Có được thành quả này là nhờ họ đã chuyển hướng sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún sang mô hình kinh tế trang trại, gia trại. Tuy nhiên, để những mô hình này ngày càng nhân rộng và phát triển bền vững vẫn rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp, các ngành.
Phát triển đúng hướng
Ông Phạm Đăng Nam, ở thôn Giao Tất A cho biết, năm 2007, ông đã thuê thầu 25.200m2 đất của các hộ trong thôn. Diện tích này được ông đào ao nuôi cá giống và các loại cá thương phẩm chất lượng cao như cá chim, các loại cá trắm, cá lăng, góp phần tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động. Hiện nay, trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông có thu nhập trên dưới 300 triệu đồng. Từ hiệu quả của mô hình kinh tế trang trại này, đầu năm 2015, ông tiếp tục thuê thêm 5 mẫu đất của các hộ sau dồn điền đổi thửa để trồng 3.500 gốc chuối Thái Lan và chuối tiêu hồng. Hiện tại, chuối đang phát triển tốt, nhiều diện tích đã ra buồng cho thu hoạch đúng dịp Tết Nguyên đán Bính Thân cũng sẽ mang lại nguồn thu lớn.
Một nông hộ khác là ông Nguyễn Văn Dịu, ở thôn Giao Tự lại phát huy hiệu quả mọi nguồn lực được hỗ trợ từ các cấp chính quyền để thực hiện thành công mô hình nuôi lợn lồng từ năm 2004 đến nay. Hiện, gia đình ông đang nuôi 20 con lợn nái, mỗi năm xuất bán từ 400 - 500 con lợn thịt. Do chủ động hoàn toàn về con giống kết hợp kỹ thuật chăn nuôi đảm bảo nên đã hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh trong chăn nuôi. Ông còn mở cửa hàng bán thức ăn gia súc và thuốc thú y. Với mô hình khép kín này, mỗi năm gia đình thu lãi vài trăm triệu đồng.
Trên địa bàn huyện Gia Lâm còn nhiều mô hình phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi, chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả cho thu nhập cao. Gia đình ông Nguyễn Viết Khang, ở thôn Kim Sơn nuôi lợn mỗi năm thu lãi trên dưới 200 triệu đồng. Ông Chu Văn Miền, ở thôn Giao Tất A trồng cây ăn quả như mít Thái, cam đường Canh, cam Vinh… mỗi năm thu lãi trên dưới 200 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho từ 5 - 7 lao động với mức thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Mong được quan tâm hơn
Kim Sơn là một trong số 4 xã thuần nông của huyện Gia Lâm, nên chính quyền địa phương đã tạo mọi thuận lợi để người dân thực hiện chuyển đổi phát triển kinh tế theo hướng an toàn bền vững. Để giúp nông dân tăng thu nhập, thay đổi thói quen sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, UBND huyện đã hỗ trợ nông dân thực hiện mô hình trồng khoai tây, hoa ly trên đất lúa. Theo đó, đã tổ chức hàng chục buổi tập huấn, dạy nghề ngắn hạn về làm vườn, chăn nuôi cho nông hộ. Mỗi năm, giúp các hộ có nhu cầu vay từ 5 - 8 tỷ đồng từ các nguồn để đầu tư phát triển kinh tế. Nhờ đó, tới nay, toàn xã đã có 51 hộ thực hiện các phương án chuyển đổi với tổng diện tích 453.412m2, giải quyết việc làm cho 215 lao động với mức thu nhập từ 3 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Song hiện tại, trong 51 phương án chuyển đổi mới có 2 phương án được huyện phê duyệt, 49 phương án còn lại chưa được phê duyệt. Trong số này có 21 phương án đã và đang cho hiệu quả kinh tế cao, 30 phương án chưa cho thu nhập hoặc cho hiệu quả kinh tế thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa được các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ các điều kiện cần và đủ để thực hiện các mô hình kinh tế chuyển đổi như nguồn vốn, cơ chế, chính sách phù hợp. Vì thế, người dân mong muốn được các cấp chính quyền TP quan tâm hơn nữa như tăng nguồn vốn cho vay với thời hạn dài hơn, hỗ trợ mở nhiều lớp tập huấn khoa học kỹ thuật. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các phương án chuyển đổi nhằm tạo thuận lợi và cơ hội để nông hộ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi thực hiện mô hình trang trại, gia trại làm giàu từ nông nghiệp.
Vườn cam Vinh của gia đình ông Chu Văn Miền thôn Giao Tất A, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm. Ảnh: Minh Liễu
|