Hòa đàm tại Geneva: Khởi đầu của một chặng đường dài

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 23/2 (giờ địa phương), cuộc hòa đàm giữa Chính phủ Syria và phe đối lập nước này do Liên Hợp quốc (LHQ) bảo trợ chính thức diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ, sau hơn 10 tháng bị “đóng băng”.

 Người dân Syria mất nhà cửa, sau các cuộc không kích tại TP Aleppo.

Giao tranh ác liệt giữa các phe phái đối địch tại Syria vẫn tiếp tục diễn ra, bất chấp các cuộc đàm phán hòa bình Syria do nhiều bên hậu thuẫn đã được nối lại, đe dọa nghiêm trọng nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc tìm ra giải pháp chính trị lâu dài cho cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này. Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), có trụ sở ở Anh cho biết, các máy bay chiến đấu của quân đội chính phủ Syria đã tiến hành không kích những khu vực do lực lượng nổi dậy kiểm soát ở các tỉnh Deraa, Hama và Aleppo, trong khi phiến quân nổi dậy nã rocket vào các mục tiêu của quân chính phủ.

Đây là lần thứ 4 LHQ tổ chức đàm phán nhằm tái lập hòa bình cho Syria, song vòng thương lượng lần này diễn ra trong bối cảnh rất khác với sự biến chuyển quan trọng của các bên tham gia. Vai trò của Lục địa già trong hòa đàm đã dần “mờ nhạt” do phải đối phó với tác động từ làn sóng di cư ồ ạt và nguy cơ khủng bố. Việc các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) bị chia rẽ trong bối cảnh Anh chuẩn bị rời EU – còn gọi là Brexit cũng khiến giới chức khu vực không còn quá mặn mà với diễn biến tại khu vực. Bên cạnh đó, động thái "đóng băng" viện trợ quân sự cho phe nổi dậy tại khu vực Tây bắc Syria phát đi tín hiệu cho thấy tân chính quyền Mỹ sẽ sớm điều chỉnh cách thức can thiệp vào Trung Đông. 

Diễn ra sau 10 tháng bị ngưng trệ nhưng dư luận quốc tế không kỳ vọng nhiều vào kết quả khả quan mà chỉ coi đây là sự khởi đầu cho một chặng đường dài các cuộc đàm phán, mặc cả giữa các bên liên quan. Vấn đề mấu chốt của các vòng hòa đàm Syria vẫn là tương lai chính trị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Trong khi phe đối lập yêu cầu ông al-Assad phải từ bỏ quyền lực trước khi thành lập một chính phủ chuyển tiếp, chính phủ Syria lại kiên định với lập trường rằng số phận của ông al-Assad không thể được đưa ra thảo luận. Đây là vấn đề khó nhượng bộ và thỏa hiệp giữa các phe phái đối địch tại Syria, trong bối cảnh xung đột và chiến tranh tại quốc gia Trung Đông này sắp bước sang năm thứ 7. Bất ổn chính trị và an ninh đã khiến hơn 310.000 người thiệt mạng tại Syria, hàng triệu người phải rời bỏ nhà đi sơ tán, kéo theo một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng tại nước này.

Mặc dù, tại thời điểm này vẫn còn quá sớm để nhận định về vai trò của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc xung đột ở Syria. Song việc luật sư của ông Trump trao tận tay “kế hoạch” hòa bình vấn đề Nga - Ukraine cho cựu Cố vấn an ninh quốc gia Michael T. Flynn cho thấy, nhiều khả năng, Tổng thống Mỹ có thể sẽ gia tăng cam kết của Washington với cuộc xung đột Syria và cuộc chiến với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần