Hoa nở trên “đất thép”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Về thăm Củ Chi vào những ngày cuối tháng Tư này, một không khí trang nghiêm hòa cùng những niềm vui phấn khởi trước thành tựu đổi thay của vùng "Đất thép thành đồng" sau 39 năm Giải phóng, thống nhất đất nước.

"Đất thép thành đồng"…

Củ Chi là một huyện ngoại thành TP Hồ Chí Minh nằm cửa ngõ Tây Bắc trên trục đường xuyên Á. Trong chiến tranh, Củ Chi có vị thế chiến lược đặc biệt quan trọng, là một trong những nơi giao tranh gay go, quyết liệt và được mệnh danh là "Đất thép thành đồng", được phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang"…

Củ Chi xưa đánh giặc anh hùng là vậy, đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng lại đi đầu trong xây dựng, sản xuất. Ông Lê Minh Tấn - Chủ tịch UBND huyện Củ Chi vui mừng nói với chúng tôi: Huyện Củ Chi đã được phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới", và điều quan trọng hơn cả là cuộc sống người dân ngày càng khấm khá hơn. Sau quá trình nỗ lực phấn đấu cua Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Củ Chi trong 39 năm qua, đến nay, về kinh tế đã phát triển khá mạnh, tiến trình đô thị hóa được đẩy nhanh. Năm 2013, tổng giá trị sản xuất đạt 19.319,941 tỷ đồng. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là 14.938,814 tỷ đồng; hiện trên địa bàn huyện có 2.376 doanh nghiệp và chi nhánh đang hoạt động. Giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ thực hiện đạt 3.147,743 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Xuân đang chăm sóc vườn lan
Ông Nguyễn Văn Xuân đang chăm sóc vườn lan
Còn ông Trần Văn Chí - Chủ tịch UBND xã Tân Thông Hội (xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới) cho biết: Trong chiến tranh, danh hiệu "Đất thép thành đồng" là thể hiện ý chí kiên cường của con người Củ Chi trong đánh giặc, sẵn sàng hy sinh để giữ vững trận địa chiến lược quan trọng... Sau giải phóng, mảnh đất này còn là "đất thép kép" vì trộn lẫn vô số thép và đồng từ vỏ đạn bom của ta và địch... dân Củ Chi phải đào thép, nhặt đồng để có đất sản xuất như ngày hôm nay.

Những vườn hoa khoe sắc

Chúng tôi tìm về xã Tân Thông Hội để "mục sở thị" sự đổi thay trên vùng quê giàu truyền thống cách mạng này. Tại đây, chúng tôi được nghe nhiều tấm gương của những nông dân đã buông tay súng rồi lại cầm tay cuốc nhặt từng mảnh bom đạn trên mảnh đất mà họ đã từng chiến đấu để sản xuất làm kinh tế gia đình. Họ dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất trồng hoa lan, không những làm giàu cho gia đình mà còn làm đẹp cho quê hương.

Gia đình ông Nguyễn Văn Xuân (63 tuổi, ở tổ 1, ấp Trung) là một trong những hộ làm kinh tế giỏi của xã. Ông cho biết: "Năm 2010, tôi được xã hỗ trợ những thủ tục để vay vốn ngân hàng 800 triệu đồng đầu tư trồng vườn hoa lan và được đi học một lớp về kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa lan. Áp dụng vào thực tế sản xuất, tôi đã thu được rất nhiều thành công, vườn lan cho thu nhập lãi trên 300 triệu đồng/năm, nay đã trả hết nợ và tiếp tục đầu tư mở rộng thêm".

Ông Nguyễn Văn Được (64 tuổi, ấp Hậu) - người có nhiều tâm huyết với nghề vườn. Từ khi có chương trình xây dựng nông thôn mới, ông mạnh dạn vay tiền ngân hàng trồng 4.000 gốc lan Monkara cắt cành. Cách 5 - 7 ngày lại được cắt cành một đợt, mỗi năm, gia đình ông thu lãi được trên 150 triệu đồng từ bán hoa lan. Ông Được cho biết thêm, chương trình xây dựng nông thôn mới đã hỗ trợ thiết thực cho các đối tượng trong độ tuổi lao động được học nghề, tạo công việc làm sau khi học. 

Ngoài nuôi bò sữa, cá sấu, heo "sạch"… và trồng hoa đang được Củ Chi chọn là thế mạnh vì mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ vài chục hộ ban đầu, nay, toàn huyện đã có trên 500 gia đình trồng hoa, cây cảnh theo hình thức trang trại. Nhiều nông dân đã trở thành triệu phú, tỷ phú từ nghề trồng hoa.