Hoa hậu Đỗ Thị Hà về thăm trường: Lỗi của Hoa hậu hay do khâu… kê ghế?

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bức ảnh chụp Hoa hậu Đỗ Thị Hà ngồi trịnh trọng trên ghế trong chuyến về thăm trường ĐH Kinh tế quốc dân, trong khi thầy hiệu trưởng đứng chắp tay “báo cáo” đã khiến dư luận dậy sóng.

Từ sáng hôm nay (ngày 9/12), mạng xã hội lan truyền chóng mặt bức hình chụp trong một phòng tiếp khách của trường ĐH Kinh tế quốc dân, trong đó nổi bật lên hình ảnh tân Hoa hậu Đỗ Thị Hà đội vương miện, mặc áo dài màu vàng, đeo dải băng danh hiệu đang ngồi nghiêm trang trên một trong hai ghế chủ tọa. Đó là hình ảnh Đỗ Thị Hà về trường hôm 8/12.

 Hình ảnh Hoa hậu Đỗ Thị Hà về trường ĐH Kinh tế quốc dân, nơi cô đang là sinh viên năm thứ 2 (ảnh internet)

Rất nhiều bình luận có phần “ném đá” Hoa hậu đã được bày tỏ. Người thì cho rằng Hoa hậu thiếu lễ phép. Trong khi người Việt Nam trọng tinh thần “tôn sư trọng đạo”, thì một cô sinh viên mới đạt danh hiệu Hoa hậu, chưa có đóng góp gì cho xã hội lại ngồi trịch thượng phía trên.

Cũng trong bức ảnh này, thầy hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân ở ghế chủ tọa bên cạnh, nhưng không ngồi, mà đứng chắp tay phía trước, tư thế đang phát biểu một cách trịnh trọng và có phần khiêm nhường, "khúm núm".  Nhiều ý kiến cho rằng cuộc đón tiếp sự kiện Hoa hậu về trường không phù hợp, có phần phản cảm.

Bên cạnh những ý kiến phê bình cũng nhiều ý kiến đưa ra các lời khuyên. PGS.TS Phạm Quang Long cho rằng: “Cũng nên thông cảm cho Hoa hậu. Cháu thiếu bản lĩnh lại thấy người ta tung hô nên nhận lầm giá trị hay không dám phản ứng thì không biết. Cháu dở trong chuyện này, rõ rồi, nhưng dở nhất là những người lớn không biết mình lố chỗ nào”. PGS.TS Phạm Quang Long nhắc nhở, tiếc rằng không ai đứng ra uốn nắn cái sai, nói lại cho chuẩn mực mà chỉ thấy phê phán, công kích.

Trên trang thông tin cá nhân của một của nickname mang tên Chiến Văn có đưa ra ý kiến: “Nếu mình được tham gia vào Ban tổ chức, mình sẽ không kê bàn, bố trí ghế ngồi như kiểu kia (kiểu có 2 ghế chủ tọa phía trên, và 2 dãy ghế thẳng hàng phía dưới – phóng viên). Thú thực là với cách bố trí ghế như vậy thì rất khó cho cả 2 bên. Nhiều người cho rằng thầy giáo đứng khúm núm trước hoa hậu, vốn là sinh viên của trường, mình nghĩ ko phải. Trong 1 sự kiện đông người, với cách bố trí ghế ngồi và hội trường như vậy,  nhân vật phát biểu đứng dậy cũng là dễ hiểu. Mà khi đứng phát biểu thì đàn ông hay để tay ở tư thế kia, thể hiện sự lịch thiệp thôi.

Ghế kê kiểu kia thì hoa hậu cũng khó có tư thế ngồi nào khác. Có khác chăng là nếu cô ấy đứng lên nghe lời thầy nói thì sẽ đỡ...hơn thôi.

Tóm lại là do khâu... kê ghế. Nếu mình được kê mình ko kê thế. Mà sẽ kê để thầy hiệu trưởng và hoa hậu ngồi giữa dãy bàn. Thầy trò có thể ngồi cạnh nhau hoặc đối diện. Như vậy sẽ tạo cảm giác thân mật, gần gũi hơn. Nếu phương án này không được chấp nhận, mình sẽ kê 1 ghế ở chủ tọa phía trên, để thầy hiệu trưởng ngồi. Hoa hậu ngồi ghế đầu tiên của dãy bàn dưới. Cuối cùng là kê kiểu chữ U”.

Vẫn cần biết, ngồi lên chiếc “ghế nóng” thì chấp nhận việc săm soi, phát xét của dư luận. Nên càng đòi hỏi Hoa hậu phải biết giữ mình, biết làm việc tốt cho xã hội và từ chối những việc làm ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín bản thân. Sau sự việc Hoa hậu về làng, Hoa hậu về trường… dẫu lỗi của những vụ lùm xùm không hẳn đến từ phía Hoa hậu, nhưng cũng là bài học để Đỗ Thị Hà rút kinh nghiệm cho mình trong quá trình đội vương miện, đại diện cho sắc đẹp của người phụ nữ Việt.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần