Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hỗ trợ để người dân tự thân thoát nghèo

Bài, ảnh: Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2016, toàn huyện Sóc Sơn đã giảm được 1.553 hộ nghèo, đạt 155% kế hoạch.

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chỉ còn 3,7%. Đời sống người dân từng bước được cải thiện theo hướng bền vững.

Hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất

“Cuối tháng này xuất chuồng lứa lợn, gia đình tôi sẽ thu về khoảng 50 triệu đồng” - chị Trần Thị Hoa (44 tuổi), thôn Xuân Đồng, xã Tân Minh hồ hởi khoe khi chúng tôi đến thăm nhà. Gia đình chị Hoa hiện là một trong những hộ khá giả nhất trong thôn, nhưng ít người biết, hoàn cảnh của gia đình chị trước đây hết sức khó khăn. Xây dựng gia đình được 6 năm, không may chồng chị mắc trọng bệnh qua đời, để lại 2 đứa con thơ dại, bố mẹ chồng đã ngoài 70 tuổi và người em chồng khuyết tật. Cuộc sống gia đình chị trông cả vào 5 sào ruộng, lại không có nghề phụ, vốn liếng chợ búa chỉ là con số 0. Nhưng như dân gian vẫn nói "cuộc đời không lấy đi của ai tất cả", nhờ chịu khó lam làm và sự thương yêu giúp đỡ của bà con lối xóm, các tổ chức đoàn thể, cuộc sống gia đình chị dần ổn định. Ngoài sự động viên, thăm hỏi, chị Hoa được Hội Phụ nữ xã Tân Minh cho vay vốn phát triển sản xuất. Chị mua nuôi 5 con lợn giống, số tiền còn lại mua gạo đi bán hàng xáo. Từ số vốn ít ỏi, nhờ chịu khó làm ăn, nay chị đã mở rộng trại lợn với hàng chục con. Bên cạnh chăn nuôi, chị Hoa còn được Phòng Kinh tế huyện hỗ trợ, tư vấn mở rộng sản xuất sang lĩnh vực nuôi trồng nấm ăn.
 Nhờ phát triển trại lợn và nuôi trồng nấm ăn, gia đình chị Trần Thị Hoa (xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn) đã từng bước thoát nghèo bền vững. 

Gia đình chị Hoa chỉ là một trong số hàng ngàn hộ nghèo trên địa bàn huyện Sóc Sơn được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN&PTNT và các đơn vị đoàn thể trên địa bàn huyện để phát triển sản xuất trong những năm qua. Theo ông Hoàng Chí Dũng - Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn, bên cạnh cho vay vốn, chỉ tính riêng trong năm 2016, huyện đã đầu tư số tiền trên 830 triệu đồng mua phân bón, cấp phát miễn phí cho 4.289 hộ nghèo phục vụ sản xuất nông nghiệp từ nguồn ngân sách hỗ trợ giảm nghèo. Ngoài ra, các ban ngành, đoàn thể của huyện cũng mua cây giống, con giống cấp cho trên 1.000 lượt hộ nghèo...

Cụ thể hóa mục tiêu

Dù đã đạt được kết quả đáng khích lệ, song công tác giảm nghèo của huyện Sóc Sơn giai đoạn tới dự báo vẫn còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo tại một số xã xa trung tâm huyện, địa phương vùng đồi gò còn cao như các xã Bắc Sơn (13,8%), Nam Sơn (7,5%), Kim Lũ (7,4%)… Dù không có trường hợp tái nghèo, nhưng số hộ nghèo phát sinh mới vẫn còn khá cao, riêng năm 2016 là 280 hộ. Cùng với số hộ nghèo, số hộ cận nghèo cũng còn ở mức cao và hiện chiếm tới 4,72%. Đây thực sự là bài toán không dễ đối với huyện Sóc Sơn nếu muốn hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1% vào năm 2020.

Ông Lê Hữu Mạnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, giảm nghèo được xem là một trong những nhiệm vụ chính trị - xã hội quan trọng đã được địa phương cụ thể hóa bằng Kế hoạch số 130 về thực hiện Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, trong năm 2017 và những năm tiếp theo, Sóc Sơn sẽ tập trung huy động các nguồn vốn từ các tổ chức, hội đoàn thể và tổ chức tín dụng Nhân dân để đáp ứng nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất cho các hộ nghèo. Nâng cấp cơ sở hạ tầng làm tiền đề phục vụ sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa. Đồng thời, huyện sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu huyện đề ra là không chỉ nhằm nâng cao đời sống cho người dân, mà còn để mỗi người dân đủ điều kiện tự thân vươn lên thoát nghèo.