Sáng 2/11, Tòa án Nhân dân 2 cấp TP Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự. Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng dự hội nghị.
Sau thời gian khẩn trương chuẩn bị, dưới dự phối hợp giúp đỡ của Tòa án Nhân dân tối cao, Thành uyr và UBND TP Hà Nội, Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án Nhân dân TP Hà Nội và tại 15 tòa án Nhân dân 15 quận, huyện đã chính thức đi vào hoạt động.
Theo đó, các trung tâm hòa giải, đối thoại tại 16 đơn vị này tiến hành hòa giải các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động; đối thoại các khiếu kiện hành chính trước khi toà án thụ lý, giải quyết, trừ những tranh chấp khiếu kiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật tố tụng hành chính không được hòa giải, đối thoại.
Trong quá trình hòa giải, đối thoại, các hòa giải, đối thoại viên là người trung lập, khách quan hỗ trợ các bên thỏa thuận, giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Lời khai của người tham gia hòa giải, đối thoại không được sử dụng làm chứng cứ trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, trừ một số trường hợp đặc biệt theo quy định pháp luật. Trường hợp các bên yêu cầu tòa án ra quyết định công nhận hòa giải, đối thoại thành công thì quyết định này có hiệu lực thi hành như bản án, quyết định của tòa án. Các bên cần hòa giải không phải chịu bất cứ chi phí, thù lao nào cho hòa giải, đối thoại viên…
Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cùng Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng thăm nơi làm việc của Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án Nhân dân TP Hà Nội. |
Phát biểu tại hội nghị, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đánh giá: Hòa giải, đối thoại là phương thức giải quyết hiệu quả các tranh chấp, giúp tiết kiệm nhiều chi phí, thời gian, công sức của đương sự, Nhà nước và toàn xã hội. Bên cạnh đó, còn giúp hạn chế tranh chấp khiếu kiện phức tạp kéo dài. Kết quả hòa giải, đối thoại còn góp phần hàn gắn rạn nứt giữa các đương sự, giữ gìn ổn định trật tự xã hội, tạo đồng thuận, xây dựng khối đại đoàn kết trong Nhân dân. Các hoà giải, đối thoại viên cần công tâm, khách quan xác định công việc giải quyết việc tranh chấp theo hướng cùng thoả thuận, không phân thắng, thua giữa đôi bên có tranh chấp.
Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình tin tưởng, toà án Nhân dân 2 cấp TP Hà Nội tổ chức hòa giải, đối thoại hiệu quả sẽ là tiền đề triển khai mô hình rộng rãi trên toàn quốc. Đây là giải pháp căn cơ trong điều kiện thu gọn bộ máy hoạt động, giảm tải rất lớn công việc xét xử trong ngành tòa án. Đồng thời, việc hòa giải, đối thoại thành công góp phần xây dựng tòa án trong sạch vững mạnh. Bởi, bớt đi sự ganh đua thắng, thua của các đương sự.
Ngoài ra, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng cần xem công tác hòa giải, đối thoại là nhiệm vụ chính trị, bởi làm tốt công tác này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác xét xử của tòa án Nhân dân 2 cấp tại TP.