Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hỗ trợ tới 100% chi phí bồi dưỡng, truyền nghề khuyến nông

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Để triển khai các hoạt động khuyến nông, tổ chức khuyến nông sẽ được tổ chức chặt chẽ từ cấp Trung ương đến cấp xã.

KTĐT - Để triển khai các hoạt động khuyến nông, tổ chức khuyến nông sẽ được tổ chức chặt chẽ từ cấp Trung ương đến cấp xã.

Kể từ ngày 1/3/2010, nông dân sản xuất nhỏ, sản xuất hàng hóa, nông dân thuộc diện hộ nghèo; chủ trang trại, xã viên tổ hợp tác và hợp tác xã, công nhân nông lâm trường và các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được áp dụng các quy định mới trong hoạt động khuyến nông. 

Chính phủ vừa có Nghị định về khuyến nông với phạm vi điều chỉnh là các ngành nghề sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ trong nông - lâm - ngư - diêm nghiệp, thủy nông, cơ điện nông nghiệp, ngành nghề nông thôn, dịch vụ nông nghiệp nông thôn...

Để triển khai các hoạt động khuyến nông, tổ chức khuyến nông sẽ được tổ chức chặt chẽ từ cấp Trung ương đến cấp xã. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cấp tỉnh, huyện có trung tâm khuyến nông là đơn vị sự nghiệp công lập; cấp xã có khuyến nông viên với ít nhất 2 người ở các xã thuộc địa bàn khó khăn và 1 người cho các xã còn lại.

5 nội dung khuyến nông

Thứ nhất, đối tượng khuyến nông sẽ được bồi dưỡng, tập huấn và đào tạo về chính sách, pháp luật, kỹ năng sản xuất, quản lý kinh doanh trong các lĩnh vực khuyến nông thông qua các mô hình trình diễn, lớp học ngắn hạn, truyền thông, chương trình đào tạo từ xa ..

Thứ hai, Thông tin tuyên truyền cũng là một biện pháp giúp phổ biến khoa học và công nghệ, các điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh và quan trọng nhất là xây dựng và quản lý dữ liệu thông tin của hệ thống thông tin khuyến nông.

Thứ ba, cần trình diễn và nhân rộng mô hình về tiến bộ khoa học và công nghệ phù hợp với từng địa phương, nhu cầu của người sản xuất và định hướng của ngành. Tiến hành chuyển giao kết quả khoa học và công nghệ từ các mô hình trình diễn, điển hình sản xuất tiên tiến.

Thứ tư là nội dung tư vấn và dịch vụ khuyến nông, cụ thể sẽ tư vấn và cung cấp dịch vụ về ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, tổ chức, quản lý để giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm; khởi nghiệp cho chủ trang trại, doanh nghiệp vừa và nhỏ về lập dự án đầu tư, tìm kiếm mặt bằng sản xuất, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm làm ra.

Thứ năm, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế để có thể trao đổi kinh nghiệm khuyến nông với các tổ chức, cá nhân nước ngoài và có thể tổ chức các chương trình học tập khảo sát trong và ngoài nước.

Hỗ trợ 50, 100% chi phí bồi dưỡng, truyền nghề

Nông dân sản xuất nhỏ, thuộc diện nghèo, nông dân sản xuất hàng hóa, chủ trang trại, xã viên tổ hợp tác được hỗ trợ 100% chi phí tài liệu và 100% chi phí đi lại, ăn ở khi tham dự đào tạo. Mức hỗ trợ 50% chi phí đi lại, ăn ở khi tham dự đào tạo dành cho nông dân sản xuất hàng hóa, chủ trang trại, xã viên tổ hợp tác.

Đối với người hoạt động khuyến nông hưởng lương hoặc không hưởng lương từ ngân sách nhà nước được hỗ trợ 100% chi phí tài liệu và ăn ở khi tham dự đào tạo. Đồng thời, luôn ưu tiên đào tạo cán bộ khuyến nông là nữ, là người dân tộc thiểu số.

Mức hỗ trợ 100% từ phía nhà nước áp dụng cho các hoạt động thông tin, tuyên truyền về khuyến nông, tổ chức hội thi, hội chợ, triển lãm... đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với xây dựng mô hình trình diễn được hỗ trợ tối thiểu từ 30% đến 100% chi phí mua giống, vật tư thiết yếu khi mô hình trình diễn ở những huyện nghèo, địa bàn khó khăn.

Đầu tư hơn 190 tỷ cho khuyến nông năm 2010

Trong năm 2009 vừa qua, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quốc gia đã bố trí tổng kinh phí 131,34 tỷ đồng để xây dựng mô hình trình diễn, chuyển giao khoa học công nghệ gồm chương trình khuyến nông trồng trọt, chương trình khuyến nông chăn nuôi...  

Riêng chương trình khuyến nông trồng trọt, năm 2009, ngành khuyến nông đã thực hiện 1.007 điểm trình diễn với 55.238 hộ tham gia, với nhiều mô hình sản suất hạt giống lúa lai F1, sản xuất lúa lai thương phẩm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất rau theo Việt GAP. Các điểm trình diễn đều cho năng suất cao hơn từ 10 – 30% so với ngoài mô hình, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, xóa đói giảm nghèo…

Năm qua, hệ thống khuyến nông trên cả nước còn phối hợp với các viện, trường, các địa phương triển khai được 482 lớp tập huấn cho 14.170 học viên là cán bộ khuyến nông các cấp, khuyến nông viên và nông dân chủ chốt.

Mới đây, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư Quốc gia cũng đã xây dựng chương trình khuyến nông năm 2010 với tổng kinh phí 196 tỷ đồng. Trong số này, lĩnh vực trồng trọt được đầu tư 44,7 tỷ tỷ đồng, tập trung vào một số lĩnh vực như sản xuất lúa lai, thâm canh tổng hợp lúa, sản xuất rau sạch và hoa chất lượng cao, trồng cây ăn quả và sản xuất cây công nghiệp dài ngày. Sản xuất lúa lai F1 sẽ là một trong những chương trình trọng tâm trong năm tới.

Như vậy, hoạt động khuyến nông năm 2010 hướng tới đổi mới toàn diện đảm bảo thúc đẩy sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản phát triển, tập trung vào các sản phẩm chủ lực và hướng đến một nền nông nghiệp hàng hóa có chất lượng và hiệu quả cao, đảm bảo cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Đồng thời tăng cường năng lực hệ thống khuyến nông – khuyến ngư các cấp, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách về khuyến nông – khuyến ngư, đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để nâng cao hiệu quả.


Tiêu chuẩn VIET GAP (Good Agriculture Practice - GAP) là tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt Việt Nam dựa trên 4 tiêu chí như: tiêu chuẩn về kỹ thuật sản xuất; an toàn thực phẩm gồm các biện pháp đảm bảo không có hóa chất nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý khi thu hoạch; môi trường làm việc mục đích nhằm ngăn chặn việc lạm dụng sức lao động của nông dân; truy tìm nguồn gốc sản phẩm.

Tiêu chuẩn này cho phép xác định được những vấn đề từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.