có đến 70% là của DNNN, nợ tư nhân chỉ chiếm phần nhỏ.
Ông Nagase Toshio, Phó Trưởng đại diện của Văn phòng JICA tại Việt Nam nói: Tái cấu trúc DNNN và xử lý nợ xấu không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết mà còn là một quá trình mang tính lịch sử. Nợ xấu của Việt Nam khác với các nước khác. Nợ xấu của Việt Nam gắn với nợ của khu vực DNNN. Thêm vào đó, nợ xấu còn gắn với đầu tư công. Phần lớn DN Việt Nam nhận dự án có vốn từ ngân sách Nhà nước và vay ngân hàng để thực hiện. Sau đó, ngân sách không có vốn để rót cho dự án, dẫn đến tình trạng nợ nần của DN. Và món nợ này đương nhiên trở thành nợ của DN với ngân hàng.
Các diễn giả đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý về xử lý nợ xấu và tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước. Ảnh: Hoàng Linh
Bên cạnh đó, do không có tiêu chí riêng cho DNNN vay vốn, nhiều ngân hàng thường có chút ưu tiên, ưu đãi riêng với các DN này, có ngân hàng lấy đối tượng khách hàng này làm trọng tâm, nên việc thẩm định dự án, hồ sơ vay vốn thiếu chặt chẽ. Đây chính là nguyên nhân khiến đồng vốn được sử dụng kém hiệu quả.
Cần hình thành thị trường nợ
Theo đề án tái cơ cấu DNNN, đến năm 2015, phải xử lý dứt điểm nợ xấu. Trụ cột chính đảm đương nhiệm vụ này là Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN thuộc Bộ Tài chính (DATC).
Theo ông Phạm Mạnh Thường, Phó Tổng giám đốc DATC, hiện Công ty đang có hai mục tiêu mâu thuẫn với nhau. Trước hết, DATC được giao nhiệm vụ là công cụ của Chính phủ trong việc xử lý nợ xấu tồn đọng. Tuy nhiên, Công ty cũng được yêu cầu phải có hiệu quả kinh tế trong mỗi giao dịch, đảm bảo an toàn như DN kinh doanh thông thường. Do đó, số lượng các giao dịch, quy mô nợ đã mua và xử lý của Công ty rất thấp so với yêu cầu của nền kinh tế. Sự mâu thuẫn này lại càng được đẩy cao khi tình hình nợ xấu đang báo động nhưng các ngân hàng vẫn không chịu chuyển giao hoặc bán nợ xấu cho DATC. Đối với các khoản nợ xấu mà họ thực sự muốn loại bỏ, các ngân hàng lại không muốn bán ở mức giá thấp.
Việc thiếu thông tin cũng là một phần đại diện DATC nhấn mạnh. Về nguyên tắc, DATC được phép truy cập và sử dụng thông tin có liên quan như các cơ quan thuế, bộ phận tài chính DN, các ngân hàng thương mại… Tuy nhiên, ông Thường cho rằng, sự hợp tác của các bên cho vay và các DNNN vẫn là vấn đề. Việc không có cơ chế hiệu quả để buộc các cơ quan này phải cung cấp đầy đủ thông tin, dẫn tới việc DATC rất khó để đưa ra các giải pháp.
Ông Kotegawa Daisuke - chuyên gia đặc biệt của JICA trong lĩnh vực tái cấu trúc DNNN, một trong những sáng lập viên của Cơ quan tái thiết công nghiệp Nhật Bản đánh giá, các khoản nợ của DNNN rất phức tạp, đan xen, chồng chéo giữa các DN, giữa DN với các ngân hàng. Do đó, tái cơ cấu lại DNNN không thể thành công nếu không đồng bộ với cơ cấu lại hệ thống ngân hàng.
Ngoài ra, để việc xử lý nợ xấu thực hiện được, ông Kotegawa Daisuke gợi ý cần hình thành thị trường nợ. Chẳng hạn, phát hành trái phiếu cho các khoản nợ, theo dạng viết giấy vay nợ. Với cách này, từ DN nợ biến thành Nhà nước nợ qua kênh trái phiếu. Để thị trường vận hành, bản thân người mua và người bán phải có cơ chế làm việc với nhau. Đến nay, thị trường mua bán nợ của Việt Nam vẫn chưa phát triển vì chưa có khuôn khổ pháp lý.
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) khẳng định, mặc dù còn nhiều khó khăn khi các DN thoái vốn, xử lý nợ... nhưng đích đến đã có. Đề án tái cơ cấu của các tập đoàn, tổng công ty, do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành có yêu cầu phải xác định rõ đâu là các khoản nợ không thể thu hồi được và kê khai các khoản nợ tồn đọng kéo dài. Trong quy chế giám sát tài chính DN mới tới đây cũng sẽ có quy định phải có báo cáo riêng về vấn đề này.
Từ năm 2007 đến nay, DATC đã hướng hoạt động vào trọng tâm chính là xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu DN; lũy kế từ năm 2007 đến 31/12/2011, DATC đã mua nợ để tái cơ cấu cho 72 DN, gồm 44 DN đã hoàn thành và 28 DN đang triển khai, với giá trị các khoản nợ theo sổ sách kế toán hơn 6.256 tỷ đồng, giá vốn mua nợ là hơn 1.640 tỷ đồng... |