Hỗ trợ nền tảng internet tốc độ cao cho học trực tuyến

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 7/9, trong ngày học thứ 2 của năm học 2021 - 2022, tình hình nghẽn mạng, rớt mạng khi thầy trò dạy và học trực tuyến chưa có nhiều cải thiện. Tuy nhiên, nhiều nhà trường đã chuẩn bị phương án, kế hoạch để chủ động trong các hoạt động dạy và học.

Học sinh trường THCS Ngô Quyền học trực tuyến tại nhà. Ảnh: Thanh Hải
Vướng đâu, gỡ đó
Chị Ngô Mỹ Hạnh, trú tại huyện Đan Phượng, Hà Nội bộc bạch: “Ngày thứ hai vào năm học mới, mạng vẫn phập phù trong giờ học trực tuyến của con. Khi con trai tôi đang học Toán, cô dạy rất hay và sôi nổi làm cả lớp vui vẻ, hào hứng phát biểu. Giơ tay đến lần thứ 5, con mới được gọi trả lời nhưng đang nói thì tài khoản bị out làm cậu bé tụt hứng, mặt ỉu xìu. Đã thế, con cố gắng đăng nhập lại để trả lời tiếp thì không thực hiện được ngay. Điều này khiến con buồn cả buổi sáng. Không hiểu tình trạng mạng chậm, mạng rớt kéo đến bao giờ!”.

Theo lời kể của nhiều học sinh (HS), phụ huynh và giáo viên thì với phần mềm Zoom, sự cố nghẽn mạng vẫn xảy ra với cả cô và trò trong sáng 7/9. Nếu mạng lỗi, chậm với một HS, các bạn khác vẫn học được nhưng mạng lỗi ở phía cô giáo thì ảnh hưởng đến cả lớp, bài học không hoàn thành trong khung giờ quy định. Để ứng phó, nhiều thầy cô đã đăng ký với Ban giám hiệu sẽ thống nhất với lớp để dạy bù vào thời điểm thích hợp. “Việc dạy bù là việc cả giáo viên và HS đều không muốn nhưng khi tình trạng rớt mạng thường xuyên xảy ra như hiện tại, dạy bù là tình huống bất đắc dĩ phải thực hiện”- một cô giáo nói.

Cô Nguyễn Thị Huyền, giáo viên trường Tiểu học Trường Yên, huyện Chương Mỹ cho biết: “Sáng 7/9, các giáo viên trong trường đã chuyển hết từ dạy qua Zoom sang dạy bằng phần mềm Google Meet. Quả nhiên khác bên Zoom, phần mềm này chạy ổn định hơn nhiều; hầu như cô không phải dừng lại để khắc phục sự cố về đường truyền nữa”.

Trong năm học 2021 - 2022, xác định học trực tuyến không phải là giải pháp tình thế mà sẽ lâu dài, ổn định trong dịch bệnh, Bộ GD&ĐT đã xem xét, nhìn nhận thấu đáo, đưa ra nhiều quyết sách để ứng phó và tháo gỡ. Dù vậy, hệ thống mạng gặp trục trặc khi học trực tuyến là tình trạng phổ biến ở Hà Nội trong hai ngày qua khiến giáo viên cũng như phụ huynh, HS tâm tư, lo lắng. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết: Ngay ở giai đoạn đầu triển khai học trực tuyến, Sở GD&ĐT đã trao đổi với các đơn vị viễn thông giữ ổn định đường truyền, tạo điều kiện để các em HS học tập cũng như hướng dẫn các trường trong thực hiện nhiệm vụ dạy - học online. Để chủ động khắc phục tình trạng nghẽn mạng, các trường nên chủ động bố trí khung thời gian hợp lý; sắp xếp thời khóa biểu từng khối lớp theo lịch học sáng - chiều khác nhau để giảm mật độ truy cập vào cùng một thời điểm.

Hỗ trợ hạ tầng số tốc độ cao cho trường học

Theo PGS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT), thực hiện kế hoạch năm học trong bối cảnh đặc biệt, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các cấp học rà roát điều chỉnh nội dung dạy học, đảm bảo chương trình nhưng tinh giản nội dung. Nguyên tắc tinh giản là không vượt quá yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình hiện hành, tích hợp một số nội dung thành các chủ đề, điều chỉnh các nội dung trùng lặp giữa các môn học và hoạt động giáo dục; không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung được hướng dẫn là không dạy, đọc thêm, không làm, không thực hiện, không yêu cầu…

Song song với việc này, dạy học trực tuyến làm sao để đảm bảo chất lượng, không quá tải cũng là một yêu cầu. Bộ GD&ĐT đã có văn bản dạy học trực tuyến trên internet và truyền hình và tới đây, Bộ tiếp tục tập huấn giáo viên về kỹ năng dạy học trực tuyến trên tinh thần khắc phục những hạn chế còn tồn tại. Tinh thần là các nhà trường tổ chức dạy trực tuyến theo cách tăng cường, giao cho HS tự học nhiều hơn; tương tác nhiều hơn, giúp giảm căng thẳng và thời gian ngồi trước màn hình.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho học trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có chỉ đạo về xây dựng và triển khai Chương trình “sóng và máy tính cho em”. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ TT&TT ban hành hướng dẫn về sử dụng an toàn các phần mềm, công cụ dạy học trực tuyến; chỉ đạo các tập đoàn, DN viễn thông, công nghệ thông tin nghiên cứu, phát triển các giải pháp, nền tảng dạy và học trực tuyến, học liệu số; hỗ trợ các nhà trường, học sinh, giáo viên tiếp cận hạ tầng số, dịch vụ truy nhập internet tốc độ cao an toàn, dễ sử dụng. Đồng thời chỉ đạo các DN viễn thông xem xét miễn giảm giá cước truy cập internet cho học sinh, sinh viên và giáo viên, giá cước sử dụng giải pháp phục vụ giáo dục, đào tạo và quản lý giáo dục cho các nhà trường, giá dịch vụ thuê máy chủ, băng thông phục vụ đào tạo từ xa cho các trường đại học.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT chỉ đạo các nhà xuất bản cung cấp sách giáo khoa (cả bản điện tử) đầy đủ, thuận lợi cho học sinh khi bước vào năm học mới, nhất là tại các địa phương tổ chức học trực tuyến. Hướng dẫn xây dựng hệ thống đề thi, bài kiểm tra, ngân hàng câu hỏi phục vụ tổ chức thi, kiểm tra đánh giá theo hình thức trực tuyến một cách phù hợp.